Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đang trong quá trình báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý. Đây là bộ luật tác động sâu tới nhiều mặt về kinh tế, xã hội, được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm.
Chính vì vậy, trên nghị trường kỳ họp thứ VIII của Quốc hội vừa qua, các đại biểu đoàn Hà Nội liên tục có những góp ý hoàn thiện dự thảo nhằm bảo đảm Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn phù hợp thực tiễn ở Thủ đô, hướng tới thúc đẩy sự phát triển hạ tầng, tạo môi trường thu hút đầu tư...
Đảm bảo thông suốt giữa các luật
Cụ thể, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phân tích, đối với thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh quy hoạch tỉnh, cần phải có quy hoạch chung. Bởi mỗi loại quy hoạch này có chức năng khác nhau, nhưng để tránh sự chồng chéo, trùng lặp, trong dự thảo luật này phải phân định rõ ràng.
Trong đó, quy hoạch chung thực hiện chức năng định hướng phát triển cho tất cả các ngành, lĩnh vực và sau đó còn có quy hoạch chi tiết của từng ngành, từng lĩnh vực... Quy hoạch đô thị, nông thôn cụ thể hóa những nội dung về phát triển hạ tầng, chứ không phải là định hướng.
Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh cần bảo đảm Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn phù hợp thực tiễn ở Thủ đô.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) kiến nghị, quy định cần bảo đảm thống nhất với Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024. Hiện, tại các khu vực thành phố đã lập quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 sẽ không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đất đai được.
Để đảm bảo thống nhất giữa Luật Nhà ở, Luật Đất đai với lĩnh vực quản lý quy hoạch xây dựng, đại biểu kiến nghị bổ sung quy định chuyển tiếp. Địa phương đã có quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 thì được phép đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trường hợp cần thiết, địa phương đã có quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 được phép lập lại quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000.
Vấn đề về hệ thống quy hoạch đô thị, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho biết, thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (Thủ đô Hà Nội được quy hoạch theo mô hình chùm đô thị), thành phố Hà Nội lập Quy hoạch chung Thủ đô, dưới quy hoạch chung Thủ đô là các quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, thị trấn thị tứ và dưới các quy hoạch chung đô thị mới lập các quy hoạch phân khu đô thị.
Theo đó, để lập được quy hoạch phân khu cơ bản phải thông qua 2 cấp độ quy hoạch chung là quy hoạch chung Thủ đô và quy hoạch chung đô thị, thị trấn.
Tuy nhiên, hiện nay, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn vẫn đang quy định "Quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chung thị xã, thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị mới…".
Từ đó dẫn đến, sau khi Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được duyệt, thành phố Hà Nội sẽ phải tiếp tục lập Quy hoạch chung 2 thành phố trực thuộc là thành phố phía Bắc, thành phố phía Tây, các đô thị vệ tinh, thị xã, thị trấn… rồi mới lập được các quy hoạch phân khu.
Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, việc này sẽ tốn nhiều thời gian, có thể gây đứt gãy quá trình thực hiện các dự án phát triển đô thị tại Thủ đô.
"Để tránh tốn kém, lãng phí không cần thiết trong khi toàn thành phố Hà Nội đã có Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, kiến nghị bổ sung quy định đối với thành phố trực thuộc Trung ương chỉ lập một cấp quy hoạch chung thành phố, dưới quy hoạch chung thành phố lập ngay quy hoạch phân khu", đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nêu ý kiến.
Phát triển hài hòa đô thị, nông thôn
Thực tế, tại Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 22/8/2024), định hướng phát triển đô thị và khu vực nông thôn của Hà Nội đã khá rõ nét.
Quy hoạch vừa được phê duyệt được coi là chiến lược để quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn của Thủ đô Hà Nội phát triển hài hòa, cũng như kết nối các hệ thống hạ tầng của thành phố.
Hà Nội quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn theo hướng phát triển hài hòa, cũng như kết nối các hệ thống hạ tầng của thành phố.
Về những định hướng cụ thể đối với vùng đô thị Hà Nội, TS. Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết, đây là một trong 4 vùng đô thị lớn của cả nước.
Trong đó, Thủ đô Hà Nội được xác định xây dựng và phát triển là cực tăng trưởng quốc gia và các đô thị lân cận của các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhằm chia sẻ chức năng về giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, thương mại, dịch vụ, du lịch và hạn chế sự tập trung quá mức vào đô thị trung tâm Hà Nội.
Trong hệ thống đô thị trung tâm quốc gia, gồm đô thị loại đặc biệt và loại I, Thủ đô Hà Nội được định hướng phát triển là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", có vị thế nổi trội về văn hóa, lịch sử khu vực Đông Nam Á.
Quy hoạch hệ thống khu dân cư nông thôn của Hà Nội được định hướng tổ chức theo các vùng sinh thái nông nghiệp. Trong đó, nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, khu vực này sẽ được hiện đại hóa cơ sở hạ tầng các làng xã cổ truyền, duy trì vùng sản xuất nông nghiệp và phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, hữu cơ, nông nghiệp phục vụ đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới.
Các vành đai sinh thái nông nghiệp có tác dụng cân bằng giữa bảo tồn và phát triển đô thị và nông thôn. Khu dân cư nông thôn chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cấu trúc định cư cộng sinh với nền kinh tế nông nghiệp đô thị hiện đại, dịch vụ văn hóa di sản, du lịch nghỉ dưỡng gắn với giáo dục, chăm sóc sức khỏe…
Trên thực tế, sự tương quan giữa phần đô thị và phần nông thôn trong cấu trúc đô thị thành phố Hà Nội đang là một vấn đề, khi nông thôn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn. Cấu trúc hành chính của Hà Nội hiện có số lượng huyện ngoại thành lớn, với gần 59% là đất nông nghiệp.
Từ thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng Hà Nội nên phát triển nông thôn và kinh doanh nông nghiệp theo hướng thị trường, tạo liên kết đô thị - nông thôn và liên kết vùng. Cùng với phát triển đô thị, thành phố xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí tiếp cận đô thị hiện đại, thông minh, bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống…
Đông Phong-Link gốc