Sở Công Thương Long An đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước xem xét chính sách nới lỏng hạn mức tín dụng đối với ngành gạo, giúp doanh nghiệp tiếp cận thu mua lúa ổn định sản xuất.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, cho biết hiện nay việc xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn.
Từ đó, các doanh nghiệp còn hạn chế về số lượng xuất khẩu gạo trong thời gian gần đây.
Những khó khăn doanh nghiệp đang gặp đó là một số thị trường truyền thống lớn như Philippines và Indonesia kiểm soát tốt thông tin về sản lượng nhu cầu nhập khẩu gạo và đối với các thị trường truyền thống thường sẽ ký với sản lượng lớn vài chục nghìn tấn và ký dài hạn nên thương nhân phải tiến hành thu mua, dự trữ trước đó.
Vì thế thương nhân xuất khẩu gạo sẽ đối diện với khó khăn về nguồn vốn và giới hạn cấp tín dụng của ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc chưa có cơ chế quản lý giá sàn các mặt hàng gạo, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh và ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Mặt khác, giá nguyên liệu lúa gạo trong nước chênh lệch nhiều so với hợp đồng ký kết xuất khẩu, khiến doanh nghiệp xuất khẩu có lúc không đạt hiệu quả.
Ngoài ra, sự phục hồi phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp còn chậm do tác động hậu COVID-19. Năng lực quản lý còn hạn chế làm ảnh hưởng đến khả năng ký kết hợp đồng xuất khẩu.
Việc thực hiện cánh đồng lớn, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân không ổn định, thiếu bền vững, khó nhân rộng mô hình. Nguyên nhân chính là do không thống nhất về giá, thời gian thu hoạch, phương thức thu mua.
Biến động tăng giá xăng dầu làm cho chi phí vận chuyển tăng cao làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu (cước tàu và cước vận chuyển).
Trước thực trạng trên, Sở Công Thương Long An đề xuất Bộ Công Thương có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét có chính sách nới lỏng hạn mức tín dụng đối với ngành gạo, giúp doanh nghiệp tiếp cận thu mua lúa ổn định sản xuất; tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn có lãi suất thấp một cách hiệu quả hơn.
Đối với Nghị định số 103/2020/NĐ-CP ngày 4/9/2020 của Chính phủ quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu; trong đó có 9 loại giống lúa trong danh sách chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch (gồm: Jasmine 85, ST 5, ST 20, Nàng hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào).
Tuy nhiên, qua phản ánh của các doanh nghiệp, hiện có nhiều giống lúa thơm khác cũng đang phát triển như ST 24, ST 25, Đài thơm 8 và một số giống lúa không còn phù hợp trong 9 loại giống trên.
Vì vậy, Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm cập nhật bổ sung danh mục chủng loại gạo thơm cho phù hợp theo nhu cầu thực tế thị trường hiện nay.
Ngoài ra, Long An đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp với Sở Công Thương tỉnh chia sẻ thông tin về thị trường nhằm giúp doanh nghiệp có định hướng trong sản xuất và xuất khẩu, cũng như các chương trình xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường do Hiệp hội tổ chức.
Hiện trên địa bàn tỉnh Long An có 26 thương nhân xuất khẩu gạo (có 1 doanh nghiệp FDI - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đa Năng xuất khẩu theo giấy chứng nhận đầu tư).
Trong số đó, có 3 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo trực tiếp sang Trung Quốc; 3 chi nhánh công ty được xuất khẩu gạo có kho, cơ sở xay xát và 1 công ty thuê kho, cơ sở xay xát tại Long An.
4 tháng đầu năm 2023, Long An xuất khẩu gạo với tổng sản lượng đạt 346.172 tấn (tăng 86,55% so với cùng kỳ); kim ngạch 183,17 triệu USD (tăng 94,11% so với cùng kỳ).
Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, châu Phi và một số thị trường "khó tính" như Đức, Anh, Hà Lan, Pháp.
Quý 1 năm 2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng. Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận tăng trưởng rất tốt ở nhiều thị trường nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo phẩm chất chất lượng cao với giá trị gia tăng cao.
Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu từ cả các thị trường khó tính. Không chỉ gia tăng xuất khẩu các chủng loại gạo có thế mạnh như gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng đem lại giá trị cao, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu gạo thường chất lượng thấp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ nay đến cuối năm, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu nhập gạo, lương thực có thể dẫn đến biến động về giá. Trong đó, nổi lên thị trường Indonesia với nhu cầu nhập khẩu được công bố lên đến 2 triệu tấn gạo; Bangladesh cũng tăng nhu cầu mua lương thực./.