Tuần qua, giá vàng thế giới chịu ảnh hưởng từ thị trường ngân hàng, lạm phát và trần nợ công của Mỹ nhưng vẫn giao dịch trên mốc 2.000 USD/ounce.
Ảnh: Chí Hùng.
Nội dung chính:
-
Trong bối cảnh nợ công của Mỹ chạm “trần”, hệ thống ngân hàng hỗn loạn, giá vàng thế giới tăng cao nhưng sau đó hạ nhiệt do áp lực chốt lời và sự phục hồi của đồng USD.
-
Giá vàng trong nước tăng nhẹ trong tuần qua, đóng cửa phiên 12/5 ở mức 66,65 - 67,25 triệu đồng/lượng.
Ngày 8/5 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đạt gần 2.017 USD/ounce, tương đương khoảng 57,14 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Edward Gardner - nhà kinh tế hàng hóa của Capital Economics cho biết, thị trường vàng sẽ tiếp tục tăng giá cho đến khi vấn đề trần nợ và tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng được giải quyết.
“Mối lo ngại về các ngân hàng và trần nợ công của Mỹ sẽ giữ giá vàng ở mức cao lịch sử trong vài tháng tới. Giá vàng đang được hưởng lợi từ nhu cầu trú ẩn an toàn liên quan đến các rắc rối xoay quanh lĩnh vực ngân hàng” - ông nhấn mạnh.
Chính quyền Washington hiện đang bế tắc về việc nợ công nước này sắp chạm trần, điều này làm tăng nguy cơ vỡ nợ trong thời gian tới. RBC Wealth Management cảnh báo rằng bối cảnh kinh tế và chính trị của năm nay là “một trong những thách thức lớn nhất”. Lần cuối cùng trần nợ thực sự làm rung chuyển thị trường là vào năm 2011 và có một số điểm tương đồng giữa thời điểm đó và hiện tại.
Ed Moya - Nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA (Mỹ) nhận định: “Hiện tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn thành quá trình tăng lãi suất. Cuộc họp tháng 6 có thể sẽ tạm dừng. Các động lực chính của vàng sẽ là trần nợ, mối lo ngại về ngân hàng và rủi ro suy thoái”.
Theo Capital Economics, những vấn đề này có thể gây khó khăn cho thị trường trong vài tháng tới và giúp vàng trụ vững trên mức 2.000 USD/ounce.
Viễn cảnh suy thoái có khả năng khiến thị trường phải trả giá bằng các đợt cắt giảm lãi suất của Fed trong tương lai, điều này thúc đẩy “các nhà giao dịch hướng tới tài sản trú ẩn an toàn là vàng”.
Trong phiên giao dịch ngày 10/5, giá vàng có thời điểm vọt lên sát ngưỡng 2.050 USD/ounce nhưng đà tăng nhanh chóng bị đảo ngược.
"Trước mắt, giá vàng dường như khó lập đỉnh mới. Bởi các dữ liệu lạm phát mới được công bố không đủ tích cực để kéo giá vàng tăng mạnh như những gì nhà đầu tư mong đợi", ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính cấp cao ở London.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 tăng 4,9% so với một năm trước đó, nhưng thấp hơn dự đoán là 5%. CPI hàng tháng trong tháng 4 tăng 0,4% sau khi tăng 0,1% trong tháng 3. Ngoài ra, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tăng vọt cùng với việc giá sản xuất đạt mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn hai năm.
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường nhận định 85% khả năng Fed giữ lãi suất ở mức hiện tại vào tháng 6 và 31% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 7.
Hiện giá vàng thế giới đang giao dịch sát mốc 2.000 USD/ounce.
Giá vàng đã quay đầu giảm nhẹ trong 2 phiên cuối tuần do các nhà đầu tư bán chốt lời và đồng USD tăng giá, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank cho biết, vàng có thể gặp khó khăn trong ngắn hạn khi lạm phát cơ bản không thay đổi so với tháng trước và cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed.
Giá vàng trong nước tăng nhẹ
Giá vàng trong nước giảm nhẹ trong phiên đầu tuần nhưng tăng dần và đóng cửa ở mức cao nhất tuần. Ngày 8/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC 66,35 triệu đồng/lượng mua vào và 67,05 triệu đồng/lượng bán ra.
Đến phiên 12/5, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 66,65 - 67,25 triệu đồng/lượng (mua - bán). Tại hệ thống PNJ, giá mua đứng yên ở mức 66,6 triệu đồng/lượng còn giá bán lại điều chỉnh tăng 50.000 đồng/lượng so với phiên trước, lên mức 67,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn, nữ trang các loại giao dịch quanh mức 55,19 - 57,45 triệu đồng/lượng.
Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy tổng nhu cầu vàng toàn cầu đạt 1.174 tấn, tăng nhẹ 1% so với quý 1 năm 2022.
Riêng tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ vàng quý I/2023 đã giảm 12% so với cùng kỳ, xuống còn 17,2 tấn. Trong đó, nhu cầu vàng miếng giảm từ 14 tấn xuống còn 12,6 tấn trong 3 tháng đầu năm nay. Nhu cầu trang sức còn 4,6 tấn, giảm 18% so với quý I/2022.