• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.271,27 +6,37/+0,50%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:04:59 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.271,27   +6,37/+0,50%  |   HNX-INDEX   233,77   +0,82/+0,35%  |   UPCOM-INDEX   93,63   +0,16/+0,17%  |   VN30   1.318,41   +7,47/+0,57%  |   HNX30   509,85   +3,34/+0,66%
19 Tháng Chín 2024 11:36:27 CH - Mở cửa
Doanh nghiệp ngành điện kinh doanh phân hóa sau quý I?
Nguồn tin: NDH | 25/05/2023 7:40:00 SA
 
 
Lợi nhuận quý I phân hóa, nhiều doanh nghiệp thủy điện giảm lợi nhuận
 
Nhóm doanh nghiệp niêm yết báo cáo lợi nhuận giảm trong quý đầu năm 2023 với sự đi xuống của nhiều đại diện thủy điện. Xét 31 doanh nghiệp niêm yết, doanh thu thuần đi ngang đạt 35.300 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 15% về mức 3.700 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh phân hóa với 8 đơn vị tăng lãi, 17 đơn vị giảm lãi, 2 đơn vị lỗ và 4 đơn vị báo lãi đi ngang.
 
Ông lớn EVNGenco3 (HoSE: PGV) ghi nhận doanh thu thuần quý I đạt 11.449 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm 6% về mức 1.231 tỷ do giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu (tăng 6%). Lợi nhuận ròng thu về 620 tỷ đồng, giảm 27%. Kết quả này phần nhiều do chi phí lãi vay gấp hai lần cùng kỳ ở mức 585 tỷ đồng. Tại báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh tháng 4, EVNGenco3 ghi nhận việc tình hình thủy văn các tháng đầu năm không thuận lợi, lượng nước về các hồ thủy điện giảm hơn nhiều so với cùng kỳ.
 
Cùng với EVNGenco3, loạt doanh nghiệp thủy điện ghi nhận lợi nhuận giảm trong kỳ kể đến như Thủy điện Thác Bà (HoSE: TBC), Thủy điện - Điện Lực 3 (HoSE: DRL), Thủy điện Thác Mơ (HoSE: TMP), Thủy điện Cần Đơn (HoSE: SJD), Thủy điện Miền Nam hay Thủy điện Nậm Mu (HNX: HJS).
 
Trong đó, Thủy điện Miền Nam (HoSE: SHP) có mức giảm lợi nhuận 75% so với cùng kỳ, thu về 15 tỷ đồng trong quý I. Công ty cho biết lưu lượng bình quân nước về hồ chứa của ba nhà máy năm nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước nên sản lượng phát điện giảm. Đồng thời giá bán điện bình quân quý I cũng thu hẹp dẫn đến doanh thu giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.
 
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp thủy điện nào cũng gặp khó trong những tháng đầu năm. Như Thủy điện Miền Trung (HoSE: CHP), đơn vị ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng 16% và 38% nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi, lượng nước về hồ lớn. Công ty này hiện đang quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện A Lưới với tổng công suất lắp máy 170MW đặt tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà máy sản suất điện lượng trung bình khoảng 649 triệu Kwh/năm.
 
Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HoSE: VSH) cũng báo cáo thủy văn thuận lợi đã giúp doanh thu và lợi nhuận quý I tăng lần lượt 10% và 18%, đạt mức 892 tỷ và 477 tỷ đồng. Đơn vị này hiện đang quản lý vận hành ba nhà máy thủy điện gồm: Thủy điện Vĩnh Sơn (Bình Định), Thủy điện Sông Hinh (Phú Yên), Thủy điện Thượng Kon Tum (Kon Tum).
 
Nhóm doanh nghiệp nhiệt điện (điện khí, điện than) cũng ghi nhận kinh doanh phân hóa. Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) có tỷ lệ tăng lợi nhuận khả quan 46% trong quý I, đạt 234 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết quả này nhờ lợi nhuận gộp về sản xuất điện tăng 36% so với cùng kỳ, đồng thời lợi nhuận hoạt động tài chính cũng gia tăng.
 
Về phần Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC), đơn vị báo lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ quý I giảm 50% về mức 40 tỷ dồng. Doanh nghiệp giải trình do giá nhiên liệu đầu vào tăng làm doanh thu và chi phí trong ba tháng đầu năm nay đều tăng so với cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, giá trị tăng doanh thu lại thấp hơn giá trị tăng chi phí. Ngoài ra, lợi nhuận tài chính giảm 41% so với cùng kỳ do số tiền cổ tức từ các đơn vị góp vốn công ty nhận được giảm gần 38%. Bên cạnh đó, lãi tiền gửi cũng giảm do thu hẹp nguồn tiền nhàn rỗi.
 
 
Hồ thủy điện thiếu nước, EVN phải đề nghị nhường khí sản xuất điện tháng 5-6
 
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm (TBNN), một số hồ chỉ đạt 20% so với TBNN, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.
 
Như trường hợp CTCP Thuỷ điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (UPCoM: DNH), đơn vị cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, thủy văn hồ thủy điện Hàm Thuận diễn biến bất lợi khi mực nước đầu năm thấp hơn mực nước dâng bình thường 4,9m, tương ứng lượng nước thiếu hụt là 23% so với dung tích hữu ích.
Đến cuối tháng 4, sản lượng điện quy đổi còn lại trong các hồ thủy điện toàn hệ thống thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt và thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào cao điểm mùa nắng nóng (tháng 5, 6, 7). Áp lực cung ứng điện đã, đang và sẽ tiếp tục đặt nặng lên các nhà máy nhiệt điện than, khí…
 
Tổng sản lượng điện sản xuất từ nhiên liệu than trong 4 tháng đầu 2023 đạt 40,06 tỷ kWh (chiếm 46,5% tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống). Tuy nhiên, công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu thực tế vận hành. Để giải quyết vấn đề, EVN đề nghị Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV, Vinacomin) và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện cung cấp than theo đúng hợp đồng đã ký kết, đồng thời tìm kiếm các giải pháp để bổ sung lượng than cấp cho sản xuất điện theo nhu cầu huy động của hệ thống các tháng sắp tới.
 
Để có nguồn khí phục vụ sản xuất điện, ngày 16/5, EVN đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HoSE: DPM), CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) đề xuất nhường khí cho sản xuất điện trong hai tháng 5-6.
 
Quy hoạch điện VIII: Năng lượng tái tạo sẽ nắm chủ đạo trong tương lai
 
Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành năng lượng dự báo sẽ còn phân hóa khi Quy hoạch điện (QHĐ) VIII được phê duyệt từ ngày 15/5. Kế hoạch tổng công suất lắp đặt quốc gia lần lượt sẽ là 158 GW (2,2 lần so với vào năm 2022) và 573 GW (8,3 lần so với năm 2022) vào năm 2030 và 2050.
Theo phân tích tại báo cáo ngành điện tháng 5 của Chứng khoán Vietcap, QHĐ VIII tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo để sản xuất hydro và amoniac xanh mà không bị giới hạn công suất. Mục tiêu công suất điện tái tạo (gió và mặt trời) tăng gần gấp 3 lần đạt khoảng 50.000 MW vào năm 2030 và trở thành nguồn cung điện lớn nhất của Việt Nam. Mục tiêu công suất điện mặt trời lần lượt là 20.591 MW và 189.294 MW vào năm 2030 và 2050. Công suất điện gió dự kiến đạt 27.900 MW vào năm 2030 và 168.550 MW vào năm 2050.
 
 
Trong khi đó, thủy điện của Việt Nam có tiềm năng tối đa là 40.000 MW, với hơn một nửa đã được khai thác. Mục tiêu công suất thủy điện lần lượt đạt 29.356 MW và 36.016 MW vào năm 2030 và 2050. Do đó, tỷ trọng đóng góp của thủy điện vào công suất điện quốc gia dự kiến sẽ giảm từ 30% vào năm 2020 xuống còn 19% năm 2030 và 6% năm 2050.
 
Công suất điện khí và điện LNG dự kiến tăng 5 lần đạt khoảng 37.000 MW trong giai đoạn 2021-2030 Mục tiêu công suất điện khí tăng hơn gấp đôi vào năm 2030 (so với năm 2020) đạt 14.930 MW. Tuy nhiên, QHĐ VIII đặt mục tiêu giảm công suất điện khí sau năm 2030 xuống còn 7.900 MW vào năm 2050. Mức công suất giảm được bù đắp từ điện hydro (chuyển đổi từ điện khí). Công suất nhiệt điện than dự kiến tăng 50% đạt khoảng 30.000 MW vào năm 2030. Các nhà máy nhiệt điện than sẽ kết thúc hoạt động sau 40 năm vận hành và chuyển dần sang sử dụng sinh khối/amoniac.
 
Nhận định của KBSV tại báo cáo cập nhật tháng 5, các nguồn điện khí sẽ là mũi nhọn phát triển trong giai đoạn 2022-2035. Sau QHĐ VIII thông qua, giai đoạn sắp tới sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt dự án điện khí. KBSV cho rằng PV Power (HoSE: POW) sẽ hưởng lợi với dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 đi tiên phong và dự án LNG Quảng Ninh. Ngoài ra, PV Gas (HoSE: GAS) sẽ là bên phân phối khí đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện trong nước.
 
Điện gió là điểm nhấn chính trong nhóm năng lượng tái tạo, sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn 2023-2050, đặc biệt là sau năm 2030. Điện gió sẽ là lĩnh vực hấp dẫn trong đầu tư ngành điện khi có định hướng rõ từ Chính phủ và chi phí đầu tư giảm. Nhóm phân tích cho rằng những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong việc phát triển và vận hành các dự án năng lượng tái tạo sẽ có lợi thế trong việc đấu thầu nhờ quản lý hiệu quả, tiết kiếm chi phí nhờ huy động được các nguồn vốn lớn với chi phí rẻ. Một số doanh nghiệp hàng đầu trong ngành có thể kể đến là Tập đoàn PC1 (HoSE: PC1), REE Corp (HoSE: REE), Điện Gia Lai (HoSE: GEG), Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG)...
 
GÃ ĐẦU TƯ