Siêu cảng Chancay còn mở ra cơ hội mới đối với ngành logistics tại Việt Nam và có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác từ Mỹ Latinh để thiết lập các tuyến vận tải biển mới.
Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, siêu cảng Chancay toạ lạc ở phía Bắc thủ đô Lima của Peru, nằm dọc theo bờ biển Thái Bình Dương, một vị trí chiến lược vô cùng thuận lợi cho việc kết nối thương mại quốc tế. Dự án siêu cảng có tổng vốn đầu tư hơn 3,5 tỷ USD và được thiết kế để xử lý 1,5 triệu TEU (1 TEU tương đương 1 container 20 feet) mỗi năm. Khởi công vào năm 2020 và dự kiến hoàn thành vào năm 2024, siêu cảng Chancay được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm logistics hàng đầu của Mỹ Latinh.
Hơn nữa, việc xây dựng siêu cảng không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu nội địa của Peru mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng và làm đầu mối logistic kết nối với các quốc gia khác trong khu vực như Brazil, Chile, Argentina với thị trường châu Á, góp phần thúc đẩy giao thương và tăng cường kết nối kinh tế giữa Mỹ Latinh và châu Á Thái Bình Dương.
Siêu cảng Chancay mở ra cơ hội mới với ngành logistics tại Việt Nam với việc tăng cường kết nối vận tải biển và khả năng giao thương. Ảnh minh hoạ
Theo các chuyên gia thương mại, siêu cảng Chancay còn mở ra cơ hội mới đối với ngành logistics tại Việt Nam với việc tăng cường kết nối vận tải biển và khả năng giao thương giữa hai khu vực. Cùng đó, doanh nghiệp logistics tại Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác từ Mỹ Latinh để thiết lập các tuyến vận tải biển mới, mở ra các cơ hội đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ logistics.
Hơn nữa, siêu cảng Chancay sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia Mỹ Latinh. Theo dự báo, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh có thể tăng trưởng đến 10% mỗi năm nếu có sự cải thiện về logistics và kết nối giao thông.
Do đó, tận dụng siêu cảng Chancay như là một giải pháp tối ưu về logistic, Việt Nam có thể tăng cường kim ngạch xuất nhập khẩu với các đối tác tại Mỹ Latinh, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, nông sản và năng lượng. Qua đó, cảng Chancay sẽ trở thành cầu nối quan trọng cho quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Peru nói riêng và với Mỹ Latinh nói chung, tận dụng tốt hơn nữa cơ hội từ các Hiệp định thương mại đã được ký kêt với các nước trong khu vực như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam – Chile, Hiệp định thương mại Việt Nam – Cuba.
Trong tương lai, siêu cảng Chancay giúp các nước Mỹ Latinh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như nông sản, khoáng sản và dầu khí sang châu Á và ngược lại nhập khẩu công nghệ và hàng tiêu dùng từ các quốc gia châu Á. Cảng Chancay có thể trở thành một cầu nối giao thương trực tiếp, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các tuyến vận tải dài qua Đại Tây Dương hoặc Bắc Mỹ, góp phần tăng trưởng kinh tế khu vực.
Đối với Việt Nam, cảng Chancay mang lại cơ hội mở rộng thị trường xuất nhập khẩu với Peru nói riêng và các nước Mỹ Latinh nói chung. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh đạt 20,6 tỷ USD; trong đó, các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn là hàng nông sản, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến, gỗ, điện tử và linh kiện. Ngược lại Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước trong khu vực này các mặt hàng là nguyên liệu thô, nông sản, gỗ, nguyên phụ liệu may mặc, thức ăn chăn nuôi.
Với các tuyến vận tải biển kết nối giữa cảng Chancay và Việt Nam, doanh nghiệp Việt có thể tối ưu hóa thời gian và chi phí vận chuyển. Dự tính Chancay có thể giúp giảm tới 30%, thậm chí 50% thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến Mỹ Latinh, điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí logistics lên đến 20% so với các tuyến vận chuyển truyền thống. Vì vậy, Việt Nam có thể tận dụng cảng này để xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh như may mặc, điện tử, nông sản (gạo, cà phê) sang các nước Mỹ Latinh. Ngược lại, Việt Nam cũng có thể nhập khẩu các nguyên liệu khoáng sản, nông sản và dầu khí từ Mỹ Latinh với chi phí hợp lý hơn.
Uyên Hương-Link gốc