Đang xuất hiện một làn sóng mới chống lại quyền lực thống trị của đồng USD. Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng không dễ thay thế USD trong hệ thống kinh tế toàn cầu.
Mới đây, Brazil và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận sử dụng đồng nội tệ trong trao đổi thương mại song phương.
Trước đó, hồi tháng 4, Ấn Độ và Malaysia ký thỏa thuận tăng cường sử dụng đồng rupee trong các giao dịch xuyên biên giới. Thậm chí một số công ty Pháp cũng bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch với Trung Quốc.
Với lãnh đạo nhiều quốc gia, việc giảm phụ thuộc vào USD trong các giao dịch quốc tế xuất phát từ cùng lý do. Họ cho rằng đồng bạc xanh đang bị Mỹ "vũ khí hóa" để thúc đẩy các ưu tiên chính sách đối ngoại và trừng phạt đối thủ, theo Bloomberg.
Làn sóng phi USD hóa
Việc Mỹ và các đồng minh trừng phạt kinh tế Nga là lời nhắc nhở tới lãnh đạo các nước về mức độ phụ thuộc vào đồng USD.
Với việc mạnh tay trừng phạt Nga, giới chức Mỹ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Khi ngày càng phụ thuộc vào sức mạnh của USD trong các cuộc đối đầu, Washington có nguy cơ làm sứt mẻ thế thống trị của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế, thậm chí có nguy cơ làm suy giảm ảnh hưởng của USD trên quy mô toàn cầu.
Brazil và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận sử dụng đồng nội tệ trong trao đổi thương mại song phương. Ảnh: AP.
Một số chuyên gia cho rằng để bảo đảm hiệu quả lâu dài, các biện pháp trừng phạt kinh tế chỉ nên dừng lại ở việc đe dọa, thay vì được sử dụng quá thường xuyên.
"Những người tin rằng họ có thể bị trừng phạt trong tương lai sẽ chuẩn bị cho kịch bản ấy, và điều đó khiến trừng phạt kém hiệu quả hơn", Daniel McDowell, chuyên gia khoa học chính trị Đại học Syracuse, nhận định.
Ông McDowell cho rằng những thay đổi hiện tại trong xu hướng sử dụng USD vẫn ở mức rất nhỏ và không có tác động đáng kể. Tuy nhiên nếu tiếp tục kéo dài, vị thế của USD sẽ bị tổn hại và cuối cùng có thể làm suy yếu quyền lực kinh tế của Mỹ.
Hiển nhiên, một phần sự chuyển hướng khỏi USD được thúc đẩy bởi Trung Quốc. Bắc Kinh đang muốn tạo dựng vị thế to lớn hơn cho đồng nhân dân tệ trên thị trường tài chính toàn cầu, vì thế thúc đẩy sử dụng nhân dân tệ ở nước ngoài đang là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của quốc gia này.
Tuy nhiên, không phải mọi nỗ lực giảm phụ thuộc vào USD đều có liên quan tới Trung Quốc.
Thỏa thuận giữa Ấn Độ và Malaysia về việc tăng cường sử dụng đồng nội tệ hai nước trong thương mại song phương là nỗ lực của Thủ tướng Narendra Modi nhằm hạn chế phụ thuộc USD trong một số giao dịch quốc tế.
Trong tháng 5, các nước ASEAN cũng đạt thỏa thuận tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch và đầu tư ở khu vực. Cuối tháng, Hàn Quốc và Indonesia ký thỏa thuận thúc đẩy sử dụng đồng won và rupiah trong giao dịch ngoại hối trực tiếp.
Trong cuộc họp các nước BRICS tại Thượng Hải hồi tháng 4, Tổng thống Brazil Lula da Silva kêu gọi nhóm này tìm ra giải pháp thay thế đồng bạc xanh trong thương mại quốc tế.
Không dễ truất ngôi USD
Từ sau Thế chiến II, USD luôn đóng vai trò trung tâm của tài chính toàn cầu. USD là đồng tiền dự trữ chủ yếu của các quốc gia trên thế giới. Điều này làm tăng tính hấp dẫn của trái phiếu chính phủ Mỹ, có lợi cho Washington trong thương mại và xử lý thâm hụt ngân sách.
Sự phổ biến của USD trong hệ thống thanh toán toàn cầu cũng cho phép Mỹ duy trì ảnh hưởng với nền kinh tế các quốc gia khác.
Khoảng 88% giao dịch ngoại hối toàn cầu, dù không liên quan tới Mỹ hay các công ty Mỹ, được thực hiện bằng USD. Do các ngân hàng xử lý dòng chảy USD xuyên biên giới có tài khoản tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), những ngân hàng ấy sẽ bị tác động bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trước Nga, một số quốc gia khác đã trở thành đối tượng trừng phạt của Mỹ thời gian gần đây như Libya, Syria, Iran hay Venezuela.
Các chuyên gia cho rằng chưa đồng tiền nào có khả năng thay thế USD. Ảnh: Reuters.
"Việc Mỹ tăng cường sử dụng trừng phạt trong những năm gần đây làm gia tăng tâm lý khó chịu. Những diễn biến ấy xảy đến trùng thời điểm các nền kinh tế mới nổi lớn muốn tái phân bổ quyền lực toàn cầu", Jonathan Wood, đại diện công ty tư vấn Control Risks, nhận định.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hồi tháng 4 thừa nhận việc sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đi kèm rủi ro với vai trò của USD, về lâu dài có thể làm xói mòn vị thế độc tôn của đồng bạc xanh, theo CNN.
"Tuy nhiên, USD được sử dụng như một đồng tiền toàn cầu vì những lý do mà không dễ để các quốc gia khác tìm được đồng tiền thay thế với những đặc tính tương tự', đại diện Bộ Tài chính Mỹ khẳng định.
Các chuyên gia kinh tế có chung nhận định với Bộ trưởng Yellen. Dù ngày càng nhiều quốc gia muốn giảm phụ thuộc vào USD, không mấy người thực sự tin rằng vị thế thống trị của đồng bạc xanh trong thương mại và tài chính toàn cầu có thể sớm bị đe dọa.
Một trong các lý do là bởi không đồng tiền nào có độ ổn định, thanh khoản và an toàn như USD. Đến nay, các nước đồng minh của Mỹ, vốn đóng góp hơn 50% GDP toàn cầu, không có ý định loại bỏ vị thế thống trị của đồng bạc xanh.
Thực tế, kể từ khi Washington tăng cường trừng phạt Nga năm 2022, giá trị của USD đã tăng so với nhiều đồng tiền lớn như euro, nhân dân tệ hay đồng yen Nhật. Đây là dấu hiệu cho thấy bất cứ sự suy giảm nào của USD, nếu có, sẽ phải trải qua quá trình chậm chạp, lâu dài.
Vị thế của USD cũng đến từ sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.
Các chuyên gia nhận định không quốc gia nào có nền kinh tế tiệm cận Mỹ. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đang gặp vấn đề về phục hồi, nợ công và già hóa dân số. Trong khi đó, kinh tế khu vực châu Âu đã đình trệ trong nhiều năm.
"Tôi không thể thấy bất cứ đồng tiền nào có thể thay thế USD, ít nhất trong một thế hệ tới", George Boubouras, giám đốc quỹ quản lý tài sản K2 tại Melbourne, nhận định.
Dù vậy, những tiếng nói về phi USD hóa vẫn tiếp tục vang lên ở các nước đang phát triển. Pakistan, đồng minh ngày càng quan trọng của Bắc Kinh, tháng trước cho biết đang tìm cách thỏa thuận mua dầu thô Nga bằng nhân dân tệ.
Tuần qua, các nước thành viên BRICS đã bắt đầu thảo luận về khả năng tạo ra đồng tiền chung, thứ được kỳ có vọng có thể bảo vệ các nước thành viên khỏi lệnh trừng phạt.
"Không có nghi ngờ gì nữa, phi USD hóa sẽ còn tiếp tục trong những năm tới. Mỹ đã quyết định dùng USD để gây thiệt hại cho các đối thủ, nhiều khả năng quyết định ấy sẽ mang lại hậu quả lâu dài", Vishnu Varathan, đại diện Ngân hàng Mizuho chi nhánh Singapore, nhận định.
Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế hoài nghi về khả năng ra đời một đồng tiền chung của BRICS, thay vào đó cho rằng vị thế của nhân dân tệ sẽ ngày một tăng cao.
Hồi tháng 5, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nam Phi Lesetja Kganyago cho cho biết việc tạo ra đồng tiền có giá trị pháp lý chung sẽ đòi hỏi việc thành lập một ngân hàng trung ương chung tương tự mô hình đồng euro của EU.