Giới phân tích dự báo áp lực đáo hạn trái phiếu trong quý IV ở mức cao nhất năm 2024; trong đó, bất động sản là ngành chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất (tính đến hết 4/10 chiếm tới hơn 43%). Do đó, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục tái phát hành để huy động vốn trong quý IV.
Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lũy kế từ đầu năm đến ngày 4/10, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 312.067 tỷ đồng, với 15 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.054 tỷ đồng (chiếm 8,7% tổng giá trị phát hành) và 294 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 285.012 tỷ đồng (chiếm 91,3%).
Tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 144.044 tỷ đồng, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 72,5% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 104.444 tỷ đồng).
Trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 78.878 tỷ đồng; trong đó, có 43,5% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 34.317 tỷ đồng. Theo sau là nhóm ngân hàng với gần 8.500 tỷ đồng (chiếm 10,8%). Tính từ đầu năm đến ngày 4/10, tổng giá trị giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 750.000 tỷ đồng.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDiRect (VNDirect) nhìn nhận, áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong tháng 10/2024 vẫn lớn, hoạt động đàm phán thay đổi kỳ hạn trái phiếu vẫn diễn ra sôi động.
Cụ thể, trong tháng 10/2024 sẽ có khoảng hơn 22.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, áp lực đáo hạn trong tháng 10/2024 và 2 tháng cuối năm 2024 vẫn lớn.
Theo ông Nguyễn Bá Khương, Trưởng bộ phận phân tích Trung tâm tư vấn đầu tư VNDirect, quý IV có giá trị đáo hạn trái phiếu lớn nhất trong năm.
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý IV/2024 chiếm khoảng 42% tổng giá trị đáo hạn năm 2024. Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2025 cũng không nhỏ, khi tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là gần 180.000 tỷ đồng, chỉ thấp hơn 5% tổng giá trị đáo hạn năm 2024, và cũng tập trung vào quý III và quý IV.
Do đó, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tăng trong quý IV/2024, sau đó hạ nhiệt vào quý I và quý II/2025 rồi tăng trở lại vào quý III và quý IV/2025. Ông Khương lưu ý, tổng giá trị đáo hạn của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm trên 40%.
Hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra tíchcực trong tháng 9/2024.
Tính đến ngày 27/9/2024 đã có khoảng hơn 100 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn thanh toán trái phiếu với trái chủ. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được gia hạn là khoảng hơn 155.000 tỷ đồng.
Bà Bùi Thị Quỳnh Nga, chuyên viên phân tích cao cấp từ Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, mặc dù hoạt động phát hành trong quý III thấp hơn so với mức đỉnh 3 năm, tuy nhiên mức phát hành này đã là rất khả quan trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ mới hồi phục và hoạt động kinh doanh bất động sản còn yếu.
Áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn ở mức cao sẽ buộc nhiều doanh nghiệp phải tiếp tục tái phát hành để huy động vốn trong quý IV năm nay.
Do đó, bà Nga cho rằng hoạt động phát hành và mua lại trái phiếu sẽ tiếp tục diễn ra sôi động. Mặt bằng lãi suất dự kiến vẫn ở mức cao, đặc biệt đối với các doanh nghiệp bất động sản. Lãi suất của nhóm ngân hàng có thể tăng nhẹ khi đã chạm đáy và lãi suất huy động đã tăng trở lại.
Theo bà Nga, áp lực đáo hạn của nhóm bất động sản, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị trái phiếu đáo hạn và chậm trả trong quý IV sẽ là một yếu tố rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt nếu thị trường bất động sản không phục hồi như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) nhận định, áp lực đáo hạn trái phiếu chủ yếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Vấn đề quan trọng hiện nay là giải quyết tính pháp lý cho các dự án. Ngoài ra, cần khơi thông nguồn vốn tín dụng cho thị trường bất động sản, sau khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024.
Ông Minh cho rằng, dòng tiền thời gian qua tập trung nhiều vào kênh tiết kiệm. Thực tế cho thấy, dòng tiền đang nằm chờ cơ hội đối với thị trường bất động sản. Khi lượng cung của thị trường bất động sản tăng lên, thanh khoản trên thị trường này sẽ hồi phục trở lại. Đây có thể là điểm thuận lợi cho thị trường bất động sản cũng như doanh nghiệp lĩnh vực này, góp phần giải tỏa áp lực đối với trái phiếu đến hạn.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KIS (Việt Nam) trong 3 năm trở lại đây, việc huy động qua thị trường trái phiếu đang gặp khó khăn khi nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ hoặc sử dụng nguồn tiền từ phát hành sai mục đích. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình huy động nguồn vốn mới để đáo hạn cho các lô trái phiếu hiện tại.
Với bất động sản, tình hình có phần tiêu cực hơn khi hầu hết các doanh nghiệp đều khó triển khai dự án trong năm 2024. Điều này làm cho triển vọng kinh doanh của nhóm bất động sản xấu đi rất nhiều. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn để đáo hạn.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, sẽ phải tìm kiếm nguồn vốn để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn. Việc này có thể dẫn đến tình trạng một phần dòng vốn đầu tư bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán, chuyển hướng sang thị trường trái phiếu để đáp ứng nhu cầu thanh toán nợ.
Văn Giáp (TTXVN)
Link gốc