Do phụ thuộc lớn vào phí giao dịch của khách hàng, nên việc thị trường không còn “nóng” gây ảnh hưởng đến doanh thu của nhân viên môi giới chứng khoán đã khiến nhiều người không còn “mặn mà” với nghề. Chưa kể, xu hướng miễn phí giao dịch cũng như sự xuất hiện của các phần mềm công nghệ đang đe dọa đến “nồi cơm” của nghề môi giới.
Thống kê trong số 30 công ty chứng khoán (CTCK) được thu thập số liệu, tổng số nhân sự cuối quý I/2023 ghi nhận 8.324 người, giảm 3.757 người so với đầu năm.
Qua thời “hoàng kim”
Điển hình, tại CTCK đầu ngành SSI, con số 1.550 người thời điểm hiện tại vẫn cao hơn đáng kể so với lượng nhân sự 1.310 người đầu năm 2022, song lượng nhân sự đã “vơi” 53 người trong 3 tháng đầu năm 2023.
Xu hướng miễn phí giao dịch cũng như sự xuất hiện của các phần mềm công nghệ đang đe dọa đến “nồi cơm” của nghề môi giới.
Hay như Chứng khoán Tân Việt cũng cho biết số lượng nhân sự giảm tới 75 người trong quý I/2023, lượng nhân sự hiện lui về ngưỡng 334 người (đầu năm là 409 người).
Thậm chí Chứng khoán VNDirect còn ghi nhận lượng nhân sự tại thời điểm 31/3/2023 đạt 1.233 người, giảm 325 người so với thời điểm đầu năm. Còn nếu so với giai đoạn bùng nổ vào cuối quý III/2022 là 1.635 người thì lượng lao động của VNDirect đã giảm hơn 400 người.
“Đỡ” hơn, số lượng nhân sự sau quý I/2023 của Chứng khoán MB hiện đạt 618 người, giảm 16 người so với thời điểm đầu năm.
Ngoài ra, một số CTCK cũng ghi nhận những biến động lùi song không quá lớn lớn về mặt nhân sự, có thể nhắc tới như Mirae Asset giảm quy mô nhân sự về mức 501 người so với 531 người hồi đầu năm, lượng nhân sự của Chứng khoán Kỹ Thương giảm 5 người sau 3 tháng, hay Chứng khoán Tiên Phong giảm 18 lao động so với đầu năm.
Nhìn chung, ngoài Chứng khoán SSI ghi nhận lợi nhuận phục hồi sau 3 quý trước đó liên tục "đi lùi", còn lại hầu hết kết quả quý I/2023 của các CTCK khác tiếp tục phủ “mây mù”. Cho nên, việc cắt giảm những bộ phận không cần thiết nhằm tối ưu chi phí là điều dễ hiểu. Và việc lượng nhân sự tại các CTCK sụt mạnh khả năng cao cũng do sự suy giảm của đội ngũ môi giới chứng khoán.
Còn nhớ, thời kỳ tiền rẻ trong giai đoạn 2020 - 2021, ảnh hưởng dịch Covid-19 đã tạo ra làn sóng bùng nổ trên thị trường chứng khoán (TTCK). Hàng triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, cùng thanh khoản lên tới hàng chục nghìn tỷ mỗi phiên đã khiến môi giới chứng khoán (Broker) trở thành công việc cực 'hot' với thu nhập "khủng".
Tuy nhiên, sau thời gian thuận lợi, từ đầu quý II/2022, TTCK bước vào giai đoạn giảm sâu cùng thanh khoản ngày càng “hẻo”. Điều này đã khiến hoạt động môi giới của các CTCK ngày càng thu hẹp làm cho nghề môi giới trở lên khó khăn hơn, khiến nhiều người “vỡ mộng”. Thực tế, doanh thu môi giới từ đầu năm 2022 đến nay sụt giảm rõ rệt, quý sau đều thấp hơn so với quý liền trước.
Thống kê trong quý I/2023, tổng doanh thu hoạt động môi giới ngành chứng khoán đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, giảm 34% so với quý trước và chưa tới 1/3 giá trị giai đoạn bùng nổ trong quý IV/2021. Tương ứng, biên lãi gộp co lại chỉ còn vỏn vẹn 9% thấp hơn nhiều so với con số 24% của quý trước và đỉnh 38% vào quý I/2021.
Lo bị thay thế
Hiện nay, hầu hết các CTCK theo mô hình truyền thống, sử dụng môi giới để kiếm khách cũng như hỗ trợ giao dịch. Thu nhập các môi giới này sẽ được trích phần lớn từ phí giao dịch của khách hàng nộp cho CTCK. Đồng nghĩa với việc, phần lớn doanh thu môi giới các CTCK thu về sẽ dùng để trả thu nhập cho các Broker. Với việc doanh thu môi giới toàn thị trường chưa tới 1/3 so với đỉnh, tính một cách đơn giản, thu nhập của nghề môi giới trong 3 tháng đầu năm 2023 cũng giảm 2/3 so với thời đỉnh cao.
Thực tế cho thấy, việc sử dụng môi giới không mang lại quá nhiều lợi nhuận cho các CTCK. Bởi nếu tính riêng mảng nghiệp vụ môi giới chứng khoán (không tính các dịch vụ kèm theo như cho vay ký quỹ, quản lý tài sản…) thì đây là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận cực mỏng, thậm chí nhiều doanh nghiệp không có lãi do chi phí hoa hồng cho môi giới khá lớn.
Theo đó, nhằm tối ưu chi phí, các công ty chứng khoán đang mạnh tay phát triển mảng công nghệ để thay thế phần việc của con người nhờ Chatbox, AI, môi giới ảo tự động trả lời, hướng dẫn mở tài khoản tự động, eKyc... Đây là nguyên nhân không nhỏ đẩy lượng nhân sự môi giới tại nhiều CTCK chịu thêm áp lực sụt giảm.
Bên cạnh đó, xu hướng giao dịch chứng khoán phí 0 đồng cũng dự báo tạo sức ép lớn đến nghề môi giới trong tương lai. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nghề môi giới, những người đang phụ thuộc lớn vào phí giao dịch của khách hàng.
Với khách hàng, việc miễn phí giao dịch sẽ giúp họ tiết giảm một lượng chi phí đáng kể. Thông thường trong Uptrend, khi mọi thứ thuận lợi, chi phí môi giới sẽ không "đáng là bao". Tuy nhiên, khi thị trường kém thuận lợi, mà việc sử dụng tư vấn từ môi giới không đem lại hiệu quả sẽ càng khiến nhà đầu tư cảm thấy "tiếc tiền".
Dù vậy, một số CTCK cũng cho biết quan điểm không tham gia “cuộc đua” giao dịch “0 đồng”, bởi xét về lâu dài, không công ty nào có thể duy trì và làm mới hệ thống với nhiều tiện ích mà không nhận lại đồng nào. Thay vào đó, các CTCK này sẽ cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng, xây dựng hệ thống công nghệ mới với sản phẩm chất lượng, tiện ích phục vụ nhà đầu tư và nâng cao chất lượng tư vấn.
Chia sẻ với VnBusiness, một chuyên viên môi giới cho biết, khi có thông tin CTCK SSI – nơi anh đã từng làm việc trước đây có kế hoạch phát triển công nghệ thay thế những nhân sự "chạy bằng cơm", anh đã nhanh chóng chuyển sang làm việc tại một CTCK khác. Mặt khác, TTCK không “dễ ăn” như trước, việc chọn lọc Broker của nhà đầu tư cao hơn, buộc anh phải không ngừng học hỏi thêm kiến thức nếu không sẽ nhanh chóng bị đào thải.
Nhìn chung, trong thời gian tới, hoạt động môi giới bằng con người có thể vẫn còn đóng vai trò nhất định tại các CTCK, nhưng chắc chắn ảnh hưởng sẽ dần giảm bớt bởi sự xuất hiện của các hệ thống công nghệ. Do đó, các CTCK cần thay đổi cách tiếp cận khách hàng, còn các môi giới cá nhân, sự thanh lọc sẽ diễn ra, và chỉ những môi giới có trình độ chuyên môn cao và không ngừng trau dồi mới có thể tồn tại trên thị trường, thay vì phát triển rầm rộ như những năm qua.