Mục tiêu mà Nghị quyết 02 của Chính phủ đặt ra năm 2024, phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Nghị quyết 02 của Chính phủ đặt ra năm 2024, phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023.
Nghị quyết xác định quan điểm chỉ đạo là Quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định của Hiến pháp 2013; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo. Cải cách theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.
Đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu thứ hạng năng lực cạnh tranh như: Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc - UN) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 3 bậc; Chính phủ điện tử (của UN) tăng ít nhất 5 bậc; Quyền tài sản (IPRI) của Liên minh quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc...
Về mục tiêu năm 2024, Nghị quyết phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.
Về Năng lực Đổi mới sáng tạo của WIPO, nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin lên ít nhất 3 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng môi trường lên ít nhất 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Xuất khẩu dịch vụ ICT lên ít nhất 5 bậc.
Nâng xếp hạng chỉ số Đăng ký tài sản trong xếp hạng Quyền tài sản của Liên minh quyền tài sản lên ít nhất 2 bậc.
Tăng điểm chỉ số Thủ tục thông quan trong xếp hạng Hiệu quả logistics của Ngân hàng thế giới lên ít nhất 0,2 điểm....
Để đạt các mục tiêu trên, Chính phủ sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, kịp thời của các bộ, cơ quan được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần.
Các bộ, cơ quan được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần có trách nhiệm...
Theo báo cáo từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2023 là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2023. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gần 160 nghìn doanh nghiệp.
“Con số này thực sự ấn tượng khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023”, Cục Đăng ký kinh doanh đánh giá.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 đạt 58.412 doanh nghiệp, qua đó, góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc trên 200 nghìn doanh nghiệp (217.706 doanh nghiệp), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.
Tuy vậy, khó khăn của doanh nghiệp còn được phản ánh qua sự gia tăng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2023 với khoảng 172,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022, cao nhất kể từ năm 2017 tới nay, so sánh với cùng kỳ năm 2021 và 2020 thì mức tăng lần lượt là 44,0% và 69,7%, gấp 1,7 lần với mức bình quân giai đoạn 2017-2022. Trong đó, khoảng 10% (18 nghìn doanh nghiệp) thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường.
Thy Lê