Trong quản lý xuất nhập khẩu, chỉ trong vòng 8 tháng, từ tháng 6/1979 đến tháng 02/1980 đã có 2 văn bản khuyến khích xuất khẩu.
Nhập khẩu hàng tại Cảng Hải Phòng tháng 10/1977 (Ảnh: TTXVN)
2 văn bản khuyến khích xuất khẩu
Khuyến khích xuất khẩu những năm 70-80 của thế kỷ trước được Bộ Ngoại thương quan tâm. Theo đề nghị của Bộ trưởng Ngoại thương, ngày 21/6/1979 Chính phủ ban hành Nghị định 227-CP; tiếp đến ngày 7/02/1980 ban hàng tiếp Nghị định 40-CP.
Cả hai Nghị định này đưa ra hàng loạt chính sách mang tính “khép kín”, từ đầu tư dây chuyền thiết bị chế biến hàng xuất khẩu, khai thác nguồn hàng xuất khẩu, đến cung ứng nguyên liệu, vật tư cần thiết, cho vay ngoại tệ, lập danh mục các loại nông sản, lâm sản thuộc diện Nhà nước khuyến khích xuất khẩu, có chính sách ưu đãi về giá trong thu mua hàng xuất khẩu, chế độ thuế và trợ cấp đối với sản phẩm xuất khẩu, thưởng khuyến khích sản xuất và giao hàng xuất khẩu…
Trong đó có 4 chính sách được cho là tạo động lực khuyến khích xuất khẩu của kế hoạch 5 năm lần thứ III, 1981 - 1985.
Thứ nhất, Nhà nước phân phối cho Bộ Ngoại thương số vật tư cần thiết để lập một quỹ hàng hóa đặc biệt gọi là Quỹ hàng hóa khuyến khích hàng xuất khẩu. Ngoài ra, Bộ Ngoại thương cũng được Nhà nước phân phối ngoại tệ để nhập các vật tư cần thiết nhằm bổ sung quỹ hàng hóa khuyến khích xuất khẩu. Quỹ này bán vật tư với giá ưu đãi cho các hợp tác xã và hộ sản xuất hàng xuất khẩu.
Các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất hoặc hộ nông dân riêng lẻ ở những vùng nông nghiệp không chuyên canh và những vùng khai thác lâm sản phân tán không thuộc diện được hưởng chế độ cung ứng lương thực và vật tư, nếu có sản phẩm nông sản, lâm sản xuất khẩu bán cho Nhà nước thì được Bộ Ngoại thương cùng với các Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh có sản phẩm xuất khẩu nghiên cứu và đề xuất Hội đồng Chính phủ bán lại một số lương thực, tư liệu sản xuất hoặc hàng tiêu dùng trị giá từ 5% đến 20% giá trị tính bằng ngoại tệ của sản phẩm xuất khẩu đã bán cho Nhà nước.
Thứ hai, thưởng khuyến khích sản xuất và giao hàng xuất khẩu, gồm 2 loại, thưởng bằng tiền Việt Nam nhằm tăng thêm cho 3 quỹ mà xí nghiệp được trích lập, và thưởng bằng quyền sử dụng ngoại tệ để nhập những tư liệu sản xuất hoặc hàng tiêu dùng thật cần thiết.
Hàng năm, Bộ Ngoại thương căn cứ vào yêu cầu của thị trường thế giới và điều kiện sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, quyết định tỷ lệ thưởng có thể cho từng loại mặt hàng xuất khẩu thực hiện đạt mức hoặc vượt mức kế hoạch.
Mức thưởng bằng tiền Việt Nam đối với sản phẩm chưa qua chế biến hoặc sản phẩm làm bằng nguyên liệu trong nước, đơn vị sản xuất thực hiện đầy đủ hợp đồng giao hàng theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, được thưởng từ 2% đến 3% giá trị của hợp đồng; đơn vị thực hiện vượt mức hợp đồng và chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, được thưởng từ 3% đến 5% trị giá hàng giao vượt mức.
Thừa nhận quyền xuất nhập khẩu của địa phương
Thứ ba, Nhà nước chính thức thừa nhận một phần quyền xuất nhập khẩu của địa phương mà trước đó bị coi là bất hợp pháp. Trong đó, hàng xuất khẩu do Nhà nước giao chỉ tiêu gồm những hàng do các xí nghiệp quốc doanh trung ương sản xuất và cung cấp cho xuất khẩu, những hàng mà Nhà nước giao chỉ tiêu thu mua và xuất khẩu, những mặt hàng tập trung và những hàng mà Nhà nước đã cam kết với nước ngoài, theo các hiệp định về hợp tác sản xuất hoặc hợp tác kinh tế; hàng xuất khẩu của địa phương gồm những loại hàng mà Nhà nước không giao chỉ tiêu, do địa phương tận dụng các tiềm lực kinh tế của mình để phát triển sản xuất nhằm tăng nguồn hàng xuất khẩu và những mặt hàng vượt mức chỉ tiêu giao nộp sản phẩm cho Nhà nước.
Đối với những địa phương có điều kiện địa lý thuận lợi để kinh doanh xuất khẩu (các thành phố, cảng quốc tế) và có cán bộ biết kinh doanh xuất khẩu, thì Bộ Ngoại thương thừa nhận cho trực tiếp giao dịch và ký hợp đồng với các công ty nước ngoài, Bộ Ngoại thương chỉ quản lý, chỉ đạo về chính sách, nghiệp vụ.
Đối với những địa phương không có điều kiện trực tiếp giao dịch và ký hợp đồng với nước ngoài thì có thể áp dụng phương thức gửi công ty chuyên doanh thuộc Bộ Ngoại thương xuất khẩu giúp (ủy thác xuất khẩu) hoặc phương thức bán cho các công ty chuyên doanh để xuất khẩu.
Thứ tư, lần đầu tiên Ngân hàng ngoại thương được phép thành lập quỹ ngoại tệ đặc biệt để cho vay nhằm phát triển sản xuất hàng xuất khẩu gọi tắt là quỹ ngoại tệ xuất khẩu. Nguồn vốn của quỹ ngoại tệ xuất khẩu gồm vốn tự có của ngân hàng; vốn ngân hàng vay nước ngoài; ngoại tệ của Nhà nước bổ sung cho quỹ (bằngkhoản trích 5% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường tư bản chủ nghĩa); và, lãi ngân hàng thu được từ việc cho vay phục vụ xuất khẩu.
Đối với các mặt hàng được ghi vào kế hoạch xuất khẩu sang thị trường tư bản chủ nghĩa, Nhà nước bảo đảm cung ứng nguyên liệu và vật tư; trong trường hợp Nhà nước thiếu ngoại tệ để nhập khẩu, các đơn vị sản xuất hoặc tổ chức ngoại thương kinh doanh sản xuất được vay của quỹ ngoại tệ xuất khẩu để nhập những nguyên liệu, vật tư cần thiết cho sản xuất.
Đào Mạnh Đức