Trong đầu năm nay, Foxconn đã ký hợp đồng thuê 45 ha đất tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) với tổng mức đầu tư khoảng 62,5 triệu USD; Goertek ký kết Biên bản ghi nhớ thuê lại 62,7 ha tại khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh (Bắc Ninh) với tổng mức đầu tư 305 triệu USD; Pegatron cũng đã đưa nhà máy ở Quảng Ninh đi vào hoạt động…
Điều này cho thấy bất động sản công nghiệp phía Bắc vẫn tiếp tục thu hút nguồn vốn từ các “cá mập” quốc tế …
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quý 1/2023, kinh doanh bất động sản là ngành đứng thứ 2 về thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đạt 766 triệu USD. Như vậy, có thể thấy, các nhà đầu tư ngoại vẫn tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp nhận định Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn trong việc trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ hay các ngành công nghiệp có giá trị cao.
NHU CẦU THUÊ ĐẤT TĂNG NHIỆT
Thời gian qua, nhu cầu thuê đất công nghiệp tại miền Bắc tiếp tục tăng mạnh, phần lớn đến từ các công ty sản xuất toàn cầu. Các giao dịch lớn được ghi nhận chủ yếu ở thị trường cấp 2 tại Bắc Giang, Thái Bình, Nghệ An… Trong khi đó, tình hình cho thuê ở thị trường cấp 1 cũng có những cải thiện tích cực, giá thuê tại thị trường cấp 1 ở Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng Vĩnh Phúc dự kiến sẽ tăng 5 - 10% trong năm nay.
Một trong những phân khúc đang nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp sản xuất là nhà xưởng và nhà kho xây sẵn. Theo thống kê từ công ty quản lý, tiếp thị bất động sản quốc tế Cushman & Wakefield, tổng nguồn cung nhà xưởng xây sẵn miền Bắc hiện đạt khoảng 2,5 triệu m2. Thị trường nhà xưởng và nhà kho xây sẵn đã và đang đón nhận số lượng đầu tư tăng đáng kể khi các loại hình nhà xưởng trong nước phát triển theo hướng hiện đại với khả năng cung ứng các sản phẩm có chất lượng tương đương quốc tế, mà mức giá lại khá cạnh tranh.
Nói về điều này, ông Đào Thế Anh - Chủ tịch HĐQT Redsunland chia sẻ: “Các doanh nghiệp bất động sản đang chú trọng phát triển dịch vụ xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu (built-to-suit-factory) nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc biệt về mặt kỹ thuật. Đây được coi là một trong các điểm thu hút dòng vốn ngoại, khắc phục được sự thiếu hụt về nguồn cung nhà xưởng xây sẵn chất lượng cao trong thời gian qua”.
LƯỢNG KHÁCH QUAN TÂM TĂNG GẦN 300%
Ông Thế Anh cũng cho biết, lượng khách quan tâm đến 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đã tăng tới gần 300% so với thời điểm quý 4/2022, tổng số vốn đầu tư dao động 70 - 100 triệu USD. Đặc biệt, tính đến tháng 2/2023, Bắc Giang đã trở thành tỉnh dẫn đầu về FDI trên cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 824,3 triệu USD, tăng 8,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong tháng 1/2023, Quảng Ninh mới xếp thứ 16/53 về thu hút FDI, thì sang tháng 2, địa phương này đã giành vị trí thứ 4 trong số các tỉnh/ thành thu hút FDI cao nhất cả nước.
Ông Đào Thế Anh - Chủ tịch HĐQT Redsunland
“Các doanh nghiệp bất động sản đang chú trọng phát triển dịch vụ xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu (built-to-suit-factory) nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc biệt về mặt kỹ thuật. Đây được coi là một trong các điểm thu hút dòng vốn ngoại, khắc phục được sự thiếu hụt về nguồn cung nhà xưởng xây sẵn chất lượng cao trong thời gian qua”.
Minh chứng cho sự dẫn đầu trong thu hút FDI của các tỉnh/ thành phía Bắc là những “làn sóng” đầu tư từ các “ông lớn” nước ngoài. Trong lịch sử, miền Bắc đã đón nhận nhiều thương vụ “khủng” đến từ các doanh nghiệp điện tử toàn cầu như Panasonic (1971), LG Display (1995), Canon (2001), Samsung (2008), Fuji Xerox (2013). Ngay sau khi biên giới mở cửa trở lại sau Covid - 19, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng tìm đến thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc để sắp xếp các cuộc khảo sát vị trí, ký kết biên bản ghi nhớ (MOU), hợp đồng thuê và các thỏa thuận mua bán…
Đơn cử, gã khổng lồ Foxconn ngay đầu năm nay đã ký hợp đồng thuê khu đất 45 ha tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) với tổng mức đầu tư khoảng 62,5 triệu USD, hợp đồng thuê kéo dài đến tháng 2/2057. Tiếp theo, Goertek - đối tác lớn cũng trong chuỗi cung ứng của Apple, đã ký kết Biên bản ghi nhớ thuê lại 62,7 ha tại khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh (Bắc Ninh) với tổng mức đầu tư lên đến 305 triệu USD.
Tương tự, công ty chuyên sản xuất thiết bị bán dẫn của Mỹ Amkor Technology cho biết sẽ sớm mở một nhà máy ở khu vực phía Bắc. Pegatron – công ty sản xuất linh kiện cho hãng xe điện Tesla và lắp ráp iPhone của Đài Loan cũng đã đưa nhà máy ở Quảng Ninh đi vào hoạt động. Gần đây nhất, UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức lễ ký kết thoả thuận phát triển tại khu công nghiệp Mỹ Thuận với đại diện Tập đoàn Quanta - tập đoàn hàng đầu của Đài Loan và là nhà đầu tư lớn trên thế giới về sản xuất thiết bị máy tính.
Lý giải về sức hút của bất động sản công nghiệp Việt Nam, Savills Việt Nam đánh giá các ưu đãi thuế của Chính phủ dành cho các công ty công nghệ cao là động lực thúc đẩy các công ty lớn trong lĩnh vực này gia nhập thị trường Việt. Ngoài ra, so với các thị trường khác tại châu Á và Đông Nam Á, lợi nhuận và sản lượng hiện nay ở Việt Nam là một trong những điểm thu hút các nhà đầu tư nhất.
Hiện, khu vực miền Bắc có khoảng 63,5 nghìn ha đất công nghiệp với 238 khu/cụm công nghiệp đang được xây dựng và đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 85-90%. Trong đó, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng là những tỉnh dẫn đầu trong việc thu hút FDI.
“Tại 6 tỉnh trọng điểm phía Bắc, nguồn cung khu công nghiệp tính đến cuối 2022 đạt khoảng 11.000 ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang đã chạm mức 96%. Đối với nhà xưởng, nhà kho đã xây dựng sẵn, giá thuê trung bình đã lên đến 5 USD/m2/chu kỳ thuê và tỷ lệ lấp đầy đạt 78%. Con số này dự báo sẽ được cải thiện trong vài năm tới vì nhu cầu thuê của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng do xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam”, Savills Việt Nam nhận định.
Phan Nam