• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
10 Tháng Mười Một 2024 1:44:50 CH - Mở cửa
"Ăn đong" đơn hàng, doanh nghiệp dệt may dè dặt với mục tiêu năm 2023
Nguồn tin: BizLive | 16/05/2023 11:02:21 SA
Với dự báo cầu thị trường dệt may còn thấp ít nhất đến hết quý 3/2023 do việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng,... đa phần các doanh nghiệp dệt may đều tỏ ra thận trọng khi đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023.
 
 
Quý đầu năm 2023 nhiều doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng (Ảnh minh họa)
 
Trong quý 1/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam giảm 19%, giảm mạnh hơn mức giảm kim ngạch xuất khẩu chung cả nước (giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước - theo số liệu của Tổng cục Thống kê). Đây là quý thứ hai liên tiếp xuất khẩu dệt may, bao gồm cả sợi tăng trưởng âm và cũng là lần đầu tiên sau 10 năm (trừ quý 1/2020 xảy ra dịch COVID) dệt may Việt Nam có quý 1 xuất khẩu giảm so cùng kỳ.
 
Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex - VGT), trong quý 1, ngoài thị trường Nhật Bản vẫn tăng trưởng dương, xuất khẩu dệt may sang các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Trung Quốc đều tiếp tục suy giảm. Trong đó, thị trường Mỹ suy giảm tháng thứ 6 liên tiếp, quý 1/2023 chứng kiến mức giảm mạnh 30% so cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,1 tỷ USD. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU trong quý 1 cũng giảm 12% so với cùng kỳ, đạt 820 triệu USD và thị trường Trung Quốc giảm 33%, đạt 680 triệu USD.
 
Quý đầu năm, tình hình thị trường diễn biến với nhiều bất lợi khiến các doanh nghiệp sợi không có cầu, giá bán sợi chưa thể cải thiện trong ngắn hạn. Còn doanh nghiệp may thiếu đơn hàng và giá gia công giảm mạnh 20-50%. Trong khi đó, chi phí (xăng dầu, lương, điện, lãi suất) trong nước có xu hướng tăng.
 
Lợi nhuận quý 1 sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ
 
Khó khăn chung của ngành đã khiến doanh thu và lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp may và sợi đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Dữ liệu từ báo cáo tài chính cho thấy, trong tổng số 20 doanh nghiệp dệt may trên sàn đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023, chỉ có 2 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận dương, trong khi có tới 13 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận âm và 5 doanh nghiệp thậm chí báo lỗ.
 
Trong đó, “anh cả” ngành dệt may Vinatex ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất giảm 14% so với cùng kỳ, đạt 4.209 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế (LNST) giảm gần 72% còn chưa tới 93 tỷ đồng.
 
LNST quý 1 của Sợi Thế Kỷ (STK) cũng giảm đến 98% so với cùng kỳ, còn vỏn vẹn gần 2 tỷ đồng. Sự sụt giảm này xuất phát từ nguyên nhân doanh số và giá bán bình quân của công ty thấp hơn cùng kỳ, do khách hàng thu hẹp quy mô đơn hàng khiến tổng doanh thu thuần trong kỳ giảm 55%, còn 288 tỷ.
 
Với doanh thu sụt giảm gần một nửa so với cùng kỳ, xuống 637 tỷ đồng, lãi sau thuế quý 1 của May Sông Hồng "đi lùi" 67% so với cùng kỳ, còn 27 tỷ đồng.
 
 
Một số tên tuổi lớn khác trong ngành như Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), May Việt Tiến (VGG), May mặc Bình Dương (BDG), Damsan… cũng chứng kiến LNST “bốc hơi” lần lượt 26%, 27%, 54% và 75% so với cùng kỳ, xuống còn lần lượt là 55 tỷ đồng, 26 tỷ đồng, 13 tỷ đồng và 17 tỷ đồng.
 
Gilimex (GIL) thậm chí báo lỗ gần 39 tỷ đồng trong quý 1/2023, trong khi cùng kỳ lãi hơn 107 tỷ. Đây cũng là quý lỗ đầu tiên của doanh nghiệp tính từ quý 4/2016 đến nay.
 
Theo giải trình, nguyên nhân thua lỗ của Gilimex là do đơn hàng sụt giảm nên doanh thu xuất bán sụt giảm. Cùng với đó, công ty đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng để kịp bàn giao đất, khiến chi phí vận hành chung của mảng bất động sản khu công nghiệp tăng mạnh. Ngoài ra, việc mất đi khách hàng lớn nhất là Amazon cũng khiến Gilimex phải gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.
 
Thê thảm hơn, Garmex Sài Gòn (GMC) ghi nhận quý thua lỗ thứ ba liên tiếp với mức lỗ sau thuế gần 21 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu tụt dốc tới 94%, còn chưa tới 8 tỷ đồng trong bối cảnh thiếu đơn hàng, đơn hàng lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp. Đến 31/3/2023, tổng lỗ lũy kế của công ty là hơn 40 tỷ đồng.
 
Đáng chú ý, với tình hình đơn hàng khó khăn, quý 1/2023, doanh nghiệp buộc phải thu hẹp hoạt động, đồng thời, phải mạnh tay cắt giảm nhân sự để kiểm soát chi phí. Đến cuối quý 1, số lượng nhân viên của công ty chỉ còn 185 người, giảm 1.797 người so với đầu năm. Trước đó, năm 2022, doanh nghiệp cũng cắt giảm gần nửa số nhân viên, từ 3.810 người xuống 1.982 người.
 
Chiều ngược lại, chỉ có Đầu tư và thương mại TNG (TNG) và Tổng Công ty May 10 (M10) là ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý đầu năm dù mức tăng trưởng khá khiêm tốn. Theo đó, TNG báo lãi sau thuế quý 1 gần 44 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, và May 10 ghi nhận lãi ròng quý 1 tăng 1% lên hơn 23 tỷ.
 
“Dè dặt” với kế hoạch kinh doanh năm 2023
 
Trong bối cảnh kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp ngành dệt may sa sút trong quý 1 và khả năng còn tiếp tục “đi lùi” trong quý 2, một số dự báo cho rằng cầu thị trường dệt may còn thấp ít nhất đến hết quý 3/2023 do việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng giữa bối cảnh lãi suất duy trì cao, tăng trưởng thấp và tình hình tài chính biến động.
 
Do đó, khi đặt kế hoạch kinh doanh cả năm 2023, đa phần các doanh nghiệp đều tỏ ra thận trọng.
 
Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 công bố mới đây, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 610 tỷ, giảm lần lượt 10% và 50% so với năm 2022.
 
Ban lãnh đạo Vinatex đánh giá, năm 2023 ngành dệt may thế giới sẽ tiếp tục đối mặt những thách thức phát sinh từ quý 4/2022 như xung đột Nga - Ukraine gây sức ép lên giá năng lượng và lương thực, ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu của dệt may Việt Nam; lãi suất nhiều khả năng duy trì ở nền cao cho tới hết năm; tổng cầu dệt may thế giới dự báo giảm 8% so với năm trước, còn 700 tỷ USD.
 
Sau sự sụt giảm của quý 1, ban lãnh đạo Vinatex dự báo quý 2/2023, ngành dệt may vẫn diễn biến phức tạp, chưa có cải thiện trong ngắn hạn. Do đó, việc thực hiện được kế hoạch 2023 đã đề ra là không dễ dàng trong bối cảnh hiện tại cần phải đặt ưu tiên và sự cân bằng giữa hiệu quả và đảm bảo hoạt động, sức khỏe của doanh nghiệp cũng như giữ chân người lao động.
 
 
“Dè dặt” cũng là từ khóa chung trong đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 của phần lớn các doanh nghiệp ngành dệt may, không riêng gì Vinatex.
 
Chẳng hạn, năm 2023, May Sông Hồng đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 4.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng, giảm 13% và 20% so với thực hiện 2022. Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, đây là kế hoạch thận trọng, nếu điều kiện thuận lợi về cuối năm, công ty có thể đạt kết quả cao hơn.
 
Hay Dệt may Thành Công dù đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng 1% so với mức kỷ lục năm ngoái, lên gần 4.364 tỷ đồng nhưng LNST dự kiến giảm 2%, xuống còn 274 tỷ. Tuy nhiên, đây vẫn là mức lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này, sau năm 2022 (281 tỷ).
 
Tương tự, May Việt Tiến cũng đặt kế hoạch tổng doanh thu 2023 giảm 5% so với năm ngoái, đạt 8.030 tỷ đồng và lãi trước thuế giảm 9%, đạt 200 tỷ. Thậm chí, Gilimex còn đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm hơn 77%, xuống 104 tỷ đồng với doanh thu giảm 53%, xuống 1.500 tỷ.
 
Trong khi đa phần doanh nghiệp cùng ngành “dè chừng” với kế hoạch kinh doanh năm 2023, vẫn có một số doanh nghiệp dệt may đặt kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2023. Trong đó, Sợi Thế Kỷ dự kiến doanh thu hơn 2.149 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 253 tỷ, tăng lần lượt 2% và 5% so với thực hiện năm 2022.
 
TNG cũng đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt 6.800 tỷ đồng, đi ngang so với năm 2022 và LNST là 299 tỷ đồng, tăng gần 3% so với mức thực hiện năm ngoái. Damsan tham vọng hơn khi đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 2.984 tỷ đồng và 110 tỷ đồng, tăng 73,8% và 32,5% so với cùng kỳ.
 
Trong báo cáo gần đây về ngành dệt may, Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế vào quý 2/2023, qua đó giúp xuất khẩu các mặt hàng sang Trung Quốc như xơ, sợi phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu.
 
VNDirect cho rằng các doanh nghiệp sợi như Sợi Thế Kỷ, Damsan, Dệt may Hòa Thọ sẽ có dấu hiệu phục hồi từ quý 3/2023, sớm hơn so với các doanh nghiệp may mặc.
 
Trong khi đó, các doanh nghiệp gia công may mặc sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong năm 2023 do đơn hàng giảm mạnh. Do đó, khả năng phải đến quý 4/2023, các doanh nghiệp gia công may mặc mới có thể phục hồi khi lạm phát tại Mỹ và EU hạ nhiệt. VNDirect thậm chí dự báo các công ty gia công may mặc lớn như Vinatex, Dệt may Thành Công, Garmex Sài Gòn, Gilimex sẽ ghi nhận lợi nhuận ròng tăng trưởng âm trong năm 2023.
 

Cổ phiếu liên quan

Công ty
Giá
Tin tức