• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
08 Tháng Mười Một 2024 8:55:02 CH - Mở cửa
Đơn hàng sụt giảm kéo lợi nhuận doanh nghiệp thủy sản "đi lùi", tồn kho tăng mạnh
Nguồn tin: BizLive | 02/08/2023 3:29:39 CH

So với mức cao của cùng kỳ năm ngoái, quý II/2023, doanh thu và lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp thủy sản đều giảm mạnh, tồn kho tăng. Song so với quý I/2023, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có cải thiện.

Lợi nhuận từ giảm sâu đến lỗ hàng chục tỷ đồng

Là doanh nghiệp thủy sản đầu ngành, Công ty CP Vĩnh Hoàn (mã VHC) chứng kiến doanh thu quý II/2023 giảm gần 36% so với cùng kỳ, xuống 2.724 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) giảm 47,7%, còn 412 tỷ đồng.

Lý giải về việc lợi nhuận giảm mạnh, Vĩnh Hoàn cho biết do sản lượng bán và giá bán đều giảm.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2023, "nữ hoàng cá tra" ghi nhận doanh thu đạt 4.945 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ và LNST đạt 579 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.

Khó khăn của doanh nghiệp không chỉ phản ánh ở kết quả kinh doanh lao dốc mà còn thể hiện qua việc dòng tiền kinh doanh âm nặng hơn, ở mức hơn 540 tỷ đồng vào cuối quý II, trong khi cùng kỳ âm 289 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư của công ty cũng âm 255 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 423 tỷ đồng nhưng chủ yếu là do tăng nợ vay để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Đến cuối quý II, nợ vay của công ty tăng 423 tỷ đồng so với đầu năm, lên 2.811 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn tăng 472 tỷ, tương đương 21,3% lên 2.686 tỷ và nợ dài hạn giảm 49 tỷ (28%) còn 126 tỷ.

Bên cạnh đó, tồn kho của Vĩnh Hoàn tại thời điểm cuối quý II cũng tăng 33,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.087 tỷ đồng, lên 4.301 tỷ. Công ty đang phải trích lập dự phòng giảm giá 374 tỷ đồng cho khoản tồn kho này.

Cùng ghi nhận kết quả kinh doanh quý II/2023 sụt giảm hai chữ số, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) báo doanh thu thuần giảm 47,6%, xuống 2.350 tỷ đồng và LNST giảm 93,2% so với cùng kỳ, đạt 10 tỷ đồng.

Lũy kế nửa đầu năm, Thủy sản Minh Phú đạt doanh thu thuần 4.472 tỷ đồng, 46,6% và lỗ sau thuế 88 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 242 tỷ.

Và cũng như Vĩnh Hoàn, dòng tiền kinh doanh của công ty đến cuối quý II càng âm nhiều hơn, âm 231 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm gần 33 tỷ đồng. Dòng tiền tài chính cũng chuyển âm 43 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 885 tỷ. Dòng tiền đầu tư bớt âm, còn âm 292 tỷ đồng (cùng kỳ âm 630 tỷ) do giảm nợ.

Thời điểm cuối quý II, nợ vay ngắn hạn của công ty giảm 116 tỷ đồng so với đầu năm, xuống 3.669 tỷ đồng, song nợ dài hạn lại tăng 68 tỷ, lên 201 tỷ nên tổng nợ vay chỉ sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ, ở mức 3.870 tỷ.

Tồn kho của “vua tôm” tại thời điểm cuối quý II tăng 11% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 560 tỷ đồng, lên 5.700 tỷ. Công ty đang phải trích lập dự phòng giảm giá 92 tỷ đồng cho khoản tồn kho này.

Với Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC), quý II/2023, công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.033 tỷ đồng, giảm 26,8% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm từ mức 11,7% về 8,5%, lãi sau thuế 76 tỷ đồng, giảm 35,5% so với quý II năm ngoái.

Lũy kế trong nửa đầu năm 2023, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu đạt 2.041 tỷ đồng, giảm 25,5% so với cùng kỳ và LNST 125 tỷ đồng, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm 30/6/2023, dòng tiền kinh doanh của Thực phẩm Sao Ta ghi nhận âm 395 tỷ đồng (cùng kỳ âm 26 tỷ). Đến cuối quý II, nợ ngắn hạn của Thực phẩm Sao Ta tăng 371 tỷ đồng so với đầu năm, lên 886 tỷ, công ty không có nợ vay dài hạn.

Tồn kho của doanh nghiệp xuất khẩu tôm này tại thời điểm cuối quý II ở mức 1.286 tỷ đồng, tăng 357 tỷ đồng, tương đương 38,4% so với đầu năm. Tồn kho hiện đang chiếm hơn 40% tổng tài sản của công ty.

Một số doanh nghiệp thủy sản khác như Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI), Công ty CP Camimex Group (CMX), Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC), Công CP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex, AFX) hay Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) cũng ghi nhận lãi sau thuế quý II/2023 giảm hàng chục phần trăm so với cùng kỳ, lần lượt đạt 27 tỷ (giảm 88%), 25 tỷ (giảm 47%), 11 tỷ (giảm 35%), 5 tỷ (giảm 70%) và 4 tỷ đồng (giảm 87%).

Trừ ANV, hầu hết lợi nhuận quý II/2023 của các doanh nghiệp thủy sản đã có cải thiện so với quý I/2023

Riêng Công ty CP Nam Việt (Navico, ANV) quý II/2023 lại ghi nhận lỗ sau thuế 51 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 241 tỷ đồng) dù doanh thu trong quý chỉ giảm 17% so với cùng kỳ, còn 1.090 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ đậm nhất của Navico kể từ quý III/2016.

Công ty cho biết, kết quả kinh doanh quý II thua lỗ do sức mua của các nước nhập khẩu giảm, giá bán liên tục giảm mạnh dẫn đến lợi nhuận gộp giảm mạnh.

Giá vốn trong kỳ tăng cao đã khiến lợi nhuận gộp quý II của Navico giảm 89,4% so với cùng kỳ, còn hơn 48 tỷ đồng, kéo biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 35,1%, xuống 4,5%. Doanh thu tài chính trong quý II cũng giảm 53,4%, còn chưa tới 8 tỷ đồng. Trong khi, chi phí tài chính tăng nhẹ 2,7%, lên 46,4 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 57,5%, xuống gần 66 tỷ đồng.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của công ty đạt 2.229 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ và LNST đạt 41 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm cuối quý II/2023, dòng tiền kinh doanh của Navico chuyển sang âm 212 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 471 tỷ đồng. Nợ vay đến cuối quý II của doanh nghiệp tăng 10% so với đầu năm, tương ứng đương 194 tỷ đồng, lên 2.116 tỷ đồng, bao gồm 1.931 tỷ nợ ngắn hạn và 185 tỷ nợ vay dài hạn.

Tính tới 30/6/2023, tồn kho của công tăng 12,4% so với đầu năm, lên 2.623 tỷ đồng, chiếm 48% tổng tài sản (5.481 tỷ).

Le lói tín hiệu "ấm" lại từ một số thị trường xuất khẩu chính

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý II/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng hơn 30% so với quý I, đạt hơn 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, vẫn sụt giảm 27,5%, tương đương mức sụt giảm của quý I.

Lũy kế nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,15 tỷ USD, thấp hơn 27,5% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều sụt giảm đáng kể, trong đó thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc giảm lần lượt 46%, 33% và 22%, khối CPTPP cũng giảm 22%.

Theo VASEP, trong quý II/2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ và Trung Quốc đã có những tín hiệu tích cực, khi giá trị xuất khẩu cao hơn so với quý I. Cụ thể, tại thị trường Mỹ cao hơn 49% và Trung Quốc cao hơn 57%.

VASEP cho biết, vấn đề tồn kho do nhập khẩu quá nhiều và ồ ạt trong năm 2022 đã dần được giải quyết ở Mỹ và Trung Quốc nên hai thị trường này đang có nhu cầu nhập khẩu trở lại, dù chưa mạnh mẽ nhưng đây cũng là một tín hiệu tốt. Trong khi đó, lạm phát vẫn khiến cho người tiêu dùng tại các thị trường khác phải cân nhắc chi tiêu, vì vậy, xuất khẩu thủy sản vẫn chưa có dấu hiệu đột phá ở Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và các thị trường khác.

VASEP kỳ vọng thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ sẽ phục hồi từ nửa cuối năm do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm tăng. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, dự báo nhu cầu tăng nhẹ từ cuối quý III.

Cũng theo VASEP, những năm gần đây, bối cảnh thị trường có nhiều yếu tố bất lợi đã khiến Việt Nam mất dần vị thế tại các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, trước các nước khác có lợi thế về nguồn cung, giá thành sản xuất thấp, giá bán cạnh tranh như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia,…

Trong khi đó, nhờ lợi thế về thuế nhập khẩu, thế mạnh về chế biến sâu, chế biến hàng giá trị gia tăng và vị trí địa lý, sản phẩm thủy sản Việt Nam vẫn giữ vị trí hàng đầu ở nhiều thị trường trong khối CPTPP.

Thuế nhập khẩu hầu hết các sản phẩm thủy sản Việt Nam sang các nước CPTPP đã về 0% hoặc đã được hưởng sẵn mức thuế cơ bản 0%. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã và đang tận dụng lợi thế này để gia tăng thị phần tại các thị trường trong khối CPTPP.

VASEP nhận định, dư địa ở khối thị trường CPTPP vẫn còn nhiều đối với thủy sản Việt Nam. Song để tận dụng được dư địa, doanh nghiệp thủy sản cần ổn định nguồn nguyên liệu trong nước cũng như đa dạng nguồn cung nhập khẩu từ các nước nội khối, xây dựng kế hoạch phù hợp.

Đinh Thơm

Cổ phiếu liên quan

Công ty
Giá
Tin tức