Đồng Nai là một trong những tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhiều nhất cả nước. Tuy vậy, địa phương vẫn đề xuất bổ sung thêm quỹ đất để phát triển khu công nghiệp qua đó thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2023 do Báo Đầu tư tổ chức mới đây (24/8), bà Dương Thị Xuân Nương, Phó Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Đồng Nai (DIZA) cho biết, Đồng Nai sẽ có thêm quỹ đất khu công nghiệp cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào tỉnh.
Theo bà Nương, Đồng Nai nằm trong vùng Đồng Bằng Nam Bộ, cũng là vùng phát triển đi đầu trong phát triển hạ tầng khu công nghiệp.
Đến nay, Đồng Nai đã phát triển được 33 khu công nghiệp. Trong đó, có 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút nhà đầu tư. Riêng 1 khu công nghiệp còn lại đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng cơ bản sau khi được Chính phủ phê duyệt quỹ đất.
Tổng quỹ đất của 33 khu công nghiệp đã được hình thành và đi vào hoạt động là 10.514 hectc. Trong năm 2020 vừa qua, Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch thêm cho 8 khu công nghiệp mới cho Đồng Nai, với tổng quỹ đất 8.600 hecta. Trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp này tại Đồng Nai, có vốn đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản vào trong các khu công nghiệp trên.
"Đồng Nai đã có sự chuẩn bị để đón dòng vốn đầu tư mới. Đồng Nai luôn có sự chuẩn bị sẵn sang để thu hút các nhà đầu tư mới vào các khu công nghiệp của tình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kể từ năm 2020 việc thu hút đầu tư đã có xu hướng chững lại", bà Nương cho biết.
Vì thế, làm thế nào để thu hút được nguồn vốn của nhà đầu tư và dòng vốn đầu tư mới vào các khu công nghiệp tại cải thiện hơn là câu hỏi đang được lãnh đạo Đồng Nai quan tâm và đặt ra cũng như phải nhận diện được vấn đề. Nhưng trong đó, vấn đề quỹ đất còn lại ở các khu công nghiệp của tỉnh không còn nhiều.
Cũng theo bà Nương, hiện khoảng 85% quỹ đất của 32 khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai đã được lấp đầy. Từ việc nhận diện được vấn đề này thì vấn đề đặt ra làm thế nào để thu hút được dòng vốn mới tiếp theo trước hết phải có thêm được quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư vào khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai.
Trên cơ sở vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng của Đồng Nai đang có thì cũng cần có thêm quỹ đất lớn. Từ đó, mới có thể thu hút được các nhà đầu tư mới, các nhà đầu tư đòi hỏi quỹ đất lớn.
Trên cơ sở này, tỉnh Đồng Nai sẽ có đề xuất lên các cơ quan ban ngành để có thêm quỹ đất mới có khu công nghiệp thì mới có thể thu hút được nhà đầu tư mới.
Thực tế, Đồng Nai cũng là tỉnh đi đầu trong việc phát triển các khu công nghiệp và thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp. Chúng tôi cũng từng bước nỗ lực làm sao để đem lại lợi ích và quyền lợi tốt nhất cho nhà đầu tư.
Trong đó, việc chuẩn bị quỹ đất để có thể giao đất sớm nhất cho các nhà đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng… luôn được tỉnh Đồng Nai quan tâm.
Đồng thời, lãnh đạo Đồng Nai cũng luôn quan tâm, gặp gỡ các nhà đầu tư để có thể trao đổi, lắng nghe tâm tư của nhà đầu tư. Từ đó, có thể nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc mà nhà đầu tư đang gặp phải.
Cần thiết đẩy mạnh sự phát triển của các khu công nghiệp
Đến nay, trên cả nước đã hình thành hệ thống hơn 400 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 128.000 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt trên 86.000 ha. Các khu công nghiệp được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng với chất lượng quốc tế.
Cũng tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang phối hợp với các địa phương, các tổ chức liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.
Để có cơ sở nghiên cứu, xây dựng các chính sách mới, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển của các khu công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn được lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến các đặc thù của hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản khu công nghiệp so với các loại bất động sản khác; Xu hướng đầu tư vào các khu công nghiệp; Các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của các khu công nghiệp trong nước trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh Báo Đầu tư.
Theo ông Phương, chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể như tăng 50% số lượng Tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới; Nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Hoa Kỳ…) trong tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021 - 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 - 2030;
Đặc biệt, đến năm 2030 nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.
“Để đạt được những mục tiêu nêu trên, việc đẩy mạnh sự phát triển của các khu công nghiệp là hết sức cần thiết”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.