Trong báo cáo về Chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 do Agility – nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận – công bố, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu và được dự báo trở thành “ngôi sao logistics” của châu Á.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành lo ngại khó khăn và thách thức như chi phí dịch vụ cao, cơ sở hạ tầng yếu kém sẽ làm mai một những tiềm năng của ngành. Ngành logistics Việt Nam vẫn rất cần phát triển kết nối hạ tầng, hợp tác công tư mở rộng thành các trung tâm logistics và chuỗi cung ứng toàn diện.
Tiềm năng phát triển cộng hưởng bất động sản và logistics
Quyết định số 200/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra một số mục tiêu phát triển cụ thể của ngành logistics đến năm 2025, với tốc độ tăng trưởng 15-20%, tỷ trọng đóng góp GDP tăng từ 8 đến 10%… Tại một hội thảo tuần qua, khi đề cập đến sự tăng trưởng của ngành logistics, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết ngành kinh tế này hiện có tốc độ bình quân 14-16% và quy mô 40-42 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, những điểm hạn chế vẫn tồn tại nhiều năm qua như chi phí cao, quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, chưa có nhiều doanh nghiệp mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
Trong một báo cáo gần đây, công ty Savills Việt Nam cho biết công nghiệp logistics Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là nhờ sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử. Điều này đã dẫn tới nhu cầu cho bất động sản logistics tăng mạnh. Tuy nhiên với nguồn cung hạn chế, Việt Nam sẽ cần tìm các giải pháp để kịp thời đáp ứng nhu cầu hoạt động và những xu hướng mới trong lĩnh vực hậu cần kho bãi.
Đánh giá của riêng Savills cho thấy, trong số các nước Đông Nam Á, logistics của Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia và Malaysia, Thái Lan, vượt lên Philippines, Myanmar và Campuchia. Thị trường vận tải và logistics của Việt Nam ước tính sẽ phát triển với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 7% từ năm 2021 đến 2026. Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất (và thu hút đầu tư) bằng cách thành lập các khu công nghiệp và khu kinh tế. Nhờ vậy, bất chấp thách thức từ đại dịch, ngành logistics Việt Nam vẫn phát triển do các Hiệp định thương mại tự do (FTA), sự tăng trưởng kinh tế, sản xuất và tiêu dùng trong nước, sự bùng nổ thương mại điện tử…
Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho hay Việt Nam đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm địa điểm. Các khu công nghiệp và khu hậu cần kho bãi, đặc biệt xung quanh thành phố lớn như Hà Nội, đang có tỉ lệ lấp đầy cao, có những nơi đạt gần 100%. Nguồn cung bất động sản công nghiệp đang chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.
Theo vị chuyên gia của Savills, Việt Nam có tiềm năng để phát triển ngành hậu cần và trở thành trung tâm logistics của vùng. Song, chính sách từ nhà nước và cơ sở hạ tầng là những nhân tố quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu này. Hiện nay, đã có nhiều địa phương đưa ra các ưu đãi nhằm thu hút dòng vốn đầu tư công nghiệp công nghệ cao, sạch. Tuy nhiên, thủ tục hành chính là một điểm cần cải thiện.
Bài toán thu hút dòng vốn đầu tư
Trong các tỉnh thành phố, Đà Nẵng là thành phố vừa công bố thu hút đầu tư 10 dự án lĩnh vực logistics. Theo đó từ nay đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ thu hút đầu tư cho 1 dự án trung tâm cấp vùng (hạng I), 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không và 8 trung tâm logistics cấp tỉnh, từ đó góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ này lên khoảng 55% nhu cầu dịch vụ logistics cho hàng hóa qua cảng biển, 40% hàng hóa qua đường sắt và đường hàng không.
Đà Nẵng hy vọng với kế hoạch này, từ năm 2023 đến năm 2030, tỉ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt 11 – 12%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 13% GRDP. Từ năm 2030 đến năm 2050, tỉ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt 15 – 15,5%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 11,2% GRDP…
Thông tin từ tỉnh Đồng Nai cho biết, trong hai tháng đầu năm 2023 UBND tỉnh này đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Trung tâm Kho vận thông minh Cainiao Đồng Nai tại huyện Trảng Bom. Dự án do Cainiao Network, công ty hoạt động trong lĩnh vực logistics thuộc Tập đoàn Alibaba triển khai đầu tư trên diện tích 16,8 héc ta.
Được biết, theo định hướng phát triển, khu kinh tế Vũng Áng của Hà Tĩnh cũng sẽ được trở thành trung tâm logistics hạng I cấp quốc gia và quốc tế. Trong đó, trung tâm logistics Vũng Áng (giai đoạn 1) công suất 16,3 triệu tấn/năm; trung tâm logistics Sơn Dương (giai đoạn 2) công suất 22,5 triệu tấn/năm. Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong tám khu kinh tế trọng điểm ven biển của quốc gia, khu kinh tế đa ngành, trọng tâm là sản xuất thép, các sản phẩm sau thép, sản xuất điện, dịch vụ cảng biển và logistics…
Cũng nhằm quảng bá, mời gọi đầu tư, tháng ba vừa qua, UBND tỉnh Long An đã tổ chức đoàn công tác đến một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Sau các hoạt động xúc tiến tại 3 quốc gia châu Á và Australia, có 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp mới tại Long An với tổng vốn 180 triệu đô la Mỹ.
Trong đó, nổi bật là dự án dịch vụ logistic của Công ty TNHH Lotte Eco Logis Long An đang được triển khai với tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc giai đoạn 1 là 306 tỉ đồng với diện tích hơn 79.000 m2, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023. Được biết, dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ sau một ngày nộp hồ sơ đăng ký.
Cung cấp thông tin cho báo giới, ông Lê Văn Thành, Quản lý phát triển dự án Công ty TNHH xây dựng và kỹ thuật Lotte Việt Nam cho biết, có nhiều lý do khiến Lotte tiếp tục chọn Long An để đầu tư dự án kho bãi thứ hai ở miền Nam, trong đó có việc thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư rất nhanh gọn.
“Lotte luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Việt Nam đang được quy hoạch thành trung tâm trung chuyển hàng hóa nên các tập đoàn nước ngoài rất quan tâm,” ông Thành cho hay.
Cũng thuộc khu vực miền Trung, cách Đà Nẵng không xa, cuối năm 2022 Sembcorp Industries (Singapore) đã khởi công dự án trung tâm kho vận đầu tiên tại Quảng Ngãi. Sembcorp Logistics Park Quảng Ngãi có 3 khối nhà xưởng đơn tầng với tổng diện tích đất 6 héc ta và tổng diện tích sàn 35.500 m2, dự kiến sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2023.
Nói về việc đầu tư này, ông Charles Chong, Giám đốc Sembcorp tại Việt Nam, chia sẻ miền Trung Việt Nam sở hữu tiềm năng đầu tư lớn nhưng chưa được khai thác. Địa điểm này sở hữu lợi thế khi nằm trong hành lang Kinh tế Đông-Tây, nơi kết nối các đầu mối thương mại quan trọng ở các quốc gia thành viên.
Ông Chong cho biết: “Sembcorp liên tục thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhà kho xây sẵn tại Việt Nam từ lâu, với danh mục đầu tư đang ngày một mở rộng trải khắp cả nước cung cấp các giải pháp cho các doanh nghiệp hậu cần và các đơn vị sản xuất.”
Được biết, trước khi đầu tư nhà kho ở Quảng Ngãi, Sembcorp đã phát triển các dự án nhà kho xây sẵn tại Hải Phòng, Hải Dương và Nghệ An.
Năm 2022, nhà phát triển kho logistics quốc tế Logos Property đã liên doanh cùng Manulife Investment Management trong dự án phát triển nhà xưởng hậu cần hiện đại xây theo yêu cầu (built-to-suit) với tổng diện tích hơn 116.000 m2 và trị giá trên 80 triệu đô la Mỹ.
Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài, nhiều doanh nghiệp trong nước gần đây cũng tăng cường đầu tư vào logistics. Tháng 8 năm ngoái, Tập đoàn NextTech và công ty Ngân Lượng công bố đầu tư hơn 150 tỉ đồng vào Công ty cổ phần dịch vụ hậu cần Boxme Việt Nam. Mục tiêu hướng đến là giúp Boxme mở rộng quy mô các trung tâm hậu cần tại Việt Nam, hỗ trợ tối đa nhu cầu về dịch vụ hoàn tất đơn hàng và vận chuyển của các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Cũng trong năm 2022, tập đoàn VNG đã đầu tư thêm 50 tỉ đồng vào EcoTruck sau khi đã đầu tư 85 tỉ đồng vào doanh nghiệp khởi nghiệp logistics công nghệ này. Trong giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, EcoTruck duy trì được hoạt động kinh doanh ổn định và không ngừng mở rộng phát triển các dịch vụ, tăng trưởng ấn tượng.
Nâng cấp nguồn nhân lực logistics
Theo phân tích của các chuyên gia, một trong những thách thức lớn của ngành logistics Việt Nam đó là đào tạo và phát triển đội ngũ nhân sự đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng của ngành. Theo một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM về chất lượng nguồn nhân lực logistics, cho thấy 53,3% doanh nghiệp thiếu nhân viên có trình độ và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp có đào tạo lại nhân viên và chỉ 6,7% doanh nghiệp hài lòng với trình độ chuyên môn của nhân viên.
Trong khi đó, nhu cầu về nguồn nhân lực logistics sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo dự báo, trong 3 năm tới, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics sẽ cần thêm khoảng 18.000 lao động, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, thương mại và dịch vụ sẽ cần hơn một triệu nhân sự có chuyên môn về logistics. Các công ty kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao trong khi hiện nay, nguồn nhân lực chỉ mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thực tế.
Tại một cuộc hội thảo gần đây, ông Nguyễn Minh Đức, Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam cũng đánh giá, nhu cầu nhân lực logistics Việt Nam hiện rất lớn, song về chất lượng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.
Trong kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt, đã xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, đẩy mạnh đào tạo logistics ở bậc đại học và đào tạo nghề, đa dạng hóa các hình thức đào tạo logistics, kết nối các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp logistics trong nước và quốc tế, và hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh về logistics.
Theo các dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, cũng như có nhu cầu khoảng 200.000 nhân lực trình độ cao, có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.
Khảo sát của Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề logistics cho thấy, nguồn nhân lực logistics trong nước chưa đáp ứng được hầu hết các nhu cầu như: kỹ năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, khả năng sử dụng các phần mềm logistcs, kiến thức và kỹ năng về quản trị thu mua, quản trị vận tải, quản trị kho hàng…
Cũng theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu và tư vấn công nghiệp Việt Nam, có từ 60-80% các doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng năng lực của đội ngũ nhân lực logistics, bao gồm cả nhân lực trực tiếp và cán bộ quản lý chỉ ở mức trung bình thấp.
Trước những bối cảnh đó, để nâng cao chất lượng nhân lực ngành logistics, ông Đức cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo thành viên trong việc tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về chuyển đổi số và logistics.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo theo hướng tích hợp các nội dung, hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực cho sinh viên về logistics và quản trị chuỗi cung ứng xanh, chuyển đổi số. Hiện các đơn vị đào tạo cung cấp nguồn nhân lực logistics ở cả bậc đại học và đào tạo nghề đều đang khá hạn chế về cơ sở vật chất thực hành kỹ năng cũng như đội ngũ giảng viên trình độ cao trực tiếp giảng dạy. Cần tăng cường phối hợp, chia sẻ nguồn lực về cơ sở vật chất, giáo trình tài liệu và chuyên gia.
Cùng với đó, cần phối hợp nghiên cứu, đề xuất xây dựng các bộ chuẩn chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn nghề nghiệp đối với các vị trí công việc trong ngành. Trong đó, hướng tới nhân lực có đủ kiến thức, năng lực và thái độ đáp ứng yêu cầu của ngành trong điều kiện mới. Xây dựng các khóa học chuyên sâu, bổ sung, cập nhật cho các đối tượng theo nhiệm vụ cụ thể để triển khai quản trị nhân lực xanh gắn với logistics.