Trong phiên hôm nay, các cổ phiếu được công ty chứng khoán khuyến nghị nên quan tâm gồm BSR, BWE, VNM, HPG.
Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) khuyến nghị nhà đầu tư mua bán BSR và BWE vì cổ phiếu có tín hiệu suy yếu.
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại MBS. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Công ty cổ phầnChứng khoán BIDV (BSC) khuyến nghị mua cổ phiếu Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (mã chứng khoán: VNM), giá mục tiêu 83.000 đồng/cổ phiếu theo luận điểm đầu tư:
VNM sẽ tiếp tục mở rộng thị phần nội địa và nước ngoài trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cao hơn tăng trưởng ngành.
Sau giai đoạn suy giảm lợi nhuận năm 2019-2023 thì lợi nhuận giai đoạn năm 2023-2025 bước vào chu kì phục hồi với CAGR khoảng 8% nhờ nỗ lực tái cấu trúc hoàn diện và giá nguyên vật liệu đầu vào bước vào chu kỳ ổn đinh.
Tỷ lệ chi trả cổ tức trên mệnh giá cao hơn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại VCB hiện tại giao động từ 4,1-4,6%/ năm
BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2024 của VNM lần lượt đạt 64.371 tỷ đồng (tăng 6,6% so với cùng kỳ) và 10.082 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ), EPS FW= 4.342 lần và PE FW= 15,4 lần.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) khuyến nghị mua cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán: HPG), giá mục tiêu 32.000 đồng/cổ phiếu theo luận điểm đầu tư:
Ngành thép hồi phục theo sự hồi phục của thị trường bất động sản nội địa: Thị trường bất động sản trong nước sau nhiều chính sách hỗ trợ của chính phủ và mặt bằng lãi suất thấp đã có dấu hiệu phục hồi đáng kể so với giai đoạn đóng băng trước đó. Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép nội địa có mức hồi phục tương ứng khá tốt trong quý III/2024. Ngoài ra, HPG với vị thế là nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam tiêp tục gia tăng thị phần lên 38%.
VCBS dự báo kết quả kinh doanh năm 2024 của HPG sẽ có mức tăng trưởng trở lại theo sự hồi phục của sản lượng tiêu thụ; cụ thể doanh thu ước đạt 140.000 tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ); lợi nhuận sau thuế đạt 12.350 tỷ đồng (tăng 81% so với cùng kỳ).
Triển vọng giá thép thế giới tạo đáy và bắt đầu chu kỳ đi lên: Triển vọng lãi suất hạ trên toàn thế giới giúp kích thích thị trường nhà ở tại các quốc gia đối tác chủ lực của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, ASEAN. Điều này tiếp tục là bàn đạp cho thị trường xuất khẩu thép thuận lợi và duy trì được mức sản lượng tốt trong các quý tiếp theo.
Ngoài ra, yếu tố thay đổi lớn tới nhu cầu thép toàn thế giới tới từ Trung Quốc sau biện pháp kích thích lớn nhất từ đại dịch. VCBS cho rằng, nhu cầu cho ngành thép Trung Quốc đã tạo đáy và có nhiều động lực phục hồi và kích thích giá thép tăng trong năm tới.
Động lực từ đại dự án Dung Quất 2: Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành sớm hơn tiến độ đề ra với việc có sản phẩm HRC chạy thử đầu tiên vào quý IV/2024 và đưa vào hoạt động nhà máy giai đoạn 1 kể từ quý I/2025. Sau khi dự án hoàn thành và hoạt động hết công suất sau 2-3 năm, quy mô doanh thu của tập đoàn có thể duy trì ở mức 175.000-200.000 tỷ đồng/năm với lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 20.000-25.000 tỷ đồng.
VCBS cho rằng, thời điểm HPG đưa nhà máy Dung Quất 2 vào hoạt động cũng khá trùng khớp với thời điểm quyết định áp thuế chống bán phá giá với thép HRC Trung Quốc. Khả năng tiêu thụ HRC của HPG phụ thuộc khá lớn vào chính sách bảo hộ thép HRC của Chính phủ, vì vậy việc được thông qua có thể là thông tin tích cực cho nội tại cơ bản của doanh nghiệp.
Văn Giáp-Link gốc