Tuần qua, một thông tin đáng chú ý đối với hệ thống ngân hàng nói chung, Big 4 (4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) nói riêng đó là trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã trình Phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank.
Hoàn thiện hồ sơ tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank và Ngân hàng Hợp tác xã. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã hoàn thiện các thủ tục chuyển cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank theo các Nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Cũng trong tuần qua, NHNN đã quyết định điều chỉnh vốn điều lệ của Agribank từ 40.963 tỷ đồng lên 51.639 tỷ đồng kể từ 4/10/2024. Đây là một bước tiến quan trọng giúp Agribank cải thiện năng lực tài chính và đảm bảo khả năng mở rộng hoạt động.
Với vai trò là trụ cột “bơm” vốn cho nền kinh tế đồng thời là cánh tay nối dài của NHNN trong thực hiện chính sách tiền tệ và tín dụng, luôn đi đầu trong giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế, tham gia hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém… việc tăng vốn cho nhóm Big4 rất cấp thiết để không chỉ giữ vững vai trò dẫn dắt, khẳng định vị thế “sếu đầu đàn” trong ngành Ngân hàng Việt Nam mà cả trong khu vực. Tại buổi làm việc với các NHTMCP mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành Ngân hàng phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn mạnh nhất trong khu vực châu Á.
Mặc dù trọng trách rất lớn nhưng việc tăng vốn của các NHTM có vốn nhà nước trong những năm qua đều gặp trắc trở. Nguyên do đặc thù các ngân hàng muốn tăng vốn phải qua quá trình xét duyệt trình tự từ NHNN, Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội nên thời gian phê duyệt kéo dài. Chưa kể việc này các ngân hàng phải đi xin từng năm khiến cho việc tăng vốn của Big 4 vốn đã khó lại càng khó hơn.
Trong khi đó, việc tăng vốn của nhóm NHTMCP tư nhân dễ dàng hơn khi chỉ cần sự đồng thuận của cổ đông và đáp ứng các quy định về giới hạn sở hữu. Thực tế là nhiều NHTMCP đã tận dụng thời điểm thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh để thực hiện kế hoạch tăng vốn qua các hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư... Điều này khiến nhóm Big 4 ngày càng tụt lùi trong cuộc đua thứ hạng về vốn điều lệ so với các NHTMCP tư nhân. Ngay cả như Agribank, với mức vốn điều lệ mới, nhà băng này vẫn chỉ xếp thứ 7 trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong đó xếp thấp nhất trong nhóm Big4 và đứng sau ba NHTMCP khác là MB (hơn 52.100 tỷ đồng) và Techcombank (70.450 tỷ đồng) và VPBank (hơn 79.300 tỷ đồng). BIDV và VietinBank cũng bị các NHTMCP trên vượt mặt về vốn điều lệ.
Với tốc độ tăng vốn chậm hơn, hệ số an toàn vốn (CAR) của nhóm NHTM nhà nước luôn đứng trước nguy cơ chạm ngưỡng quy định, nên cũng giới hạn các hoạt động phát triển kinh doanh, cụ thể là ở hoạt động tín dụng. Tính đến ngày 30/6/2024, hệ số CAR tính theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN của nhóm NHTM nhà nước là 9,99%, thấp hơn nhiều so với mức 11,86% của nhóm NHTMCP tư nhân.
Trước tình trạng cứ phải thấp thỏm chờ tăng vốn hàng năm, lãnh đạo các NHTM trong nhóm Big 4 đề nghị Chính phủ, Quốc hội có cơ chế dài hơi để các ngân hàng này có thể tăng vốn bền vững và chủ động hơn. Theo Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn, ngay cả khi được cấp đủ 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho giai đoạn 2021-2023, thì số vốn tăng thêm cũng chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đến năm 2024. Dự kiến năm 2025, để tăng trưởng 10% dư nợ tín dụng, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng. “Chúng tôi mong muốn Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương từ năm 2024 cho phép áp dụng cơ chế tăng vốn điều lệ hàng năm cho Agribank từ phần lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước của ngân hàng”, Chủ tịch HĐTV Agribank kiến nghị.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT VietinBank Phạm Minh Bình đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm trong vòng 5 năm (giai đoạn 2024 - 2028) để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Từ những phân tích trên cho thấy, các cấp có thẩm quyền cần ban hành cơ chế, chính sách mang tính dài hơi, chiến lược để hỗ trợ các ngân hàng Big 4 hoàn thiện việc nâng cao năng lực tài chính, tạo đà phát triển, trở thành những ngân hàng hàng đầu khu vực trong tương lai.y
Nguyễn Vũ-Link gốc