Sáng 17/7, tại Hà Nội, Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức buổi họp về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, kế hoạch tài chính 6 tháng đầu năm 2023, kế hoạch 6 tháng cuối năm và dự kiến thực hiện cả năm 2023.
Dự và chủ trì buổi họp có Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, các thành viên trong Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc, lãnh đạo các Ban chuyên môn/ Văn phòng Tập đoàn.
Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Manh Hùng nhấn mạnh các nội dung trình bày thảo luận là kiểm điểm, đánh giá về công tác sản xuất kinh doanh, đầu tư, quản trị của Công ty mẹ và của Tập đoàn thông qua người đại diện vốn tại các doanh nghiệp trong thời gian qua. Đồng thời, rà soát mục tiêu quản trị, kết quả cụ thể so với kế hoạch quản trị tại các Khối và đơn vị trực thuộc trong Tập đoàn qua 6 tháng đầu năm, kế hoạch 6 tháng cuối năm và cả năm 2023.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì cuộc họp
Tại buổi họp, đại diện Ban Kinh tế - Đầu tư đã báo cáo về việc thực hiện thông báo kết luận cuộc họp ngày 3/4/2023 về kết quả thực hiện quý I/2023 (Thông báo 2408); Kết quả hoạt động trong tháng 6 và 6 tháng/2023 toàn Tập đoàn, Công ty mẹ - Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc Công ty mẹ - Tập đoàn.
Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Petrovietnam đạt sản lượng khai thác dầu thô 5,3 triệu tấn, vượt 14,3% so với kế hoạch 6 tháng, trong đó khai thác dầu thô trong nước đạt 4,4 triệu tấn, vượt 16,9% kế hoạch 6 tháng và khai thác dầu thô nước ngoài đạt 900 nghìn tấn, vượt 3% kế hoạch 6 tháng; sản lượng khai thác khí đạt 4,16 tỷ m3, vượt 27,1% kế hoạch 6 tháng; sản xuất điện đạt 12,66 tỷ kWh, vượt 4,5% kế hoạch 6 tháng; sản xuất đạm đạt 877,5 nghìn tấn, vượt 10,6% kế hoạch 6 tháng; sản xuất sản phẩm xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 3,53 triệu tấn, vượt 16,6% kế hoạch 6 tháng.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm ước đạt 420.100 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch 6 tháng; nộp ngân sách nhà nước (không bao gồm nhà máy lọc dầu Nghi Sơn) ước đạt hơn 66.000 tỷ đồng, vượt 63% kế hoạch 6 tháng. Trong đó, tổng doanh thu Công ty mẹ - Petrovietnam đạt 106, 472 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với KH 6 tháng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất vượt cao so với kế hoạch 6 tháng; cung cấp ổn định, tối đa các sản phẩm chiến lược: khí, điện, đạm, xăng dầu,… cho đời sống và sản xuất.
Petrovietnam cũng quyết liệt tập trung tháo gỡ các nút thắt đầu tư, quyết tâm xử lý có kết quả các dự án khó khăn, bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Tiêu biểu là các dự án thuộc lĩnh vực điện được tập trung triển khai theo các mốc tiến độ đề ra (Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 đã hoàn thành giai đoạn đầu tư xây dựng và đi vào vận hành thương mại ngày 13/5/2022; Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đã hòa đồng bộ bằng dầu ngày 12/5/2022, bằng than ngày 16/6/2022).
Các dự án trọng điểm (nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, khí lô B) cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác chuyển đổi số được triển khai rộng rãi, hướng tới ứng dụng hiệu quả các hình thức quản lý tiên tiến của hệ thống ERP, tập trung công tác quản trị rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thiện các quy trình quản lý, vận hành doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh.
Để công tác quản trị tại Công ty mẹ - Petrovietnam tiếp tục đạt hiệu quả trong thời gian tới, trên cơ sở kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2023, đại diện Ban Kinh tế- Đầu tư đề xuất, kiến nghị các đơn vị thành viên các Ban/Văn phòng Tập đoàn theo từng lĩnh vực phụ trách rà soát các nhiệm vụ/ chỉ tiêu để làm cơ sở giám sát quá trình hoạt động trong 6 tháng cuối năm 2023 tại tất cả các lĩnh lực hoạt động trong toàn Tập đoàn đảm bảo hoàn thành và hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu sản xuất, tài chính,… phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đề ra.
Sau khi nghe báo cáo tổng hợp từ các Ban chuyên môn, Công ty Điều hành đường ống Tây Nam (SWPOC), Chi nhánh Phân phối sản phẩm Lọc hóa dầu Nghi Sơn (PVN DB), Chi nhánh Phát điện Dầu khí (PVPGB), Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2, Ban QL DA Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1, ý kiến góp ý các Phó Tổng Giám đốc phụ trách và đại diện Hội đồng thành viên Tập đoàn, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đề nghị Công ty mẹ - Tập đoàn tập trung rà soát, phân tích về mặt quản trị đối với các lĩnh vực, kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023, từ đó đánh giá cụ thể, đưa ra các giải pháp, hoàn thành kế hoạch quản trị năm 2023.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đề nghị các ban liên quan cụ thể hóa, đánh giá hiệu quả công việc (KPI) trong từng lĩnh vực theo tháng, quý; rà soát, tổng hợp, kiểm tra đánh giá tất cả các hệ thống quy định pháp luật thay đổi có tác động đến hoạt động của Tập đoàn; kiểm tra quá trình soạn thảo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy chế, quy định; rà soát lại công tác quản lý, giám sát đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại các công trình, dự án trong toàn Tập đoàn; đẩy nhanh việc xây dựng, triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn; tăng cường công tác quản lý dòng tiền, kiểm soát quản trị, rủi ro tài chính, xử lý công nợ; tính toán, dự báo thực hiện kế hoạch năm 2023 và trong 5 năm; thúc đẩy các giải pháp nâng cao hiệu quả SXKD; triển khai chiến lược chuyển đổi số, sáng kiến số, ERP theo lộ trình đã đề ra;...
Tổng Giám đốc Tập đoàn cũng chỉ đạo các công việc cụ thể đối với Công ty mẹ - Tập đoàn, lĩnh vực E&P, lĩnh vực Điện - Năng lượng tái tạo, trong đó nhấn mạnh việc tập trung giữ vững sản lượng và gia tăng trữ lượng khai thác; thúc đẩy công tác đầu tư các dự án trọng điểm; thúc đẩy hình thành các cơ chế, chính sách cho sản phẩm LNG; hoàn thiện hệ thống quản trị tại các nhà máy điện, nhất là nhà máy điện than, tập trung phân tích rủi ro về cơ chế, cân đối nguồn nhiên liệu đầu vào và các hợp đồng mua bán điện; triển khai các dự án dịch chuyển năng lượng, thí điểm phát triển sản xuất Hydrogen xanh, điện gió ngoài khơi;...
Từ các chỉ đạo cụ thể nêu trên, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng mong công tác quản trị tại Công ty mẹ luôn mang tính "đầu tàu", dẫn dắt, triển khai tốt nhất trong hệ sinh thái Petrovietnam.