Nhờ chính sách thu hút đầu tư cởi mở, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Bắc Giang tiếp tục được nhiều Tập đoàn toàn cầu chọn làm "căn cứ" để đầu tư sản xuất lâu dài với lũy kế 7 tháng qua thu hút được hơn 1.550 triệu USD, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ.
Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang vừa thông qua nghị quyết về đồ án quy hoạch 5 khu công nghiệp, với tổng diện tích hơn 1.100 ha trên tổng số 29 khu công nghiệp. Đến nay, có 8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng gần 2.000 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp, dịch vụ là 1.393 ha. Diện tích đất công nghiệp cho thuê lại gần 1.000 ha, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt khoảng 71,4% .
5 khu công nghiệp rộng hơn 1.100 ha
Cụ thể, tỉnh Bắc Giang quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Đức Giang, huyện Yên Dũng (tỷ lệ 1/2000). Phạm vi ranh giới lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính các xã Tư Mại, Cảnh Thụy, Đồng Phúc và xã Đức Giang. Quy mô đồ án khoảng 287,54 ha.
Khu công nghiệp Đức Giang là khu công nghiệp tập trung, đa ngành nghề, có công nghệ hiện đại, tiên tiến, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và lắp ráp; có tính chất công nghệ kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường.
Khu công nghiệp này thu hút các ngành công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất, lắp ráp và chế tạo điện, điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin; cơ khí, sản xuất, lắp ráp, chế tạo máy và tự động hóa; các ngành công nghiệp có công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường.
Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Hòa Phú mở rộng giai đoạn 2 thuộc huyện Hiệp Hòa (tỷ lệ 1/2000). Phạm vi ranh giới lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính xã Mai Đình và xã Châu Minh. Quy mô đồ án khoảng 222 ha.
Đây là khu công nghiệp tổng hợp đa ngành, có công nghệ hiện đại, tiên tiến, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và lắp ráp; có tính chất công nghệ kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường.
Khu công nghiệp Hòa Phú thu hút các ngành công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất, lắp ráp và chế tạo điện, điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin; cơ khí, sản xuất, lắp ráp, chế tạo máy và tự động hóa; công nghiệp tin học, phần mềm; chế biến sâu nông thủy sản, thực phẩm đồ ăn, đồ uống.
Công nhân hăng say làm việc tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công nghiệp Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang (tỷ lệ 1/500). Phạm vi ranh giới lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính xã Đào Mỹ và xã Nghĩa Hưng. Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 151,79ha.
Khu công nghiệp Nghĩa Hưng là khu công nghiệp tổng hợp đa ngành, có công nghệ hiện đại, tiên tiến, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và lắp ráp; có tính chất công nghệ kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường.
Khu công nghiệp này thu hút các ngành công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất, lắp ráp và chế tạo điện, điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin; cơ khí, sản xuất, lắp ráp, chế tạo máy và tự động hóa; công nghiệp tin học, phần mềm; công nghiệp dược, thiết bị y tế.
Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Tiên Sơn - Ninh Sơn, huyện Việt Yên (tỷ lệ 1/2000). Phạm vi ranh giới lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính xã Tiên Sơn, xã Ninh Sơn và xã Vân Hà. Tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 222,98 ha. Trong đó, giai đoạn 1 có diện tích khoảng 89,57 ha nằm tại phía Đông đê sông Cầu hiện hữu (trong Đê). Giai đoạn 2 có diện tích khoảng 133,41 ha nằm tại phía Tây đê sông Cầu hiện hữu (ngoài Đê).
Đây là khu công nghiệp có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường; là khu công nghiệp tập trung, đa ngành, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Khu công nghiệp này ưu tiên thu hút các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị, linh kiện truyền dữ liệu, điện thoại di động, máy vi tính và các thiết bị ngoại vi; sản xuất phần mềm và nội dung số; lắp ráp linh kiện và sản phẩm điện, điện tử, điện lạnh, quang học, viễn thông, ô tô, xe máy và các phương tiện, máy móc, thiết bị có động cơ khác.
Chính sách thu hút đầu tư cởi mở, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh khiến tỉnh Bắc Giang là địa phương vươn lên với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước
Khu công nghiệp Tiên Sơn - Ninh Sơn thu hút công nghiệp sản xuất các sản phẩm cơ khí, máy móc thiết bị, khuôn mẫu, đồ kim hoàn, trang sức; sản xuất kim loại, dụng cụ thể thao, đồ chơi, vật liệu xây dựng, thực phẩm, đồ uống, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm từ giấy, gỗ, nhựa, cao su.
Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Xuân Cẩm - Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa (tỷ lệ 1/2000). Phạm vi ranh giới lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính xã Xuân Cẩm và xã Hương Lâm. Quy mô đồ án khoảng 224,02 ha.
Khu công nghiệp này ưu tiên thu hút các lĩnh vực sản xuất, chế tạo thiết bị điện, điện tử, điện lạnh, cơ khí chính xác, các sản phẩm từ công nghệ, kỹ thuật cao phục vụ các ngành điện tử, công nghệ thông tin; dược phẩm, mỹ phẩm, vaccine, thiết bị y tế; thực phẩm trái cây; sản xuất, lắp đặt các sản phẩm liên quan đến hệ thống điện mái năng lượng mặt trời.
Toàn cảnh KCN Quang Châu (phần mở rộng) với định hướng trở thành KCN tổng hợp đa ngành, KCN công nghệ cao, công nghiệp ít gây ô nhiễm và thân thiện môi trường
Chính sách thu hút đầu tư cởi mở
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn đang "bủa vây" nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh Bắc Giang hiện đang tiếp tục mời gọi thành công nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tới "rót vốn" vào tỉnh.
Trong đó, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Giang cấp mới 13 dự án trong nước, vốn đăng ký 2.045 tỷ đồng, bằng 42,2%; 47 dự án FDI, vốn đăng ký 1.199,5 triệu USD, gấp 4,47 lần; điều chỉnh 13 dự án trong nước, vốn đăng ký tăng thêm 1.338,7 tỷ đồng gấp 12,5 lần; điều chỉnh 22 dự án FDI tổng vốn tăng thêm 206,93 triệu USD, bằng 40,4%.
Trong tháng 7, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 87 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 577 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng có 1.217 doanh nghiệp thành lập, tăng 31,4% so với cùng kỳ; vốn đăng ký 18.427 tỷ đồng, giảm 15,8%; có 1.163 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, không hoạt động tại địa chỉ, chuyển ra khỏi địa bàn, tăng 8,4%.
Mặc dù Bắc Giang không sở hữu những điều kiện tự nhiên lý tưởng, cũng không nằm trong tam giác trọng điểm kinh tế phía Bắc, không sở hữu cảng biển, sân bay hay cửa khẩu lớn. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2023, Bắc Giang đạt được kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Bắc Giang là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về kết quả thu hút nguồn vốn FDI (sau thành phố Hà Nội).
Văn Giang/VOV.VN