Chính sách tiền tệ Việt Nam từ cuối 2022 tới nay diễn biến một chiều với mức độ ngày càng mạnh hơn: chặt chẽ, chắc chắn rồi linh hoạt nới lỏng. Với diễn biến lãi suất giảm mạnh và tín dụng được mở rộng hơn, dòng tiền rẻ dự báo sẽ sớm đổ vào nền kinh tế, nhất là từ quý III/2023, mang lại nhiều hy vọng cho lĩnh vực bất động sản và đầu tư chứng khoán.
Thông điệp nới lỏng
Kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời và hiệu quả hơn. Chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng hơn được thể hiện chủ yếu thông qua tăng cung tiền, tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay.
Theo Thủ tướng, chủ trương này đã được chỉ đạo từ tháng 10/2022 đến nay theo hướng chuyển chính sách tiền tệ từ “chặt chẽ” trước tháng 10/2022 sang “chắc chắn” từ tháng 10/2022 và tiếp tục chuyển sang “linh hoạt, nới lỏng hơn” trong điều kiện hiện nay. Ngân hàng Nhà nước đã làm nhưng cần làm mạnh hơn nữa. Với mục tiêu cụ thể: tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay; tăng tín dụng; tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh.
Thông điệp này được người đứng đầu Chính phủ nhắc lại tại buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ vài ngày sau đó. Thủ tướng yêu cầu ngân hàng nghiên cứu nới các điều kiện vay, hạ thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời hơn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành 4 lần từ 0,5% - 2%. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022). Tuy vậy, dư nợ tín dụng mới tăng 4,2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo kỳ vọng cả năm 2023 là 14% - 15%.
Các số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, thanh khoản các ngân hàng hiện rất dồi dào. Dư nợ cho vay hiện khoảng 12,4 triệu tỷ đồng thì dư nợ tiền gửi là 12,6 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ngày 29/6 đã giảm về còn 0,39%/năm. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022. So với mức trên dưới 4%/năm vào hồi đầu tháng, chi phí vay mượn qua đêm giữa các ngân hàng hiện chỉ bằng 1/10.
Báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt nhận định Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng trong bối cảnh các áp lực về lạm phát, tỷ giá, thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu phần nào đã đi qua. Sự dồi dào về thanh khoản của hệ thống ngân hàng không chỉ trên thị trường liên ngân hàng mà đã ngấm sâu sang thị trường 1 khi lãi suất huy động liên tục giảm sâu. Vào thời điểm đầu tháng 7/2023, lãi suất cao nhất mà các ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng là 7,6%/năm, thậm chí nhiều ngân hàng tư nhân đưa lãi suất huy động 6 tháng xuống dưới 7%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động tại các ngân hàng tư nhân đã giảm 2-2,5 điểm % so với giai đoạn cao điểm hồi cuối tháng 1.
Ông Quản Thành Thành - Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank, cho rằng tín hiệu tích cực từ lạm phát là cơ sở giúp chính sách tiền tệ nới lỏng thêm. Áp lực tăng trưởng cũng khiến nhà điều hành chính sách đặt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giảm lãi suất. Lãi suất điều hành có thể giảm thêm ít nhất là 0,5% nữa trong vòng ba tháng tới.
HSBC Việt Nam dự báo, trong quý III/2023, lãi suất điều hành có thể sẽ giảm thêm 0,5%, đưa lãi suất điều hành của Việt Nam xuống 4%/năm. Standard Chartered cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 0,5%, xuống 4% trong quý III/2023, bằng mức lãi suất trong những năm xảy ra đại dịch Covid-19 và giữ nguyên cho đến cuối năm 2025.
Chứng khoán mong, bất động sản đợi
Theo ông Quản Trọng Thành, các yếu tố tác động trực tiếp đến xu hướng của thị trường chứng khoán là lãi suất, thanh khoản và sự kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc chuyển trạng thái từ thắt chặt sang nới lỏng hơn với mức lãi suất giảm và thanh khoản bắt đầu quay trở lại, giúp cho thị trường phục hồi tốt trong giai đoạn vừa qua. Quan sát thị trường có thể nhận thấy, lãi suất giảm giúp cho thanh khoản duy trì ở mức 700 - 800 triệu USD/ngày là khả thi và có thể giúp thị trường tăng trưởng thêm.
Phân tích của Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng từ giờ cho đến cuối năm và thậm chí là năm sau vẫn còn kỳ vọng cho việc tăng điểm của thị trường, dựa trên cơ sở các chính sách về mặt tiền tệ, tài khóa đều đang hỗ trợ cho tăng trưởng nhiều hơn. Dòng tiền trong nước có dấu hiệu quay trở lại kênh chứng khoán trong bối cảnh lãi suất giảm.
Các chuyên gia của VNDIRECT tin rằng: “Trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục giảm sâu, dòng tiền sẽ không rút khỏi thị trường mà tiếp tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Do đó, mặc dù các chỉ số chứng khoán có thể chưa bứt phá mạnh ở thời điểm hiện tại nhưng một số nhóm cổ phiếu vẫn có thể hút dòng tiền và ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung”.
Với bất động sản, TS Phạm Anh Khôi, Viện nghiên cứu Kinh tế, tài chính, bất động sản Dat Xanh Services (FERI) cho rằng, quý III/2023 là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn; đây cũng sẽ là thời điểm quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không. Theo đó, nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư chưa được khôi phục thì có thể nguồn tiền này vẫn tiếp tục ở lại hệ thống ngân hàng; nếu thị trường ấm lên, lãi suất huy động giảm xuống mức 6% - 7% vào thời điểm cuối năm nay hoặc thậm chí là không giảm thì nguồn tiền khả năng cao sẽ ưu tiên quay trở lại thị trường bất động sản.
Với thực tế nguồn cung bất động sản vẫn tiếp tục khan hiếm trong khi lãi suất đã “hạ nhiệt”, “room” tín dụng đã mở, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tin rằng, dòng tiền đầu tư, mua nhà ở thực sẽ sớm quay lại thị trường địa ốc. Trong khi đó, theo báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản về các xu hướng nửa cuối năm 2023 của PropertyGuru, người tham gia khảo sát có dự định mua bất động sản trong một năm tới chiếm 61%. Trong số đó, 59% có nhu cầu mua để đầu tư và đất nền là loại hình được người mua tiềm năng hướng đến nhiều nhất (40%), sau đó mới đến chung cư (28%) và nhà riêng (21%).
Tuy vậy, PGS.TS Đỗ Hoài Linh, Phó trưởng Bộ môn Ngân hàng thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết một yếu tố cần phải lưu ý là khi giảm lãi suất vô hình trung tạo ra những nguồn vốn rẻ, nhà nước sẽ phải kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn này để đảm bảo tiền thực sự đi vào sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, để tránh vốn phân bổ quá nhiều vào những lĩnh vực đầu tư gây ra rủi ro và mất an toàn của hệ thống.
Phong Linh