Sau thời gian chững lại và đối mặt với nhiều thách thức, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang có dấu hiệu bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Đặc biệt, với hành lang pháp lý mới, thị trường tài chính tiêu dùng được dự báo sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, ở các nước phát triển, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 60-70% tổng dư nợ cho vay. Với thị trường hơn 100 triệu dân như Việt Nam, tín dụng tiêu dùng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Kỳ vọng cho vay tiêu dùng sôi động
Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng cá nhân trong những năm qua đã trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi từ tăng trưởng dựa vào đầu tư sang tiêu dùng nội địa. Điều này không chỉ giúp cải thiện sức mua trong nước mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp dịch vụ và bán lẻ phát triển mạnh mẽ. Đối với các ngân hàng và công ty tài chính, cho vay cá nhân mở ra cơ hội tăng trưởng hấp dẫn trong dài hạn với mức sinh lời cao.
Sau thời gian chững lại và đối mặt với nhiều thách thức, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục, riêng tăng trưởng nhập khẩu nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng trong 9 tháng đạt 17,34 tỷ USD, chiếm 6,2% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá.
Thị trường tài chính tiêu dùng được dự báo sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.
9 tháng đầu năm cũng chứng kiến sự gia tăng trong sản lượng sản xuất ô tô và xe máy, trong đó xe máy tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023 và sản lượng ô tô lắp ráp trong nước xác lập đỉnh mới đạt 241.400 xe các loại, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Cùng với đó, bán lẻ tăng trưởng, du lịch cũng bứt phá.
Các chuyên gia cho rằng những yếu tố trên tiếp tục là động lực để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong quý cuối năm.
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, từ đầu năm cho đến quý III/2024, các ngân hàng vẫn thúc đẩy cho vay tín dụng tiêu dùng với giá vốn rất thấp. Ngoài Vietcombank, Agribank, BIDV… còn có sự tham gia ngày càng mạnh dạn về giảm giá vốn vay của khối ngân hàng tư nhân quy mô vừa, nhỏ, có mảng bán lẻ mạnh và đầu tư số hóa như OCB, VIB, hay EIB…, hứa hẹn một cuộc đua mới trong chiến lược tiếp cận, khai thác dữ liệu khách hàng với bán lẻ, tiêu dùng.
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), 29,7% doanh nghiệp mong muốn kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng
Các ngân hàng kỳ vọng với hành lang pháp lý mới, tín dụng tiêu dùng sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành các thông tư hướng dẫn về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) bổ sung quy định về các khoản vay có giá trị nhỏ. Theo đó, các khoản vay tối đa dưới 100 triệu đồng thì TCTD chỉ cần yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tối thiểu về mục đích sử dụng vốn vay và khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cho vay.
Theo NHNN, việc quy định khoản vay dưới 100 triệu đồng không yêu cầu khách hàng phải có phương án sử dụng vốn khả thi, khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin tối thiểu sử dụng vốn hợp pháp và khả năng tài chính trước khi TCTD cho vay vốn sẽ góp phần kích thích sự phát triển của tài chính tiêu dùng.
“Những thay đổi này giúp khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ một cách dễ dàng hơn, hạn chế được tín dụng đen trên thị trường”, đại diện NHNN cho hay.
Hiện, các ngân hàng như Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, SHB, VIB... đều đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng phù hợp với mục đích vay vốn của khách hàng.
Phó Tổng Giám đốc HDBank Trần Hoài Nam cho biết, cầu vốn cá nhân đang tăng trưởng tốt. HDBank có Công ty Tài chính HD SAISON đã xây dựng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vay tiêu dùng và ghi nhận đến nay, gói tín dụng này giải ngân khá tích cực. Các hình thức phát triển tín dụng tiêu dùng trên các nền tảng điện tử, nền tảng số để giúp khách hàng có nhiều lựa chọn gói vay vốn phù hợp, tiết kiệm thời gian xử lý khoản vay cũng cần được quan tâm, chú trọng.
Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng thông tin: "Chúng tôi có những hệ thống để đánh giá, chấm điểm khách hàng dựa trên lịch sử tín dụng, dựa trên lịch sử tiêu dùng, dựa trên thu nhập và một số yếu tố khác để ra quyết định cho vay rất nhanh. Trên cơ sở đó, kiểm soát được chất lượng tín dụng và dám mạnh dạn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng".
Huyền Anh-Link gốc