Thị trường bất động sản (BĐS) cả nước cũng như Đồng Nai hiện đóng băng đã kéo theo các doanh nghiệp (DN) trong ngành xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng cũng lao đao.
Không chỉ các dự án lớn mà xây dựng dân dụng cũng gặp khó. Trong ảnh: Công nhân Công ty Min group thi công một dự án nhà dân. Ảnh: V.GIA
Hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các DN xây dựng dân dụng dự báo vẫn ở mức thấp. Thiếu hợp đồng mới, giá cả nguyên vật liệu neo ở mức cao cùng với các chi phí cộng dồn từ lãi suất ngân hàng, nhân công, quản lý... là bài toán khó mà DN phải vất vả giải quyết.
* Giá trị xây dựng sụt giảm
Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, giá trị sản xuất xây dựng (giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh trong quý I-2023 đạt hơn 9,1 ngàn tỷ đồng, giảm gần 21,6% so với quý IV-2022. Nguyên nhân là quý I này việc đầu tư, cải tạo, sửa chữa nâng cấp và xây mới nhà xưởng sản xuất, nhà để kinh doanh... chậm lại. Giá vật tư vẫn ở mức cao, cộng với những khó khăn về kinh tế nên thị trường trầm lắng, nhiều hộ cá thể chuyên ngành xây dựng phải thu hẹp hoặc phải tạm dừng hoạt động.
Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Min Group (TP.Biên Hòa) đang phấn đấu trở thành một chuỗi hệ sinh thái BĐS từ các dịch vụ pháp lý, hồ sơ nhà đất đến cung cấp đất nền, cung ứng nhà phố, biệt thự xây sẵn cũng như dịch vụ xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc công ty chia sẻ, khác với mọi năm, tình hình hoạt động năm nay rất khó khăn. Thị trường BĐS đóng băng khiến cho nhu cầu về xây dựng của người dân cũng trầm lắng. Thu hẹp hoạt động là điều chẳng đặng đừng song công ty vẫn nỗ lực để có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng khi tìm đến với DN.
Tương tự, một DN xây dựng, BĐS đang triển khai các dự án ở các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành và Thống Nhất cho biết đang phải thu hẹp mức độ hoạt động. DN hiện có dự án xây dựng nhà ở tại H.Thống Nhất đã cơ bản hoàn thiện thủ tục pháp lý, đang trong tiến trình động thổ, xây dựng thì gặp “sóng gió” của thị trường nên đã buộc phải ngừng tiến độ. DN này đang có kế hoạch chuyển khu đất dự kiến xây dựng hàng trăm ngôi nhà sang tạm thời trồng dưa lưới. “Lấy ngắn nuôi dài, tạo thêm thu nhập trong giai đoạn khó khăn để chờ thị trường hồi phục cũng là một giải pháp” - chủ DN này chia sẻ.
* Tìm cách tháo gỡ
Tình hình khó khăn của ngành BĐS nói chung và các DN trong lĩnh vực xây dựng nói riêng đã kéo dài từ đầu năm 2022 đến nay. Trong bối cảnh đó, cộng đồng DN rất mong chờ sự trợ giúp từ phía Nhà nước. Trong tháng 3 vừa qua, Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để cầu cứu trước nguy cơ phá sản hàng loạt vì thiếu vốn do không tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng.
Thực tế hiện nay, ngoài vấn đề đơn hàng, hợp đồng mới không ký được thì hầu hết các DN xây dựng và vật liệu xây dựng đều trong tình trạng bị chủ đầu tư nợ tiền thi công, dẫn tới nhà thầu nợ tiền ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế của nhiều dự án. Trong đó có nhiều công trình sắp hoàn thành cũng phải dừng thi công. Trước bối cảnh trên, các DN buộc phải tái cấu trúc để có thể duy trì hoạt động.
Nói về điều này, ông Bùi Vĩnh Nhật, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Nhật Gia (TP.Biên Hòa) cho rằng, may mắn của DN ông là hoạt động trên cả 2 lĩnh vực xây dựng và cơ khí chế tạo. Mặc dù cả 2 lĩnh vực này đều khó khăn nhưng dù sao cũng giúp công ty có thể trụ được. Khi ngành xây dựng chạm đáy, DN tập trung hơn vào việc gia công cơ khí, chế tạo để tiếp tục vực dậy trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, việc tăng cường kết nối giao thương để tìm kiếm khách hàng, đối tác cũng được các DN quan tâm.
Ông Nguyễn Công Cảnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thiết kế xây dựng TV Thành Vinh (TP.HCM) chia sẻ, công ty chuyên xây dựng nhà xưởng sản xuất tại TP.HCM và Đồng Nai. Mới đây, công ty có tham gia chương trình kết nối, hợp tác giao thương tại Đồng Nai, qua đó gặp gỡ với nhiều DN để chia sẻ kinh nghiệm và tìm thêm khách hàng mới nhằm mở rộng thị trường, trụ vững qua giai đoạn khó khăn hiện nay.