Diễn biến tín dụng tăng trưởng chậm của các ngân hàng đang là một vấn đề đáng quan tâm với giới tài chính và nền kinh tế, cảnh báo khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu. Trong bối cảnh đó, nhà điều hành “thúc” các ngân hàng thương mại giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Chưa đầy 2 tháng, các ngân hàng từ chỗ 'neo' lãi suất huy động ở mức cao nay đã phải liên tục giảm lãi suất. So với tháng 4, lãi suất huy động và lãi suất cho vay tại một số ngân hàng trong tháng 5 tiếp tục có xu hướng giảm.
Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: Ở thời điểm hiện tại, việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động cho thấy tính thanh khoản tại các ngân hàng đang tốt lên và nguồn vốn tín dụng dần dồi dào.
Theo khảo sát của VnBusiness, so với hồi tháng 4, lãi suất huy động của các ngân hàng trong tháng 5 này đã giảm mạnh. Mức lãi suất huy động niêm yết cao nhất trên thị trường hiện nay được các nhà băng niêm yết quanh 8%/năm.
Lãi suất cao nhất kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng trong tháng 5/2023.
Thống kê biểu lãi suất huy động ngày 8/5, nhóm ngân hàng tư nhân lớn đều đã đưa lãi suất tiền gửi 12 tháng xuống dưới 8% như SHB (7,9%), Techcombank (7,8%), ACB (7,75%), MB (7,3%)... Nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4) là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank vẫn duy trì mức lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường: 7,2%/năm gửi tại quầy. Kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm là 5,8 - 5,9%/năm.
Với các ngân hàng có quy mô nhỏ cũng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,2-0,4% ngay trong những ngày đầu tháng 5. Điển hình, BacABank giảm từ 0,2 - 0,3% lãi suất ở một số kỳ hạn. Cụ thể, ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động giảm từ 8,4% xuống 8,1%. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động giảm từ 8,6% xuống 8,3%. Ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động giảm từ 8,8% xuống 8,6%/năm.
KienlongBank giảm từ 0,2 - 0,4% lãi suất ở một số kỳ hạn. Cụ thể, ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động giảm từ 8,3% xuống 8,1%. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động giảm từ 8,5% xuống 8,2%. Ở kỳ hạn 24 tháng lãi suất huy động giảm từ 8,3% xuống 7,9%/năm.
SaigonBank giảm từ 0,2 - 0,4% lãi suất ở một số kỳ hạn. Cụ thể, ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động giảm từ 7,9% xuống 7,6%. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động giảm từ 8,3% xuống 8%. Ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động giảm từ 7,9% xuống 7,6%/năm.
Với đà giảm lãi suất huy động như hiện nay, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh dự báo thời điểm lãi suất cho vay giảm mạnh có thể là ngay trong tháng 5 này. “Tôi kỳ vọng lãi suất trên thị trường trong nước sẽ giảm 1,5 - 2% cả ở huy động và cho vay trong tháng 5”, ông Thịnh nói.
"Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 24/4/2023 tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,24 triệu tỷ đồng, tăng 2,66% so với cuối năm 2022."
Mới đây, 4 ngân hàng Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank đã cam kết đồng thuận với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.
Dù vậy, mặt bằng lãi vay hiện vẫn khá cao khiến nhiều doanh nghiệp ngại không dám vay, bởi kinh tế khó khăn, hoạt động kinh doanh không kham nổi chi phí vốn đắt đỏ.
Thúc ngân hàng giảm lãi vay
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra cuối tuần trước, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất huy động bình quân từ 1 - 1,2%, còn giảm lãi suất cho vay chung trong cả hệ thống ngân hàng khoảng 0,5 - 0,65%.
Riêng các ngân hàng thương mại Nhà nước, mức giảm tích cực hơn, khi lãi suất huy động giảm từ 1 - 1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5 - 2%.
Thống kê của NHNN cho thấy, hiện các khoản tiền gửi mới bình quân có mức lãi suất từ 6 - 6,1% (cộng tất cả các kỳ hạn chia bình quân), còn cho vay từ 9 - 9,2%. Những con số này cho thấy tốc độ giảm lãi suất đang khá tích cực thời gian qua.
“Tại cuộc họp gần đây, chúng tôi đã nhắc nhở các ngân hàng cho vay lãi suất cao cần hạ xuống để có mặt bằng thống nhất chung trong hệ thống. Các nhà băng thời gian qua cũng đã chủ động giảm lãi suất”, ông Tú nói, đồng thời cho biết: “Tới đây, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và mở rộng tín dụng từ nay tới cuối năm”.
Thông tin các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay đã mang đến kỳ vọng lớn cho cho các doanh nghiệp đa lĩnh vực. Trao đổi với VnBusiness, đại diện công ty Đầu tư bất động sản Linh Đàm (Hà Nội) cho biết: Lãi suất huy động và cho vay thời gian qua đã giảm so với đầu năm, tuy nhiên, doanh nghiệp quyết định chờ thêm một thời gian nữa vì chỉ cần giảm một vài điểm % cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm thêm được cả trăm triệu đồng tiền lãi vay.
"Trong tình hình khó khăn chung, việc giảm lãi suất là yếu tố tác động đến sức mạnh doanh nghiệp rất nhiều, nên cũng mong muốn sự hỗ trợ của ngân hàng cũng như Chính phủ và Nhà nước để giảm các lãi suất cho doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí để doanh nghiệp có thể phát triển tốt hơn", đại diện này cho hay.
Chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực nhận định: "Khi chúng ta giảm lãi suất sẽ kích cầu tín dụng, qua đó cũng khiến cho doanh nghiệp và người dân sẵn sàng vay nợ nhiều hơn để đưa vào sản xuất kinh doanh tiêu dùng. Đồng thời, tăng thêm nguồn thu tín dụng, dịch vụ đi kèm cho các tổ chức tín dụng. Vốn dĩ trong bối cảnh khó khăn hiện nay đây chính là cú hích quan trọng".