• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
21 Tháng Giêng 2025 3:47:28 SA - Mở cửa
Đà Nẵng: Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics
Nguồn tin: Báo Đà Nẵng | 09/07/2023 7:40:00 SA
Đà Nẵng xác định phát triển dịch vụ logistics là một trong những lĩnh vực đặc biệt ưu tiên trong chiến lược phát triển. Tuy nhiên, thành phố còn không ít khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ nhằm phát huy tốt vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics.
 
 
Những kiến nghị cần quan tâm
 
Tháng 5-2023, đoàn công tác của Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng đã trực tiếp đến 14 doanh nghiệp trên địa bàn tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ giải quyết thủ tục hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tại đây, không ít doanh nghiệp phản ánh những kiến nghị liên quan đến vấn đề logistics.
 
Theo Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng (ACV), Cục Hải quan cần kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giúp cảng hàng không mở rộng kho lưu giữ hàng hóa để thu hút hàng hóa và doanh nghiệp đầu tư vào thành phố Đà Nẵng.
 
Trong khi đó, cảng Đà Nẵng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến giải quyết thủ tục hàng hóa thông quan, cụ thể như giảm bớt giấy tờ và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục để giữ khách hàng; phối hợp giải quyết thủ tục thanh lý tờ khai từ xa đối với tờ khai ghép chung container; cơ quan hải quan phối hợp với doanh nghiệp thực hiện áp dụng số hóa trong công tác soi chiếu, đồng thời nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin nhằm bảo đảm cho sự ổn định và khai báo lâu dài cho doanh nghiệp.
 
Đáng chú ý, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) nêu phí nâng hạ container còn cao, ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay... Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những kiến nghị cụ thể mà doanh nghiệp gặp phải, còn về lâu dài, trong tiến trình hội nhập và mở cửa thị trường dịch vụ logistics, đòi hỏi môi trường logistics thành phố phải được cải thiện toàn diện, ngang tầm khu vực.
 
Làm gì để đáp ứng yêu cầu phát triển logictics?
 
Theo thống kê, Đà Nẵng hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia cung ứng các hoạt động liên quan đến dịch vụ logistics và là địa phương đứng thứ 6 trong nhóm 10 tỉnh/thành phố tập trung nhiều doanh nghiệp logistics của cả nước. Đà Nẵng có nhiều trường đại học đào tạo ngành logistics như Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), Đại học Kiến trúc, Đại học Đông Á, Đại học Duy Tân…
 
Thế nhưng, tình trạng thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực qua đào tạo đang là trở ngại lớn đối với việc phát triển lĩnh vực logisics. Cùng với đó, ngành logistics vẫn còn nhiều điểm yếu, trước hết là chịu sự chi phối quá lớn của các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp nội địa chưa liên kết được với nhau và chưa liên kết được với các nhà sản xuất, kinh doanh. Quy mô và tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp nội còn yếu nên thường xuyên bị “ép giá” hoặc có lợi nhuận thấp trong dịch vụ logistics…
 
TS. Võ Duy Nghi, giảng viên Viện quản trị kinh doanh FSB, Đại học FPT, Chủ tịch HĐQT Công ty Amity Logistics đánh giá, ngành logistics Đà Nẵng và Việt Nam nói chung đang thiếu nhân lực có chuyên môn chất lượng cao, giỏi nghiệp vụ, có kiến thức chuyên sâu về quản trị logistics và chuỗi cung ứng trong khi đó lại thừa nhân lực logistics đảm nhận các công việc chuyên môn đơn giản như kho hàng, kiểm đếm, thủ tục hải quan...
 
Một thực trạng đáng lo ngại là các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu là những doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động logistics, ít quan tâm đến công tác tuyển dụng, đào tạo nhân lực phụ trách mảng logistics...
 
Theo đề án “Phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” vừa được phê duyệt, mục tiêu phát triển dịch vụ logistics theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững; từng bước đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics quốc gia, có vai trò quốc tế; là địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây, là mắt xích quan trọng của hành lang vận tải châu Á - Thái Bình Dương.
 
Về vấn đề này, ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ thành phố Đà Nẵng cho rằng, thành phố đang cần nguồn nhân lực logistics chất lượng cao, trong khi hiện tại, phần lớn nguồn nhân lực do doanh nghiệp tự đào tạo; trường đào tạo chuyên ngành cho logistics còn rất hạn chế. Vì vậy, để phát triển dịch vụ logistics của Đà Nẵng, bên cạnh cải thiện môi trường logistics, đầu tư cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng cần phải chú trọng, đẩy mạnh công tác đào tạo về dịch vụ logistics.
 
Mặc dù là một trong những địa phương đi đầu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics trong khu vực, tuy nhiên, việc liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực logistics cũng như chủ động đưa ra kế hoạch đào tạo hằng năm, gắn kết với nhu cầu của các doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
 
Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm. Đồ án Quy hoạch chung điều chỉnh của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 cũng định hướng xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm dịch vụ hậu cần trọng điểm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển Đông của Hành lang kinh tế Đông - Tây.
 

Cổ phiếu liên quan