• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 6:25:47 CH - Mở cửa
Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm logistics
Nguồn tin: Báo Đà Nẵng | 24/05/2023 6:50:00 SA
UBND thành phố vừa phê duyệt đề án “Phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”. Theo đó, mục tiêu đề án nhằm phát triển dịch vụ logistics thành phố theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững; từng bước đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics quốc gia, có vai trò quốc tế; là địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây, là mắt xích quan trọng của hành lang vận tải châu Á - Thái Bình Dương.
 
 
Hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại cảng Tiên Sa. Ảnh: T.L
 
Dịch vụ logistics còn bất cập
 
Theo Sở Giao thông vận tải, hoạt động của dịch vụ logistics tại thành phố Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Giai đoạn 2011-2021, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng 7-9%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 6-8%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 25-30%. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, tồn tại cản trở quá trình phát triển hoạt động logistics cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ logistics của Đà Nẵng.
 
Cụ thể, hiện nay, Đà Nẵng chưa có chính sách cụ thể về dịch vụ logistics tại cảng biển, cảng hàng không, ga đường sắt dẫn đến chưa phát huy hết tiềm năng, thiếu các dịch vụ logistics tích hợp. Chính sách về phát triển hạ tầng logistics của thành phố dù được quan tâm nhưng tổ chức thực hiện đầu tư còn chậm, chưa thể hiện được vai trò trung tâm khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư cho cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ hoạt động logistics có tăng, nhưng mức độ đầu tư thấp. Quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư có quy mô lớn còn thiếu và chưa bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện đấu giá chuyển quyền sử dụng để làm cơ sở để thu hút đầu tư. Còn thiếu chiến lược và chính sách liên kết với các địa phương lân cận để phối hợp trong tối ưu hoạt động logistics, tối ưu hoạt động vận chuyển, trung chuyển giảm chi phí hoạt động, để từ đó trở thành một trung tâm logistics cấp vùng tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên...
 
Chính vì vậy, trong đề án vừa được ban hành, cùng với công bố danh mục 10 dự án kêu gọi đầu tư trung tâm logistics trên địa bàn thì từ năm 2023-2025, Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào khai thác các trung tâm logistics, công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng phục vụ logistics (khu bến cảng Liên Chiểu và hạ tầng trung tâm logistics kết nối với cảng biển Liên Chiểu; ga đường sắt Kim Liên và hạ tầng trung tâm logistics kết nối với ga đường sắt Kim Liên; ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và hạ tầng trung tâm logistics hàng không Đà Nẵng).
 
Đồng thời tập trung hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch có liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng logistics; nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp hoạt động logistics trên địa bàn. Hàng loạt các mục tiêu quan trọng được đặt ra, cụ thể đến năm 2030 phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics có tính hấp dẫn cao, thu hút mạnh các nhà đầu tư thích hợp nhằm hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng, bảo đảm nguồn nhân lực và kỹ năng chuyên sâu vận hành tốt hệ thống logistics năng động, làm trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó, cảng biển Đà Nẵng và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, các quốc gia khu vực ASEAN và quốc tế.
 
Tập trung triển khai thực hiện đề án
 
Để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ logistics, các sở, ban, ngành đã hoàn thành việc rà soát, tích hợp quy hoạch hạ tầng giao thông, quy hoạch cơ sở hạ tầng logistic, quy hoạch quỹ đất phục vụ phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 để làm cơ sở triển khai công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư.
 
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hồng Trung cho hay, thời gian qua thành phố đã hoàn thành dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, nâng năng lực bốc dỡ lên 10-12 triệu tấn vào năm 2020; khả năng tiếp nhận tàu được nâng từ 1.800 TEU lên 3.500 TEU. Đồng thời cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Trung tâm logistics tại xã Hòa Nhơn và xã Hòa Sơn - huyện Hòa Vang cho Công ty CP Cảng Đà Nẵng. Hiện nay dự án đang thực hiện bước lập thiết kế cơ sở, dự kiến quý 3-2023 khởi công xây dựng công trình; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Xây dựng nhà ga hàng hóa - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Tổng Công ty này đang thực hiện thủ tục lập và phê duyệt dự án, dự kiến quý 3-2023 khởi công xây dựng công trình. Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B, thành phố Đà Nẵng, dự kiến khởi công công trình trong quý 3-2023. Cùng với đó, phối hợp đẩy nhanh tiến độ lập, triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics như: tuyến cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông thành phố; đầu tư cảng Liên Chiểu giai đoạn 1; xây dựng nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; xây dựng mới tuyến đường bộ kết nối cảng Liên Chiểu với quốc lộ 1A phía nam hầm Hải Vân; tiếp tục xúc tiến dự án Hành lang kinh tế Đông - Tây 2, quốc lộ 14G; di dời ga đường sắt Đà Nẵng…
 
Kêu gọi đầu tư 10 trung tâm logistics
 
Đề án phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, thành phố kêu gọi đầu tư 10 trung tâm logistics, gồm: 1 trung tâm cấp vùng, 8 trung tâm cấp tỉnh và 1 trung tâm chuyên dụng hàng không.
 
Cụ thể, trung tâm logistics cảng Liên Chiểu được quy hoạch là trung tâm logistics cấp vùng, hạng I. Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được quy hoạch là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không. 8 trung tâm logistics cấp tỉnh gồm: ga hàng hóa Kim Liên, trung tâm logistics Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Trung tâm logistics và kho bãi khác (trên các đường tránh của tuyến cao tốc, tại các khu, cụm công nghiệp) cùng 5 trung tâm logistics ở 5 địa phương: Hòa Nhơn, Hòa Phước, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Hiệp Bắc.