• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
08 Tháng Mười Một 2024 10:16:55 CH - Mở cửa
Góp vốn đầu tư chung: Tiền mình đi bỏ túi người, rồi sao?
Nguồn tin: Báo Dân trí | 26/08/2023 8:25:00 CH
Với tâm lý muốn bỏ vốn kiếm lợi nhuận và không phải tự tay kinh doanh, không ít nhà đầu tư đã rơi vào cạm bẫy "tiền mình bỏ túi người".
 
Câu chuyện về những lời mời kêu gọi góp vốn, đầu tư chung, cùng nhau làm giàu… có thực sự đáng tin hay không không còn là chủ đề mới. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm, vấn đề này lại mang tính thời sự khác nhau.
 
Sau khi trải qua 2 năm kinh tế đóng băng vì Covid-19, không ít người có xu hướng tìm những kênh đầu tư mới với tâm lý không muốn để tiền nhàn rỗi phí hoài.
 
Không ít người tìm thấy cánh cửa tương lai từ những lần hợp tác đầu tư đúng đắn nhưng cũng có không ít người rơi vào cảnh khó xử khi "tiền mình bỏ túi người".
 
 
 
 
Đầu tư với doanh nghiệp: Đừng chỉ nhìn cái lợi
 
Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia tài chính Doctor Housing (Nguyễn Duy Chuyền) nói, lý do nhiều người chọn góp vốn đầu tư với doanh nghiệp mà không tự làm bởi muốn có lợi nhuận nhưng không phải làm gì ngoài việc bỏ tiền ra. Đây là tâm lý muốn kinh doanh nhưng làm biếng.
 
"Họ chỉ nhìn vào cái lợi của việc góp vốn chung chứ không nhìn ra cái hại. Người đi gọi vốn người ta sẽ không nói ra cái hại cho bạn biết đâu", chuyên gia nói.
 
Anh cho rằng khi đầu tư với doanh nghiệp, thường các công ty sẽ đưa ra cam kết lợi nhuận khi kêu gọi vốn. Tuy nhiên, hiện tại, ở Việt Nam, chưa có công ty nào, gồm cả tập đoàn lớn, thực hiện được lời hứa ban đầu.
 
Lời khuyên của chuyên gia là người đầu tư đã thực sự hiểu về mô hình kinh doanh mà mình chuẩn bị bỏ tiền ra hay chưa, mô hình đó gồm ưu điểm, khuyết điểm gì, thị trường nào sẽ tiêu thụ sản phẩm mà công ty của bạn đang sản xuất, lợi nhuận của công ty được tạo ra từ đâu…
 
Tiếp theo, khi chúng ta bỏ ra một khoản tiền như vậy để góp vốn, nếu mô hình thành công thì quá dễ dàng, còn nếu thất bại, bạn có sẵn sàng mất trắng hay không?
 
"Đừng hy vọng người kêu gọi vốn sẽ trả lại bạn tiền. Có nhiều lý do để mô hình kinh doanh mà bạn đầu tư phải chấm dứt giữa chừng, bạn có chấp nhận tất cả lý do thất bại đó hay không? Nếu chấp nhận, hãy thử nghiệm", anh chia sẻ.
 
Ngoài ra, theo anh, hầu hết công ty cam kết lợi nhuận đều không thực hiện được. Nếu làm được, họ đã vay ngân hàng và chịu lãi suất 8% một năm mà không phải đi kêu gọi vốn, dùng tiền của các bạn và trả lãi suất 20-30% như vậy.
 
Trên thị trường vẫn tồn tại những mô hình kinh doanh tốt, có tương lai phát triển. Tuy nhiên, vấn đề then chốt nằm ở người đầu tư. Người đầu tư phải nắm rõ mô hình mà mình sắp tham gia đầu tư, hiểu rõ về cách thức kinh doanh và những con số liên quan đến lợi nhuận, rủi ro.
 
Bên cạnh đó, anh cho rằng, ở Việt Nam, luật pháp chưa đủ chặt chẽ để răn đe, xử phạt những người kêu gọi vốn, lừa đảo góp vốn đầu tư chung nên mô hình này ngày càng nở rộ. Nếu người đầu tư không sáng suốt sẽ dễ gặp phải những công ty lừa đảo.
 
"Khi tiền bạn bỏ vào túi người khác, người ta sử dụng thế nào bạn không thể kiểm soát được", chuyên gia nói.
 
Mọi người thường dựa vào uy tín của người kêu gọi vốn để quyết định xuống tiền, mà không quan tâm đến vấn đề cốt lõi là công ty đó đang hoạt động như thế nào. Có không ít chủ doanh nghiệp kêu gọi vốn và dùng tiền đó đi du lịch vòng quanh thế giới, mua nhà đẹp, xe sang để làm hình ảnh và không hề sử dụng để kinh doanh.
 
Nhà đầu tư nên hướng đến mục tiêu lâu dài, ổn định
 
Chia sẻ với phóng viên, chị Chung Vũ Thanh Uyên - đại sứ nền tảng cộng đồng phụ nữ Money With Mina chuyên về tài chính và sự nghiệp - cho rằng góp vốn chung có nghĩa rằng nhà đầu tư không đủ vốn để tự mua trọn một tài sản đầu tư (chứng khoán, góp vốn công ty, bất động sản….) thì họ sẽ dùng cách góp vốn với người khác.
 
Với những trường hợp góp vốn chung truyền thống như anh chị em, bạn bè cùng nhau góp vốn đầu tư, mở công ty, mua chung một bất động sản, nếu tài sản đó gặp vấn đề, mối quan hệ của những người góp vốn chung cũng có thể lung lay. Những kênh truyền thống như quỹ đầu tư đại chúng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... cũng là dạng góp vốn chung đầu tư.
 
Mở rộng hơn, hiện nay, có nhiều nền tảng dùng công nghệ xây dựng cơ sở hạ tầng minh bạch và nhanh chóng phục vụ cho việc kêu gọi góp vốn với quy mô lớn hơn. Ví dụ: Fintech cho cổ phiếu lẻ, vay ngang hàng P2P, Proptech chia nhỏ bất động sản; Crowd funding giúp các cá nhân góp tiền của họ vào dự án hay sáng kiến cho nhà sáng lập hay tổ chức nào đó.
 
Trong trường hợp này, người góp vốn cũng cần tìm hiểu, có kiến thức, nắm rõ thông tin về các mô hình này trước khi bản thân chuẩn bị góp vốn.
 
Trước khi đặt tiền, người có nhu cầu góp vốn cần biết mục tiêu mình là gì và tự đưa ra quyết định có nên góp vốn hay không. Theo chị Thanh Uyên, ở Việt Nam, nhiều người có xu hướng nghe theo người khác (xu hướng đám đông). Cũng chính từ tâm lý này, người đầu tư có thể gặp rủi ro nhất định vì họ đầu tư vào những gì mình không biết.
 
 
 
 
Theo chị, có không ít nền tảng kêu gọi vốn trá hình dưới những cơ sở uy tín trên thị trường. Vấn đề nằm ở nhà đầu tư rằng họ có biết rõ về mô hình đó hay không. Có nhiều trường hợp nhà đầu tư đã nắm khá rõ về mô hình nhưng vẫn gặp rủi ro, huống chi là đầu tư vào những gì mình không biết.
 
"Tôi luôn đầu tư với tâm thế mình là nhà đầu tư lâu dài, ổn định, từ đó tôi sẽ lựa chọn được kênh đầu tư lâu dài ổn định cho mình. Mọi người hãy quay lại nhìn về mục tiêu của bản thân là đầu tư lâu dài hay lướt sóng muốn giàu nhanh", chị Thanh Uyên chia sẻ.
 
Với những lời mời gọi, hứa hẹn về việc làm giàu nhanh chóng, dễ làm giàu, người đầu tư có thể đặt câu hỏi rằng nếu dễ, tại sao người kêu gọi vốn không tự làm mà lại phải kêu gọi người khác. "Không có bữa ăn nào là miễn phí, những lời mời gọi lọt lỗ tai thường không xảy ra. Đầu tư là có rủi ro, không có cơ hội nào là dễ dàng", chị nói.
 
Chị Thanh Uyên cho rằng việc gửi tiết kiệm ngân hàng rủi ro thấp nhưng lợi nhuận thấp, với những kênh đầu tư lợi nhuận cao sẽ đi kèm rủi ro cao.
 
"Nếu muốn đạt được mục tiêu tài chính lâu dài, nghỉ hưu sớm, có dòng tiền ổn định, bạn buộc phải đầu tư. Câu hỏi ở đây là đầu tư vào kênh gì. Mọi người nên đầu tư vào những thứ mà mình biết, hãy tự mình quyết định vào việc đầu tư mà không phải nghe từ người khác và hãy dựa vào kinh tế hiện tại của bản thân như thế nào khi sử dụng tín dụng đòn bẩy", chị Thanh Uyên khẳng định.
 
Ngoài ra, với công nghệ, sẽ còn nhiều mô hình mới phức tạp và tinh vi nhưng cũng sẽ cho nhiều cơ hội để đầu tư kiểu vốn ít, nhà đầu tư cần giúp bản thân mình hiểu biết về tài chính trước khi bấm gửi bất cứ số tiền đầu tư nào qua một tài khoản thứ 3.
 
Theo Dân trí