Theo đánh giá của các chuyên gia, nhờ hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan, Việt Nam sẽ sớm trở thành “ngôi sao logistics” của châu Á trong thời gian tới.
Thị trường logistics ở Việt Nam mạnh mẽ và giàu tiềm năng. Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á - theo bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhờ hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan, Việt Nam sẽ sớm trở thành “ngôi sao logistics” của châu Á trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội từ một nền kinh tế có độ mở lớn, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với sự đa dạng của thị trường… ngành logistics Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức. Với các cam kết về giảm phát thải, phát triển bền vững - logistics xanh, logistics số là những điều kiện tiên quyết để phát triển ngành logistics.
Các báo cáo cho thấy, logistisc là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với tốc độ tăng bình quân từ 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/ năm. Cùng với đó, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) hằng năm đạt 20%, nằm trong Top 5 quốc gia có tốc độ tăng trường TMĐT mạnh mẽ nhất toàn cầu.
Theo báo cáo của Lazada, năm 2023, tổng giá trị giao dịch ngành logistics khoảng 32 tỷ USD; chi phí logistics tại các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT chiếm tỷ trọng từ 10% đến 20%. Ngành logistics cho TMĐT sẽ còn đi rất xa trong tương lai.
Các báo cáo cho thấy, logistisc là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với tốc độ tăng bình quân từ 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/ năm.
Theo ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Việt Nam nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với sự hội nhập rất sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn ở mức hai con số, Việt Nam được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics. Cùng với nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp đã đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên hơn 730 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những rủi ro, bất ổn về kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, ngành logistics cũng còn những hạn chế, yếu kém, tồn tại nổi lên như: chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển...
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế đó là ứng dụng công nghệ số chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương nhấn mạnh, theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
"Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 (theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021) của Thủ tướng Chính phủ là ‘‘Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics’’. Là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác…" - ông Chinh nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Trong thời gian qua, trước áp lực của dịch bệnh Covid-19 cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế số và thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp logistics đã nhận thức được vấn đề đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm…
Ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ, doanh nghiệp đã và đang từng bước ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác chăm sóc khách hàng và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn xác định logistics xanh, logistics số là những điều kiện tiên quyết để phát triển, hội nhập.
Theo ông Lộc: "Tân Cảng Sài Gòn cũng hướng đến cảng xanh, cảng thông minh, nhưng bối cảnh lĩnh vực ngành cảng biển của thế giới nó cũng không dừng lại, tiếp tục có những chuyển đổi. Nên, Tân Cảng Sài Gòn cũng phải nắm được xu hướng thế giới cũng sẽ có những thay đổi cho phù hợp. Ví dụ, bây giờ người ta nói về vấn đề cảng xanh, trên thế giới mà quy định của tổ chức thế giới... về vấn đề giảm thiểu khí thải.
Do đó, Tân cảng Sài Gòn cũng xây cho mình những kế hoạch để làm sao các cảng của Tân Cảng cũng phải đáp ứng nhu cầu này của thế giới;nâng cao chất lượng dịch vụ, không ngừng nâng cao năng suất giải phóng tàu để cho tàu đến và rời nhanh; đầu tư các trang thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu; đầu tư các hệ thống như cung cấp điện trên bờ, đáp ứng nhu cầu của các hãng tàu hãng…
Các hãng tàu người ta có nhu cầu/đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường rất nghiêm ngặt. Cho nên phải theo nhu cầu của các hãng tàu. Logistics chúng tôi cũng có những giải pháp hướng tới tương lai, xây dựng làm sao để có hệ sinh thái của Tân Cảng Sài Gòn mang tính bền vững. Ở đó thì trọng tâm là các khách hàng, các doanh nghiệp. Tân cảng Sài Gòn xây dựng hệ thống đó để hướng đến khách hàng của mình và nhu cầu logistics xanh là nhu cầu bắt buộc trong thời gian tới…"./.