Khả năng ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ lần thứ hai đang đem lại bầu không khí tràn đầy sự lo lắng đối với doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ.
Các tín hiệu mới cho thấy khả năng ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng không còn là điểu viển vông
Khi ông Donald Trump rời khỏi Nhà Trắng vào năm 2021, các giám đốc điều hành tại các công ty lớn của Mỹ đã thở phào nhẹ nhõm. Nhưng giờ đây, khi ông vừa giành chiến thắng trong các cuộc họp kín ở Iowa với cách biệt 30 điểm, các công ty hàng đầu nước Mỹ đang hiểu ra thực tế rằng ông Trump có thể sẽ lại chiến thắng một lần nữa.
Với lợi thế ở Iowa, ông Trump một lần nữa có khả năng trở thành ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng Hòa. Thậm chí một số cuộc thăm dò gần đây ở các bang dao động cho thấy, nếu đối đầu trực tiếp với đương kim Tổng thống Joe Biden của đảng Dân Chủ, ông Trump còn đang nắm lợi thế. Theo The Economist, kết quả bầu cử này đang phủ một bóng đen lên tâm lý chung của giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ.
Các CEO có mối quan hệ không mấy dễ chịu với Tổng thống Trump, dù đảng Cộng hòa của ông có truyền thống hỗ trợ các tập đoàn hàng đầu nước Mỹ hơn là người lao động. Và quả thật, nếu tiếp quản những gì ông Joe Biden đang làm được, cách tiếp cận mang nặng tính bảo hộ của ông Trump có thể sẽ gây hại nhiều hơn lợi ích.
Trumponomics – thường đặc trưng bởi sự kết hợp giữa tiền tệ nới lỏng và vũ khí thuế quan - dường như sẽ không thay đổi so với thời điểm ông giữ chức Tổng thống, theo các nhà phân tích. Qua các đợt vận động, ông vẫn cho thấy mình theo đuổi chủ trương cắt giảm thuế và giảm nợ công. Nhưng điều kiện kinh tế Mỹ hiên nay đã thay đổi, đặt ra dấu hỏi về sự phù hợp của cách tiếp cận đó.
Trong hai năm qua, FED đã cố gắng giảm lạm phát bằng nhiều đợt tăng lãi suất. Chính sách đó phần nào đã thành công với lạm phát được duy trì ở mức chấp nhận được dù chưa đạt mục tiêu. Ngân sách cũng đang trong tình trạng tồi tệ hơn. Năm 2016, thâm hụt hàng năm là 3,2% GDP và nợ công chiếm 76% GDP. Dự báo cho năm 2024 của Mỹ, các số liệu lần lượt là 5,8% và 100%.
Bởi vậy, nếu ông Trump chiến thắng và một lần nữa theo đuổi việc cắt giảm thuế - yếu tố có thể thúc đẩy kinh doanh và chi tiêu, FED sẽ chịu áp lực phải tăng lãi suất để bù đắp cho gói kích thích của tân Tổng thống. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn và chính phủ phải trả chi phí lãi cao hơn cho khối nợ ngày càng tăng.
Mặc dù FED được cho là sẽ độc lập với quan điểm của Nhà Trắng, nhưng ông Trump sẽ có cơ hội đề cử một người thân cận hơn đứng đầu cơ quan này vào tháng 5/2026 và một Thượng viện bảo trợ chính sách của ông nhiều hơn. Nguy cơ làm chậm tăng trưởng do đó cũng không hẳn là nhỏ.
Giới kinh doanh Mỹ lo sợ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể lên tầm cao mới nếu ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ
Ngoài ra, rủi ro cho giới kinh doanh Mỹ còn nằm ở việc ông Donald Trump sẽ đẩy mạnh hơn những hạn chế thương mại, như một số quan chức dưới thời ông đã áp đặt mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Rất nhiều công ty đang hưởng lợi từ sự hỗ trợ của chính phủ liên bang cho năng lượng tái tạo có thể sẽ phải tính toán lại, khi ông Trump từng rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận về biến đổi khí hậu hay thúc đẩy các dự án năng lượng hóa thạch.
Chưa kể, một khi tái đắc cử, ông Trump sẽ có cơ hội thực hiện kế hoạch trục xuất lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ nhằm giảm số lượng người nhập cư bất hợp pháp vào nước này. Điều này sẽ là một cú sốc đối với thị trường lao động vốn đang thắt chặt ở Mỹ.
Vấn đề gây đau đầu nhất đối với các nhà kinh doanh, theo The Economist, là sự không chắc chắn ở ông Donald Trump. Các hành động và lời nói của vị tỷ phú này là không thể đoán trước được, điều đó gây ra nguy cơ lớn cho các công việc kinh doanh hay thậm chí là môi trường địa chính trị.
Trong đó, mối quan hệ với Trung Quốc có thể là mục tiêu chính và cũng là nguy cơ chính. Các doanh nhân lo ngại ông Trump sẽ tiếp tục đơn phương chấm dứt thương mại với Trung Quốc – được xem sẽ là “cơn ác mộng” đối với bất kỳ công ty Mỹ nào có quan hệ kinh doanh với quốc gia này. Chưa kể, vấn đề Đài Loan có thể bị ông Trump sử dụng để gây thêm sức ép và tiềm tàng những bất ổn khó đoán có nguy cơ tác động trên phạm vi toàn cầu.
Trường Đặng