Nhóm cổ phiếu ngành điện, nhất là các công ty sản xuất và phân phối điện luôn là một trong những món “bánh ngọt” được nhiều nhà đầu tư săn đón, nhất là sau tin giá bán điện bình quân tăng 3%.
Ngược dòng VN-Index (phiên 5/5), một số cổ phiếu thuộc nhóm ngành điện vẫn tiếp tục kết phiên trong sắc xanh như AVC của Thủy điện A Vương (+0,2%), CHP của Thủy điện miền Trung (+0,4%),
PVG của Kinh doanh LPG Việt Nam (+1,3%),
POW của Điện lực Dầu khí Việt Nam (+0,4%) …
Có cổ phiếu âm thầm lập đỉnh mới
Trước đó, trong phiên 4/5, do lực bán bung ra khá mạnh khiến chỉ số chính “rơi” về mốc 1.040 điểm. Dù vậy, cổ phiếu ngành điện vẫn là điểm sáng khi ngược dòng với những mã “xanh” tích cực, như: AVC, CHP,
BTP (Nhiệt điện Bà Rịa), EIC (EVN Quốc tế),
GEG (Điện Gia Lai),
GHC (Thủy điện Gia Lai),
HNA (Thủy điện Hủa Na),
HPD (Thủy điện Đăk Đoa),
NT2 (Nhơn Trạch 2),
PVG…
Sau khi xác lập đáy ngắn hạn vào tháng 11/2022, cổ phiếu NT2 đã âm thầm đi lên trong khi thị trường điều chỉnh giảm mạnh.
Đà tăng tích cực của nhóm cổ phiếu điện diễn ra sau thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố giá bán điện bình quân tăng từ 1.864,44 đồng lên 1.920,37 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 3%. Với quyết định này, giá điện bán lẻ bình quân đã được điều chỉnh tăng sau 4 năm bị kìm giữ (kể từ tháng 3/2019).
Nhìn chung, ngành điện là một trong những ngành kinh tế cơ bản của mỗi quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế xã hội. Do đó, nhóm cổ phiếu ngành điện, nhất là các công ty sản xuất và phân phối điện luôn là một trong những chiếc “bánh ngọt” được nhiều nhà đầu tư săn đón. Cho nên, việc cổ phiếu điện hút tiền mạnh hơn khi thông tin tăng giá điện diễn ra là điều dễ hiểu.
Dù vậy, trước khi có thông tin điều chỉnh giá điện, nhóm cổ phiếu này cũng đã được giới phân tích đánh giá cao và đưa ra khuyến nghị khả quan khi mà miền Bắc chuẩn bị bước vào đợt nắng nóng kéo dài. Theo đó, đã có một vài mã cổ phiếu điện ghi nhận diễn biến khả quan, đáng chú ý nhất là cổ phiếu
NT2 (Nhơn Trạch 2).
Có thể thấy, sau khi xác lập đáy ngắn hạn vào tháng 11/2022, cổ phiếu
NT2 đã âm thầm đi lên trong khi thị trường điều chỉnh giảm mạnh. Thậm chí trong phiên 4/5, cổ phiếu này còn leo lên mức giá 31.700 đồng/cp, tương đương mức tăng gần 45%. Đây cũng là mức giá cao nhất trong lịch sử của
NT2 (tính theo giá điều chỉnh). Còn nếu tính trong vòng 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu này đã tăng hơn 15%, tương đương vốn hóa tăng lên hơn 9.000 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, Dầu khí Nhơn Trạch 2 được đánh giá có nền tảng cơ bản khá vững vàng với kết quả kinh doanh tăng trưởng cao. Trong quý 1/2023, công ty ghi doanh thu đạt 2.182 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 234 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 46% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý 1/2023, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 8.427 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền các khoản tương đương tiền giảm từ hơn 384,2 tỷ đồng xuống vỏn vẹn gần 1 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn lại tăng gấp đôi lên 4.383 tỷ đồng.
Nhiều triển vọng sáng
Trong báo cáo ngành điện công bố mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect đưa ra dự báo tăng trưởng sản lượng điện năm 2023 khá thận trọng, chỉ tăng 6% so với năm ngoái, thấp hơn 28% so với dự báo của Quy hoạch điện 8. Lý do là nhu cầu điện mảng xây dựng dự kiến giảm sút do những khó khăn của thị trường bất động sản (BĐS) nhà ở.
"Những ngành công nghiệp sản xuất như sắt thép, xi măng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, dự báo một mùa hè nóng bức hơn sẽ kéo nhu cầu điện nhóm tiêu dùng dân cư, bù đắp sự sụt giảm mảng công nghiệp – xây dựng. Trong 2024-2030, dự kiến tăng trưởng kép sản lượng điện sẽ dựa trên kịch bản cơ sở trong Quy hoạch điện 8 đạt 8,4%/năm", VNDirect nhận định.
Bên cạnh đó, giá bán lẻ điện tăng sẽ giảm áp lực cho những khó khăn tài chính của EVN, cải thiện dòng tiền thanh toán và tạo dư địa huy động cho nguồn điện giá cao.
Đồng thời, nhóm phân tích của VNDirect chỉ ra điện khí sẽ hưởng lợi trong việc huy động sản lượng do thủy điện suy yếu, tạo dư địa huy động cho các nguồn thay thế và dự báo giá dầu Brent giảm trong 2023-2024 đạt 85-80 USD/thùng hỗ trợ khả năng cạnh tranh giá của nguồn trong bối cảnh giá đầu vào than tiếp tục neo cao.
Đối với điện than, kỳ vọng các nhà máy sử dụng than nội địa tại miền Bắc sẽ được hưởng lợi rõ ràng nhất nhờ giá than nội ổn định cũng như chi phí rẻ hơn. Ngoài ra, một mùa hè nhiệt độ cao hơn sẽ là yếu tố cơ bản, hỗ trợ huy động sản lượng các nhà máy điện than tại khu vực này trong năm 2023.
Theo đó, VNDirect đưa ra khuyến nghị đầu tư vào 4 cổ phiếu sáng giá ngành điện gồm
PC1,
POW,
NT2,
QTP (Nhiệt điện Quảng Ninh).
Trong năm 2023, VNDirect kỳ vọng giá cổ phiếu
POW sẽ hưởng lợi từ triển vọng tích cực của mảng điện khí. Doanh nghiệp này đang nắm trong tay chuỗi hai dự án bao gồm 100% sở hữu tại Nhơn Trạch 3 và 4 (1.600MW) và 33% cổ phần tại dự án LNG Quảng Ninh (1.500MW).
Ngoài ra, trong bối cảnh vẫn có bất ổn trong giai đoạn phát triển tiếp theo của điện năng lượng tái tạo, một cơ chế giá điện chính thức sẽ được ban hành trong năm nay. Khi mọi nút thắt được giải quyết, mảng xây lắp điện, bao gồm thầu EPC điện gió và xây lắp đường dây, trạm biến áp sẽ bùng nổ đầu tiên. Do đó,
PC1 là sẽ là doanh nghiệp đón đầu xu hướng này.
Các dự án điện gió của
PC1 cũng là một trong những dự án nổi bật của Đông Nam Á, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn quản trị, môi trường (ESG) và đang được hưởng chính sách lãi vay rất ưu đãi (5-6%/năm) thấp hơn nhiều so với các dự án vay nội tệ khoảng 10-11%.
Tương tự, Chứng khoán ACBS dự báo, năm 2024 sẽ là năm có kết quả kinh doanh ấn tượng nhất của Nhơn Trạch 2. Quan điểm này dựa vào trong giai đoạn chu kỳ El Nino 2023-2025 với giả định giá dầu có thể xuống mức thấp trung bình 75 USD/thùng, cho ra giá khí đầu vào trung bình đạt 8,14 USD/MMBtu.
Bên cạnh đó, do vẫn chịu ảnh hưởng của El Nino và đã trải qua đợt trùng tu lớn trong năm trước, ACBS ước tính sản lượng điện thương mại có thể đạt đến 4,6 tỷ kWh. Như vậy, doanh thu của Nhơn Trạch 2 ước đạt 8.514 tỷ đồng và thu về 961 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Dù vậy, đối với việc giá điện tăng 3%, Mirae Asset vẫn cho rằng tác động tích cực tới ngành điện vẫn chưa rõ nét. Bởi trên thực tế, các công ty ngành điện đã thỏa thuận dài hạn khi ký hợp đồng mua bán điện với EVN, nên việc tăng giá bán điện bình quân trong ngắn hạn chưa thể tác động đến doanh thu doanh nghiệp sản xuất.
Cụ thể như Nhiệt điện Phả Lại, Quảng Ninh, … những dự án lớn ký hợp đồng thỏa thuận trong 25 năm, giá mua bán điện được đàm phán qua từng giai đoạn. Với những doanh nghiệp phân phối điện, việc tăng giá điện có thể tác động tích cực, vì hợp đồng đã ký dài hạn với giá rẻ, nay bán giá cao, giúp lợi nhuận doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tăng.