Gia đình sống ở Thủ đô, bản thân tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội và có công việc ổn định tại một công ty dược phẩm hàng đầu tại Hà Nội, nhưng Thầy thuốc ưu tú Đỗ Tiến Sỹ, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa đã lựa chọn lên Lào Cai để phát triển vùng trồng dược liệu an toàn.
Dược sĩ Đỗ Tiến Sỹ hướng dẫn người dân thu hoạch hoa, củ cây atiso.
Trong 13 năm kể từ ngày đặt chân lên mảnh đất Lào Cai (năm 2010), ông Sỹ đã góp phần giúp người dân địa phương trồng và duy trì gần 100 ha cây dược liệu, phần lớn là atiso, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Tập huấn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây atiso.
Trước lúc rời công ty “mẹ” Traphaco đến vùng đất mới Lào Cai, dược sỹ Đỗ Tiến Sỹ từng là Phó Trưởng Phòng nghiên cứu của Traphaco, người đồng sáng tạo ra sản phẩm thuốc boganic. Khi bước chân lên Sa Pa xây dựng vùng nguyên liệu atiso phục vụ việc bào chế thuốc boganic, ông mang theo niềm tin lớn lao vào công việc mình làm, về khả năng tạo ra vùng trồng dược liệu quy mô lớn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế ngay tại mảnh đất này.
Người dân Sa Pa có thu nhập cao từ liên kết trồng cây atiso.
Có điều, đường lên Sa Pa khi đó rất khó khăn, chưa được mở rộng được như bây giờ. Ông Đỗ Tiến Sỹ tâm sự: Ngày đó, mỗi lần di chuyển từ Hà Nội lên Sa Pa là mất cả một ngày. Thêm vào đó, việc dời nhà từ Hà Nội lên Sa Pa cũng đồng nghĩa với bỏ lại nhiều mối quan hệ, rồi người thân lo lắng. Điều thuận lợi là vợ con ủng hộ việc ông làm, đó là động lực để ông vượt qua khó khăn.
Sau hơn 1 thập niên làm việc tại đây, ông và các cộng sự đã thay đổi vấn đề canh tác. Sau những nỗ lực của Traphaco Sa Pa và chính quyền địa phương, nhiều vùng đất ở Sa Pa đã được quy hoạch thành những khu vực trồng atiso rộng lớn, có năng suất, chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới về thực hành nuôi trồng và thu hái (GACP-WHO). Sản lượng thu hoạch atiso cũng tăng từ 100 tấn lá tươi lên 2.500 tấn mỗi năm. Diện tích vùng trồng từ 3 ha ban đầu tăng lên gần 100 ha, với gần 200 hộ tham gia vùng trồng.
Dược sỹ Đỗ Tiến Sỹ (phải ảnh).
Sự phát triển của đơn vị cũng tạo sự lan tỏa trong việc bảo tồn các loại cây thuốc quý khác, nhân rộng và thương mại hóa tốt hơn. Đặc biệt, qua đó còn tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Nông dân thu hoạch lá cây atiso.
Việc trồng dược liệu atiso của Traphaco Sa Pa đã góp phần đánh thức tiềm năng của vùng đất, đồng thời đem theo vô số cơ hội khác, làm phong phú đời sống bà con nơi đây cũng như đóng góp vào công cuộc phát triển của địa phương.
Mặc dù doanh thu của Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa mới đạt khoảng 70 tỷ đồng/năm và mức lợi nhuận vài tỷ đồng/năm chưa phải là lớn, nhưng ở địa phương vùng cao còn nhiều khó khăn, thì thành công của dự án nông nghiệp là điều rất có ý nghĩa. Việc phát triển kinh tế vùng dược liệu còn mang lại các lợi ích khác như đảm bảo bình đẳng giới, thông qua quyền làm chủ kinh tế của phụ nữ trong gia đình.
Việc phát triển vùng trồng dược liệu còn giúp bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý, bảo vệ quỹ đất và đa dạng sinh học.