Livestream shopping hay còn được gọi là mua sắm qua video trực tiếp, xuất phát từ mạng xã hội ở Trung Quốc, đã phát triển thành một thị trường trị giá 512 tỷ USD. Đây là đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Coresight Research.
Nhiều nền tảng lớn đang tìm cách giành thị phần trên thị trường livestream shopping
Với livestream shopping, người bán sẽ giới thiệu và giải thích các đặc tính và chức năng của sản phẩm thông qua video được phát trực tiếp, trong khi người tiêu dùng có thể xem trực tiếp, tương tác và đặt câu hỏi, cũng như thêm sản phẩm vào giỏ hàng và tiến hành mua hàng. Những người có tầm ảnh hưởng cũng có thể thực hiện các phiên livestream để bán sản phẩm của nhiều nhãn hàng khác nhau và nhận tiền hoa hồng cho mỗi giao dịch mua hàng thành công.
Con số ước tính quy mô thị trường nói trên của Coresight Research có thể giải thích vì sao nhiều nền tảng lớn đang chạy đua để giành lấy thị phần trên thị trường này ở Mỹ. Trong báo cáo quý gần đây nhất, Coresight Research dự đoán doanh số bán hàng thông qua livestream (phát trực tiếp) ở Mỹ sẽ đạt 32 tỷ USD vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Deborah Weinswig cho biết ước tính ban đầu nói trên được đưa ra vào đầu năm nay và không tính đến một cách toàn diện thương vụ "gã khổng lồ" Internet của Hàn Quốc Naver thâu tóm nền tảng thương mại diện tử Poshmark. Thời điểm đó, TikTok Shops, một cách thức cho phép người dùng mua sản phẩm ngay trên ứng dụng TikTok mà không cần sang một cửa hàng trực tuyến khác, cũng đang dần có chỗ đứng.
Bà Weinswig tin rằng doanh thu bán hàng livestreaming ở Mỹ có thể dễ dàng đạt 50 tỷ USD trong năm nay. Coresight Research cũng ước tính đến năm 2026, livestream shopping sẽ chiếm hơn 5% tổng doanh số thương mại điện tử tại Mỹ.
TikTok, Poshmark và eBay đều xác nhận đang thử nghiệm hình thức livestream shopping. Trong khi đó, người phát ngôn của Amazon cho hay hàng ngàn người sáng tạo nội dung đã phát trực tiếp thông qua nền tảng bán hàng livestream Amazon Live trong sự kiện Prime Day của Amazon vào tháng 7/2022.
Tuy nhiên, trong khi nhiều nền tảng lớn đang chen chân vào lĩnh vực livestream này, thì Meta lại quyết định ngừng hỗ trợ cho tính năng mua sắm trực tiếp Live Shopping vào tháng 3 vừa qua. Theo bà Weinswig, Meta đang bỏ lỡ xu hướng livestream shopping, và quyết định trên có thể ảnh hưởng đến lượt truy cập và doanh thu quảng cáo của công ty này.
Trong cuộc chiến livestream, TikTok là cái tên đầy tiềm năng, khi nền tảng này có cơ hội rất lớn ở Mỹ với 150 triệu người dùng hoạt động hằng tháng và rất được lòng giới trẻ. Lợi thế công nghệ của TikTok so với các đối thủ là nền tảng này có thể hướng người dùng đến những sản phẩm mà họ có thể muốn mua. Ngoài ra, còn một đặc tính rất lợi hại nữa của TikTok là nền tảng này đã tích hợp toàn bộ quá trình mua sắm cho người dùng trên ứng dụng này, tức người dùng vừa có thể xem livestream, vừa có thể thực hiện mọi công đoạn mua hàng mà không cần phải rời ứng dụng.