Kết thúc năm 2022, CTCP Kinh doanh Phát triển nhà và Đô thị Hà Nội ghi nhận nợ phải trả là 1.450 tỷ đồng, gấp hơn 23 lần vốn chủ sở hữu.
Hàng tồn kho chiếm 55% tổng tài sản, nợ phải trả gấp 23 lần vốn chủ sở hữu
Kết thúc năm 2022, CTCP Kinh doanh Phát triển nhà và Đô thị Hà Nội (HANHUD) ghi nhận doanh thu thuần là 98,6 tỷ đồng, tăng 1,3% so với năm 2021.
Sau khi trừ đi các chi phí, Công ty ghi nhận khoản lãi sau thuế đạt hơn 630 triệu đồng, tăng 29% so với năm trước.
Một trong nhiều dự án bất động sản mà Hanhud làm chủ đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh dandautu.vn
Một trong nhiều dự án bất động sản mà HANHUD làm chủ đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh dandautu.vn
Tại thời điểm 31/12/2022, HANHUD có tổng tài sản là hơn 1.512 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn là 1.450 tỷ đồng, chiếm 95,8% tổng tài sản.
Theo ghi nhận tại Báo cáo Tài chính hợp nhất năm 2022, hàng tồn kho của Công ty ghi nhận con số hơn 840 tỷ đồng ở thời điểm kết thúc năm 2022 và chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Cụ thể: Dự án Cầu Bước (hơn 97 tỷ đồng), Dự án KĐT Bắc Đại Kim mở rộng (hơn 96,3 tỷ đồng), Dự án KĐT mới Bắc Đại Kim mở rộng 11ha (hơn 55,3 tỷ đồng), Dự án A35 (hơn 84,3 tỷ đồng), Dự án Hải Phòng (Hơn 129 tỷ đồng), Dự án Mễ Trì (hơn 139 tỷ đồng)… và các công trình khác là hơn 155,8 tỷ đồng.
Trong Báo cáo Tài chính hợp nhất năm 2022, HANHUD ghi nhận các khoản phải thu của khách hàng tại thời điểm 31/12/2022 là gần 121 tỷ đồng.
Đáng chú ý có thể kể đến các khoản phải thu của khách hàng đó là Công ty TNHH Công nghệ Electric (hơn 48,7 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc (hơn 9,49 tỷ đồng)… các khách hàng khác (hơn 17,8 tỷ đồng).
Trong đó, HANHUD cũng ghi nhận khoản phải thu đối với Công ty TNHH XD Công trình Hoàng Hà là hơn 37,5 tỷ đồng. Theo Biên bản làm việc số 109/BBLV ngày 25/6/2020 giữa HANHUD và Hoàng Hà về việc lập tổ quyết toán các dự án còn tồn đọng, theo đó Hoàng Hà đã gửi công văn số 48/HOH-TCKT ngày 30/6/2022 cam kết sẽ thực hiện thanh toán ngay sau khi hồ sơ quyết toán được hai bên thống nhất.
Kết thúc năm 2022, HANHUD ghi nhận số nợ phải trả là gần 1.450 tỷ đồng, gấp hơn 23 lần vốn chủ sở hữu.
Theo Báo cáo Tài chính hợp nhất 2022, vay ngắn hạn và dài hạn của HANHUD là hơn 150,3 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay dài hạn (hơn 148,3 tỷ đồng).
Cụ thể, đây là khoản vay dài hạn tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á với trị giá hơn 148,3 tỷ đồng.
Báo cáo Tài chính hợp nhất cho năm tài chính 2022 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán CPA Vietnam – Thành viên của Hãng kiểm toán Quốc tế INPACT.
Đáng chú ý, Báo cáo Tài chính hợp nhất năm 2022 của HANHUD cũng ghi nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Cụ thể, đến ngày phát hành báo cáo này, đơn vị kiểm toán chưa thu thập được đầy đủ các biên bản đối chiếu xác nhận đối với khoản nợ phải thu không biến động thanh toán tại ngày 31/12/2022 với giá trị: 27,28 tỷ đồng (tại ngày 1/1/2022 với giá trị 59,34 tỷ đồng).
“Chúng tôi cũng đã thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế nhưng vẫn không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng tin cậy về tính hiện hữu, đúng đắn, đầy đủ và khả năng thu hồi của các khoản nợ phải thu này tại thời điểm nêu trên”, đơn vị kiểm toán cho biết
Do đó, đơn vị kiểm toán cũng không thể đưa ra ý kiến về tính hiện hữu, đầy đủ, đúng đắn và khả năng thu hồi của khoản nợ phải thu này tại ngày 31/12/2022 cũng như ảnh hưởng của các vấn đề này đối với Báo cáo Tài chính hợp nhất kèm theo của Công ty.
Công ty TNHH Kiểm toán CPA Vietnam cho biết chưa thu thập được đẩy đủ bản đối chiếu xác nhận số dư của khoản nợ phải trả tại ngày 31/12/2022: 13,27 tỷ đồng (tại ngày 1/1/2022 là 30,83 tỷ đồng).
“Chúng tôi cũng đã thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế nhưng vẫn không thể thu thập được đẩy đủ bằng chứng thích hợp về tính đầy đủ, hiện hữu, đúng đắn của các khoản công nợ phải trả này tại các thời điểm nói trên.
Do đó, chúng tôi cũng không thể đưa ra ý kiến về tính đầy đủ, hiện hữu, đúng đắn của các khoản công nợ phải trả này cũng như ảnh hưởng của vấn đề này đối với Báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 của Công ty”, đơn vị kiểm toán cho hay.
CTCP Kinh doanh Phát triển nhà và Đô thị Hà Nội (HANHUD) là Công ty đầu tư xây dựng trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội.
Ngành nghề chính của công ty là lập, quản lý, đầu tư xây dựng, kinh doanh, cung cấp các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực xây dựng các khu nhà ở và đô thị hiện đại.
Kể từ ngày được thành lập 03/4/1993, Công ty đã nhiều lần thay đổi tên gọi cho đến ngày 23/06/2005 được sự công nhận của UBND TP Hà Nội, Công ty đã hoạt động với tên gọi CTCP Kinh doanh Phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội.
Công ty đã tham gia và thực hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng trên khắp các địa bàn trong và ngoài TP Hà Nội, như Khu đô thị mới Đại Kim – Định Công (23,6ha), Khu đô thị mới Bắc Đại Kim – Định Công (11,1ha), Khu đô thị mới Cầu Bươu (19,8ha), Khu nhà ở Anh Dũng VI Hải Phòng (16,5ha)…
Vi phạm Luật BHXH, nợ trên 1,1 tỷ đồng
Được biết, Công ty CP Kinh doanh phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội có địa chỉ tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Tại thời điểm thanh tra, doanh nghiệp này có 43 lao động.
Qua quá trình thanh tra, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội yêu cầu Chủ tịch HĐQT HANHUD chuyển ngay số tiền còn nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là trên 1,18 tỷ đồng và số tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN của tháng 4,5/2023 về tài khoản thu của BHXH huyện Thanh Trì trước ngày 30/5/2023.
Truy đóng bảo hiểm đối với 2 người là ông Trần Thanh Sơn và ông Phạm Trung Hiếu; Công ty chưa đóng tiền BHYT, do vậy người lao động của công ty chưa được gia hạn thẻ BHYT năm 2023.
Công ty chưa ghi Hợp đồng lao động có đầy đủ nội dung theo quy định tại điều 21 Bộ Luật Lao động năm 2019 và Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hợp đồng lao động viễn dẫn theo văn bản đã hết hiệu lực, ghi mục công việc phải làm, mục bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa cụ thể, chi tiết.