• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
22 Tháng Mười Một 2024 2:51:40 SA - Mở cửa
Nỗi buồn ở "thủ phủ vàng trắng” xứ Nghệ
Nguồn tin: Báo Dân tộc | 05/01/2024 9:20:00 CH
Những cánh rừng trồng cao su nay đã bị đốn hạ; những lô, khoảnh cao su nay hoang tàn vì thiếu người chăm sóc; người nhận khoán trồng cao su cũng đã chuyển đổi cây trồng hoặc tìm kiếm việc làm khác để mưu sinh… Bức tranh của loại cây từng được coi là “vàng trắng” ở Nghệ An đang lâm vào cảnh ảm đạm.
 
Dù đang trong thời điểm cạo mủ, nhưng “thủ phủ” cao su ở vùng Phủ Quỳ (gồm các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, thị xã Thái Hòa) lại rất ảm đạm. Thậm chí, có những cánh rừng trồng cao su đang bị người dân đốn hạ, còn những lô, khoảnh cao su không có người chăm sóc, cỏ dại mọc um tùm cũng không phải hiếm.
 
 
Một người dân xã Nghĩa Minh huyện Nghĩa Đàn cho biết: Giá mủ cao su từ chỗ 20.000-21.000 đồng/kg, nay xuống còn 15.500 đồng/kg mủ tươi qua cán. Mọi chi tiêu trong gia đình đều nhờ vào mủ cao su, nhưng giá thấp như vậy khiến gia đình rất chật vật. Nhà tôi đã phải xin thanh lý một phần diện tích nhận khoán để trồng cây khác.
 
Cây cao su bị người dân đốn hạ, đang là câu chuyện không chỉ của hôm nay, mà đã từng diễn ra từ mấy năm trước. Tại nhiều lô, khoảnh trồng cao su ở các xã Nghĩa Minh, Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn), tiếng cưa may đốn hạ cây cao su rền vang. Những gốc cây to bị cưa đổ trong chốc lát, ngã rạp xuống, nhựa trắng tứa ra. Người dân chặt bỏ cây cao su, chuyển sang cây trồng khác hoặc bỏ hoang từng lô, khoảnh cao su… vì giá mủ quá thấp. Thống kê từ phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Đàn, chỉ tính từ năm 2018 đến nay, diện tích cây cao su trên địa bàn đã giảm từ 2.000ha xuống còn khoảng hơn 1.200ha.
 
 
Người dân chặt bỏ cây cao su do giá mủ xuống thấp - ảnh CTV
 
 
Tại huyện Tân Kỳ, câu chuyện cây cao su bị phá bỏ cũng đầy xót xa. Dù đang mùa lấy mủ nhưng người dân đã bỏ mặc không chăm sóc và lấy mủ như trước. Bà Nguyễn Thị Hồng ở xã Tân Phú cho hay: giá mủ cao su hiện nay thấp, chúng tôi đầu tư càng lỗ bởi tiền mủ bán ra không đủ tiền công.
 
Là một trong những đơn vị giao khoán diện tích trồng và thu mua mủ cao su, đại diện Công ty TNHH một thành viên Cà phê - Cao su Nghệ An cho biết: Đơn vị từng có trên 2.500ha cao su ở huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa, nhưng nay chỉ còn trên 1.800ha. Diện tích cao su giảm, là do những năm vừa qua giá mủ thấp. Vì thế, tại một số vùng, bà con đã viết đơn xin thanh lý cây cao su để chuyển đổi sang cây trồng khác. Đơn vị đã kiểm tra đầy đủ điều kiện trước khi chuyển đổi cây cao su sang cây trồng khác. Thực tế thì, diện tích thanh lý cao su những năm vừa qua, chủ yếu được bà con chuyển đổi sang trồng mía cũng khá hiệu quả.
 
Qua thống kê, từ năm 2016 Nghệ An có đến 11.635ha trồng cây cao su. Hiện tại, diện tích giảm xuống còn gần 9.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quế Phong… do các doanh nghiệp, đơn vị nông lâm, trường, công ty TNHH một thành viên quản lý, giao khoán cho các hộ dân chăm sóc, khai thác; còn các đơn vị trên đứng ra nhận bao tiêu, thu mua mủ cao su.
 
 
Đốn hạ cây cao su và bán cho tu thương - ảnh CTV
 
 
Nhiều nguyên nhân khiến diện tích cao su sụt giảm, như do gió bão làm gãy đổ, quy trình chăm sóc không được đầu tư nên năng suất và sản lượng thấp, giá mủ thấp… đã dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân đốn hạ, chuyển đổi sang cây trồng khác. Bên cạnh đó, các nông, lâm trường đứng ra bao tiêu, thu mua mủ cao su cho các nông hộ để chế biến, nhưng công nghệ chế biến còn lạc hậu, nên sản phẩm cao su khi chế biến ra chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, một số lô hàng khi xuất bán đi các nước đã bị trả lại. 
 
Mặt khác, các công ty nông, lâm nghiệp cũng khó khăn về tài chính, nhân lực có trình độ thiếu; cùng với cơ chế, chính sách trong đầu tư phát triển trồng cao su còn nhiều bất cập dẫn đến khó phát triển loại cây này. Đáng chú ý, toàn bộ diện tích trồng cây cao su của Nghệ An chưa đạt chứng chỉ FSC, cũng ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình tiêu thụ, phụ thuộc giá cả của đối tác…
 
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An nói: Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo, các địa phương không tiếp tục mở rộng diện tích cao su; đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong cạo mủ để giảm giá thành; tăng khâu chế biến để nâng chất lượng sản phẩm. Các địa phương cũng cần rà soát toàn bộ quy hoạch phát triển cây cao su, đánh giá hiện trạng để có phương hướng phát triển phù hợp. 
 
Bên cạnh đó, chính quyền Nghệ An, cũng xem xét nghiên cứu đầu tư để có nhà máy chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất cao su. Song song đó là, có các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trồng cao su, như đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật và khuyến nông đến người dân trồng cao su, gắn với việc ưu tiên các nguồn vốn vay để người dân có điều kiện chăm sóc đầu tư các vườn cao su.
 
Cây cao su là cây công nghiệp dài ngày đa mục đích, vừa có giá trị kinh tế, vừa có tác dụng bảo vệ môi trường. Vì thế, việc định hướng phát triển toàn diện cây cao su, cần phải được triển khai bài bản, cụ thể, sát đúng..., làm sao tránh tình trạng cứ trồng rồi lại chặt khi giá cao su xuống thấp như hiện nay.