• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 3:55:30 CH - Mở cửa
Thái Nguyên: Xuất khẩu vẫn gặp khó
Nguồn tin: Báo Thái Nguyên | 03/04/2023 5:10:00 CH
Do thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nên kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đạt mức tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang loay hoay tìm giải pháp ứng phó; đồng thời trông chờ ngành chức năng có những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ...
 
 
Quý I/2023, sản phẩm may xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt kim ngạch 132,6 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước và là một trong những điểm sáng về lĩnh vực này. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.
 
Quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh chưa đạt tiến độ bình quân chung của năm và giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,92 tỷ USD (giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2022), bằng 22,6% kế hoạch năm. Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh giảm sâu so với cùng kỳ, như: Máy tính bảng giảm 35,1% (đạt 486,3 triệu USD); sản phẩm điện tử khác và phụ tùng giảm 8,5% (đạt 4,95 tỷ USD); sản phẩm từ sắt, thép giảm 18,6% (đạt 8,7 triệu USD); kim loại màu và tinh quặng kim loại màu giảm 14,6% (đạt 69,7 triệu USD)...
 
Trước tình hình này, nhiều DN đã phải cắt giảm ca, kíp làm việc của công nhân; tăng cường các giải pháp tiết kiệm chi phí để duy trì ổn định sản xuất và giữ chân người lao động.
 
Là một trong những DN gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, Công ty TNHH Wiha Việt Nam (ở Khu công nghiệp Sông Công I) - chuyên sản xuất dụng cụ cơ khí cầm tay xuất khẩu sang châu Âu, đang phải đối mặt với tình trạng “đói” đơn hàng. Hiện nay, Công ty chỉ xuất khẩu được 180 nghìn sản phẩm kìm và 10 triệu sản phẩm tô-vít các loại/tháng (giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022). Trước tình trạng này, Công ty đã phải cắt giảm hơn 270 lao động và 1 ca sản xuất/ngày so với trước đây.
 
Tương tự, một số DN sản xuất linh phụ kiện điện tử phụ trợ tại Khu công nghiệp Điềm Thụy cũng đang bị giảm đơn hàng so với trước, nguyên nhân là do đơn hàng của phía đối tác sụt giảm. Đơn cử như với Công ty TNHH Young Jin Hi - Tech Việt Nam, do đơn hàng từ phía đối tác bị sụt giảm nên từ đầu năm đến nay, đơn vị buộc phải cắt giảm 15-20% thời gian tăng ca của người lao động và chỉ duy trì 2 ca sản xuất/ngày (trước đây là 3 ca).
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chính khiến cho hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn là do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chính như Hoa Kỳ, châu Âu sụt giảm (bởi chịu ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, tiêu dùng thấp). Riêng đối với thị trường châu Âu (EU), mặc dù các DN Việt Nam được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do nhưng về tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc sản phẩm… mà phía EU đặt ra là những điều không dễ vượt qua. Đối với thị trường Trung Quốc mặc dù đã mở cửa trở lại nhưng chuỗi cung ứng nội địa vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, ẩn chứa nhiều rủi ro...
 
Tuy nhiên, nhìn nhận ở một góc độ khác, xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh cũng có một số điểm sáng tích cực, như kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 171,5 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số nhóm sản phẩm xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, như: May mặc đạt 132,6 triệu USD (tăng 23%); điện thoại thông minh đạt 2 tỷ USD (tăng 14%); phụ tùng vận tải đạt 1,7 triệu USD (tăng 8,1%)...
 
Theo ông Ngô Quang Bình, Phó Giám đốc Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (đơn vị chuyên gia công, chế tạo linh kiện, chi tiết máy cho các thương hiệu nổi tiếng như Honda, Yamaha...): Nhờ thị trường xuất khẩu của các bạn hàng truyền thống được phục hồi và Công ty tích cực mở rộng hợp tác với các tập đoàn: Schaeffler (Đức); Piaggio (Italia); Sumitomo, Daido, Osaki, Sunstar (Nhật Bản) nên từ đầu năm đến nay, doanh thu của Công ty đạt trên 25% so với kế hoạch năm.
 
Đối với Công ty TNHH Mani Hà Nội (chuyên sản xuất, xuất khẩu các dụng cụ y tế dao mổ, mũi khoan răng, mũi mài răng, đá mài các loại, kim khoan răng, kim ép chỉ cỡ nhỏ...), trong 3 tháng đầu năm, đơn vị liên tục tuyển mới hơn 100 người lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất tăng cao. 
 
Năm 2023, Thái Nguyên phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 35 tỷ USD. Theo dự báo của ngành chức năng, tỉnh sẽ khó để hoàn thành chỉ tiêu này, do tình hình quốc tế vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp (lạm phát vẫn ở mức cao, xu hướng thắt chặt chi tiêu tại một số thị trường Mỹ, EU); xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng, tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine...
 
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường xuất khẩu, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm cung cấp thông tin cho các DN; theo dõi diễn biến của thị trường thế giới và tham mưu, đề xuất các khuôn khổ hợp tác, giải pháp để phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
 
Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp tổ chức một số hội nghị phổ biến đến các DN về những thời cơ, thuận lợi từ việc thực hiện các hiệp định FTA, như: Tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm dệt may theo Hiệp định RCEP; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại; xúc tiến đầu tư, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản; phổ biến quy tắc xuất xứ hàng hóa theo các hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Việt Nam - Liên hiệp Vương Quốc Anh...