Sau những thành công ở Bắc Mỹ và Đông Nam Á, các hãng thực phẩm và mỹ phẩm Hàn Quốc đang gấp rút thâm nhập và mở rộng kinh doanh ở Ấn Độ.
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã rời khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây do quan hệ Hàn – Trung đang chuyển biến xấu. Ấn Độ nổi lên như vùng đất hứa mới, đầy cơ hội cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Nền kinh tế Ấn Độ đã tăng trưởng 6,3% trong năm 2022, cao hơn mức 5% của Trung Quốc, theo Ngân hàng Thế giới. Đất nước Nam Á này cũng vượt Trung Quốc về quy mô dân số vào tháng 4 vừa rồi.
Lotte Wellfood đã thâm nhập thị trường Ấn Độ từ năm 2004 bằng cách mua lại Parrys Confectionery, hãng bánh kẹo lớn nhất Ấn Độ với giá 22,4 tỉ won (17,14 triệu đô la). Hiện Lotte có năm cơ sở sản xuất ở Ấn Độ gồm ba nhà máy bánh kẹo và hai cơ sở sản xuất kem.
“Khi chúng tôi lần đầu tiên vào Ấn Độ, chúng tôi không có thông tin gì về thị trường địa phương. Chúng tôi chỉ tham gia như một phần của kế hoạch mở rộng kinh doanh toàn cầu nói chung. Chúng tôi tính đến dân số đông và tiềm năng tăng trưởng kinh tế của đất nước. Giờ đây, doanh số bán hàng của chúng tôi đến từ Ấn Độ chiếm 31% tổng hoạt động kinh doanh toàn cầu của chúng tôi,” một quan chức của Lotte Wellfood cho biết.
Thành công của Lotte Wellfood tại Ấn Độ có thể là do sản phẩm bánh Choco Pie bán chạy nhất, chiếm 90% thị phần tại đây. Chỉ riêng loại bánh này tạo doanh thu hàng năm đến 40 tỉ won. Chiến lược nội địa hóa áp dụng cho Choco Pie (thay đổi dầu và chất béo động vật trong bánh bằng các nguyên liệu thay thế từ thực vật) đóng vai trò quan trọng trong thành công này.
Lotte cũng đang bán kem dưới thương hiệu địa phương Havmor, được mua lại vào năm 2017. Tháng 1-2023, hãng quyết định đầu tư khoảng 70 tỉ won để xây thêm một nhà máy sản xuất kem mới ở Pune City ở tiểu bang Maharashtra trong vòng năm năm tới.
Chỉ riêng kem đem lại cho Lotte mức tăng trưởng doanh thu hàng năm là 55% trong hai năm 2021-2022, đạt 154,4 tỉ won từ mức 99,4 tỉ won.
Tập đoàn Orion chỉ bước vào thị trường bánh kẹo Ấn Độ thời gian gần đây. Tháng 2-2021, Orion đã xây dựng nhà máy sản xuất bánh Choco Pie ở bang Rajasthan và bắt đầu bán sản phẩm ra thị trường chỉ trong tháng 3. Cuối năm 2021, Orion tung ra loại bánh mới có vị dâu tây để thích hợp với khẩu vị người tiêu dùng địa phương.
“Thị trường Hàn Quốc đã bão hòa. Chúng tôi cần phải mở rộng kinh doanh ra toàn cầu. Với dân số khổng lồ, Ấn Độ là một trong những thị trường mục tiêu toàn cầu mà chúng tôi đang nhắm đến bên cạnh thị trường Trung Quốc, Nga và Việt Nam. Quy mô thị trường bánh kẹo ở đây có thể lên đến 17.000 tỉ won”, một lãnh đạo của Orion nói.
Hãng mỹ phẩm AmorePacific lớn nhất Hàn Quốc cũng đã chọn Ấn Độ, Bắc Mỹ và châu Âu để đối phó với khó khăn kinh doanh hiện tại với Trung Quốc.
“Ấn Độ là một thị trường rất quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý ở thị trường Bắc Mỹ và châu Âu và thị trường Ấn Độ là bước tiếp theo của chúng tôi. Người Ấn Độ rất quan tâm đến các sản phẩm mỹ phẩm tự nhiên. Nhờ vào các loại mặt nạ dưỡng môi và da, thương hiệu Laneige của chúng tôi đạt mức tăng trưởng bình quân 77% mỗi năm trong ba năm qua”, quản lý cấp cao của AmorePacific cho biết.
AmorePacific đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ, tập trung vào các nền tảng thương mại điện tử và cửa hàng đa thương hiệu. Hãng đã hợp tác với NYKKA, sàn thương mại điện tử lớn nhất Ấn Độ chuyên về mỹ phẩm, để quảng bá các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc.
“Chúng tôi hiện đang nhắm vào tất cả các nhóm tiêu dùng từ thanh thiếu niên đến trung niên. Mục tiêu ngắn hạn của chúng tôi là đảm bảo thị phần đáng kể ở Ấn Độ và mở rộng dần dần. Ấn Độ là một thị trường có tiềm năng tăng trưởng lớn”, vị quan chức AmorePacific nói. Hiện hãng có bốn thương hiệu tại Ấn Độ là Innisfree, Laneige, Etude House và Sulwhasoo.
Theo hãng dữ liệu Statista, quy mô thị trường mỹ phẩm Ấn Độ năm ngoái là 26,3 tỉ đô la, lớn thứ tư trên thế giới.
Món kẹo đường Hàn Quốc nhanh chóng trở thành “hit” trên toàn thế giới sau series Squid Game trên Netflix. Ảnh: Rappler
Nương nhờ làn sóng K-drama để quảng bá thực phẩm Hàn Quốc
Ẩm thực Hàn Quốc đã trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới từ thập niên 2010. Một cuộc khảo sát của chính phủ Hàn Quốc trong năm 2022 tại nhiều nước châu Á và Bắc Mỹ cho thấy gần 50% số người được hỏi đã cho rằng “ẩm thực Hàn Quốc rất phổ biến” ở nước họ.
Doanh nghiệp Hàn Quốc đã không bỏ lỡ các cơ hội, tận dụng sức ảnh hưởng của các bộ phim điện ảnh và truyền hình nổi tiếng để tiếp cận người tiêu dùng và bán hàng.
Chuỗi gà rán Genesis BBQ trở nên nổi danh trong và ngoài nước nhờ vào Hạ cánh nơi anh (Crash Landing on You). Bộ phim truyền hình 16 tập đã làm mưa làm gió ở châu Á, được phát trên một kênh địa phương và Neflix cuối 2019 đầu 2020. Trong một tập phim, nhân vật chính là một điệp viên Triều Tiên đào tẩu rất yêu thích vị gà rán Olive Chicken mới mẻ. Bộ phim giúp Genesis mở thêm nhiều chi nhánh ở Hàn Quốc và các nước, quyết định cạnh tranh với McDonald’s.
Bộ phim điện ảnh Ký sinh trùng (Parasite) cũng gây hiệu ứng tương tự với mì gói sau khi giành đến sáu giải Oscar đầu năm 2020. Hãng mì Nongshim nhanh chóng tung ra nhãn mì mới Chapaguri là sự kết hợp hai loại mì xuất hiện trong phim. Chapaguri nhanh chóng xuất hiện trên kệ các đại siêu thị Walmart và Kroger ở Mỹ, cùng nhiều nước khác, góp phần mang lại doanh thu toàn cầu 30 tỉ won (25,5 triệu đô la) cho nhãn này trong vài tháng cuối năm 2020. Nongshim cũng phát miễn phí mì Chupaguri ở các rạp phim, đưa lên YouTube 10 công thức chế biến loại mì mới.
Đến năm 2021, series Trò chơi con mực (Squid Game) chiếu trên Netflix cũng tạo nên cơn sốt mới trong và ngoài nước với kẹo đường, một món quà vặt đường phố ở Hàn Quốc.
Cơ quan xúc tiến ngoại thương và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) viết trong báo cáo năm 2021: “Khi ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc có nhiều khán giả hâm mộ hơn, sự phổ biến của các mặt hàng tiêu dùng Hàn Quốc cũng gia tăng. Các bộ phim giúp mọi người quan tâm hơn đến ẩm thực, mỹ phẩm và thời trang Hàn Quốc”. Cùng lúc, Cơ quan thống kê Hàn Quốc cho biết kim ngạch xuất khẩu thực phẩm của nước này lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 10 tỉ đô la trong năm 2021.