Những chủ trương, chính sách được Chính phủ, Trung ương ban hành trong những tháng gần đây đang được TPHCM cụ thể hoá và có những chính sách giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển.
Dự kiến trong kỳ họp Hội đồng nhân dân tổ chức tháng 7/2023, UBND TPHCM sẽ trình một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ảnh: ST
Đáng chú ý, nghị quyết mới sắp tới thay thế Nghị quyết 54 với các cơ chế, chính sách đột phá được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.
Khó khăn “kép” phải đối mặt
Số liệu từ Cục Thống kê TPHCM cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong quý 2/2023 đã có dấu hiệu khởi sắc, tăng 5,87% so với cùng kỳ năm trước, trong khi quý 1/2023 tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,7%. Song đây vẫn là mức tăng trưởng trung bình thấp của cả nước (đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố trên cả nước) và vẫn còn không ít những khó khăn, đặc biệt xuất khẩu khi các thị trường châu Âu, châu Mỹ chưa phục hồi. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp TPHCM tại các cửa khẩu trên cả nước 5 tháng đầu năm 2023 đạt 16,5 tỷ USD, giảm 19,7% so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Hầu hết các ngành chủ lực của TPHCM như dệt may, gỗ, vật liệu xây dựng, cơ khí điện... đều sụt giảm doanh thu cả nội địa lẫn xuất khẩu. Tình trạng thiếu hụt đơn hàng sản xuất vẫn diễn ra trên diện rộng và ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm do nhu cầu thị trường bị thu hẹp cả trong lẫn ngoài nước.
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí Điện TPHCM, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải hoạt động cầm chừng do đứt gãy dòng tiền. Thậm chí, có doanh nghiệp cổ đông phải bán nhà để trả nợ ngân hàng vì không muốn bị xếp vào nhóm nợ xấu hoặc mất uy tín trong vấn đề thanh toán.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, TPHCM đã chạm đáy suy thoái. Doanh nghiệp thành phố đã và đang chịu tác động tiêu cực kép đến từ thủ tục hành chính phức tạp, cơ chế không còn phù hợp với một siêu đô thị. Cùng với đó, tình trạng phụ thuộc hơn 60% nguồn nguyên liệu sản xuất từ các chuỗi cung ứng đến từ bên ngoài thành phố nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.
Song tình hình kinh tế TPHCM cũng đang chuyển biến tích cực. Những chủ trương, chính sách được Chính phủ, Trung ương ban hành trong những tháng gần đây đang được TPHCM cụ thể hoá và có những chính sách giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển.
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
Chia sẻ tại chương trình café doanh nhân HUBA mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, dự kiến trong kỳ họp Hội đồng nhân dân tổ chức tháng 7/2023 sắp tới, UBND TPHCM sẽ trình một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thành phố về cả trước mắt và lâu dài nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển. Trước mắt, TPHCM sẽ có những chính sách hỗ trợ, giải quyết vấn đề tiếp cận thị trường, mở thị trường mới đối với doanh nghiệp xuất khẩu; giải quyết vấn đề hàng tồn kho cho doanh nghiệp và tìm kiếm những thị trường để doanh nghiệp thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa.
Đặc biệt, cùng với chuẩn bị cho nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, TPHCM đang ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển Đông Nam bộ và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM với 150 đầu việc phải làm. Trong đó có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và cũng rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp để cụ thể hóa các việc này, tạo không gian kinh tế lớn của thành phố.
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn tin tưởng, nghị quyết mới về phát triển TPHCM với các cơ chế, chính sách đột phá về thu hút đầu tư, nhất là thu hút nguồn lực xã hội, thu hút tài năng chất xám ngoài thành phố, từ các tỉnh thành và cả nước ngoài. Những cơ chế, chính sách này sẽ tạo sức hút rất lớn cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về chất xám, trí tuệ, sáng tạo... Đồng thời, sẽ thu hút nguồn lực nội tại của TPHCM và từ các nơi khác đến thành phố để khởi nghiệp. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, nhất là nhà nhập khẩu nước ngoài, những thị trường lớn sẽ có cái nhìn mới với thị trường thành phố sau khi nghị quyết mới được ban hành và thực hiện.
Theo ông Trần Việt Anh, các doanh nghiệp TPHCM đang bắt đầu chuyển mình qua một giai đoạn mới, chờ đón những nhà đầu tư mới mang tính chất dịch vụ cao, công nghệ cao. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố đang khẩn trương mở rộng thị trường, mở rộng đối tác để tranh thủ thời cơ phát triển.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) cho biết, dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 có nội dung HĐND TPHCM được bố trí vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. TPHCM cũng sẽ khởi động lại chương trình cho vay kích cầu đầu tư, vốn đã bị gián đoạn 2 năm nay, nhằm tái cấp vốn cho các dự án đang dang dở cũng như cho vay mới với dự án trong lĩnh vực ưu tiên phát triển của thành phố. Cụ thể, khi nghị quyết mới được ban hành, không chỉ giúp chương trình tiếp tục mà còn nâng mức hỗ trợ tối đa từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp có nguồn lực về tài chính để phát triển sau thời gian gặp khó khăn, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Ngoài ra, chương trình kích cầu lần này sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn về mức hỗ trợ cũng như mở rộng nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ. Bên cạnh các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chuyển đổi xanh, chương trình kích cầu đầu tư kỳ này có bổ sung đối tượng doanh nghiệp logistics, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, logistics…