Hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau (mã cổ phiếu DCM) được dự báo sẽ phục hồi rõ rệt trong những tháng tới khi giá và nhu cầu tiêu thụ phân bón, đặc biệt là phân ure, hồi phục.
Giá phân bón trong nước có thể tăng thêm 30%
Theo đánh giá mới đây của BSC Research, triển vọng kinh doanh của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM – sàn HoSE) có dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn trong nửa cuối năm 2023 nhờ nhu cầu tiêu thụ và giá phân bón hồi phục.
Cụ thể, doanh thu thuần và lãi ròng của Đạm Cà Mau trong quý 2/2023 lần lượt giảm 19% và giảm 72% so với quý 2/2022, chủ yếu do giá bán bình quân các sản phẩm thấp hơn tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu tiêu thụ phân ure trong nước của Đạm Cà Mau trong quý 2/2023 đã tăng 28% so với quý 1/2023. (Nguồn: Đạm Cà Mau, BSC Research)
Tuy nhiên, nếu so với quý 1/2023, kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau đã có những tín hiệu tích cực khi doanh thu thuần tăng 20% nhờ sản lượng bán hàng tăng lên; tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, giúp tỷ lệ chi phí SG&A trên doanh thu thuần giảm tới 9,5% điểm cơ bản; và doanh thu tài chính tăng nhờ lãi tiền gửi tăng tới 22%. Những yếu tố này đã giúp lãi ròng quý 2/2023 của Đạm Cà Mau đạt 289 tỷ đồng, tăng 26% so với quý 1/2023.
Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ phân ure trong nước của Đạm Cà Mau trong quý 2/2023 đạt 168.000 tấn, tăng 28% so với quý 1/2023, chủ yếu nhờ nhu cầu phân bón tại Đồng bằng sông Cửu Long cải thiện khi bước vào mùa xuống giống và giá gạo neo ở mức cao kích thích nhu cầu bón phân của nông dân.
Diễn biến giá phân ure của Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ tại thị trường trong nước thời gian vừa qua. (Nguồn: Wichart, BSC Research)
Mặt bằng giá phân ure trong nước trong quý 2/2023 duy trì ở mức thấp 9.000 – 9.500 đồng/kg, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, theo BSC Research, mức giá phân ure hiện nay đã tăng thêm 15% so với thời điểm cuối tháng 6/2023 nhờ giá phân bón thế giới tăng và nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng.
BSC Research hiện nhận định giá phân bón trong nước sẽ duy trì xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2023 để bắt kịp đà tăng của giá phân ure thế giới (đã tăng hơn 30% từ mức đáy của tháng 6/2023). Dự kiến giá phân ure trong nước có thể tăng lên mức 11.500 – 11.800 đồng/kg, tương ứng 25 – 30% so với mức đáy đầu tháng 6/2023.
Về phía nhu cầu tiêu thụ, dự báo nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ: nhu cầu chăm bón trong mùa vụ Hè Thu tại khu vực miền Trung và Đông Xuân tại khu vực phía Bắc (mùa vụ chính trong năm) và giá phân bón đã giảm về mức thấp trong bối cảnh giá gạo neo ở mức cao đã cải thiện khả năng chi trả của người nông dân.
Kỳ vọng nhu cầu Ure cải thiện nhờ khả năng chi trả của người nông dân tăng khi giá bán nông sản được cải thiện. (Nguồn: Bloomberg, BSC Research)
Kỳ vọng hoạt động xuất khẩu phục hồi, cổ phiếu DCM “trần cứng”
BSC Research cũng nhận định hoạt động xuất khẩu phân bón của Đạm Cà Mau sẽ phục hồi rõ rệt trong nửa cuối năm 2023 so với mức nền thấp trong giai đoạn 6 tháng đầu năm nay, nhờ: Ai Cập – quốc gia xuất khẩu phân bón lớn đã cắt giảm lượng khí dành cho sản xuất phân ure và Ấn Độ - thị trường nhập khẩu phân bón lớn trên thế giới có động thái tăng nhập khẩu phân ure cho mùa vụ cuối năm.
Đáng chú ý, nhận định này của BSC Research được đưa ra khi chưa có thông tin giới chức Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân ure. Cụ thể, ngày 7/9, hãng tin Bloomberg dẫn một số nguồn tin cho biết cơ quan chức năng Trung Quốc đã yêu cầu một số nhà sản xuất phân bón nước này tạm dừng xuất khẩu phân ure sau khi giá phân ure trên thị trường nội địa nước này tăng vọt.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có CNAMPGC Holding, một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất Trung Quốc, công bố kế hoạch hạn chế xuất khẩu phân ure để đảm bảo nguồn cung và duy trì giá phân bón ở mức ổn định.
Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới. Do đó, bất kỳ động thái hạn chế nguồn cung nào ra thị trường quốc tế từ Trung Quốc có thể đẩy giá mặt hàng này tăng cao hơn.
Theo đánh giá của BSC Research, Đạm Cà Mau là một trong những doanh nghiệp phân bón hàng đầu với triển vọng cải thiện lợi nhuận mạnh mẽ trong năm 2024 nhờ nhu cầu phân bón cải thiện trong bối cảnh chi phí khấu hao giảm mạnh (dự kiến đóng góp 67% tăng trưởng lợi nhuận ròng 2024).
Trên thị trường chứng khoán, tính đến 10h30 ngày 8/9, giá cổ phiếu DCM đã tăng “kịch biên độ” khi nhiều thông tin tích cực cùng lúc xuất hiện, đạt 33.850 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, sau đợt điều chỉnh giảm cuối tháng 8 vừa qua, cổ phiếu DCM đã có nhịp phục hồi ấn tượng với mức tăng hơn 20% chỉ trong vòng 13 ngày giao dịch. So với mức đáy hồi đầu tháng 3, thị giá cổ phiếu DCM hiện đã tăng hơn 61%.
Duy Quang