Khi môi trường ngày càng bị ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông trở thành vấn đề nhức nhối tại các đô thị lớn, ô tô điện mini giá rẻ đang được xem là một lựa chọn tiềm năng cho người tiêu dùng Việt Nam. Với giá thành khoảng 200-400 triệu đồng và thiết kế nhỏ gọn, ô tô điện mini đang thu hút sự chú ý của nhiều người tiêu dùng.
Ngày 1-8 vừa qua đã đánh dấu việc chính thức giao những chiếc VinFast VF3 đầu tiên cho khách hàng đã đặt mua sớm. VinFast VF3 được bán ra với giá 240 triệu đồng (thuê pin) và 322 triệu đồng (mua pin). Chi phí lăn bánh cũng không hơn quá nhiều, khi xe không phải chịu lệ phí trước bạ, theo quy định hiện hành dành cho xe điện. Chi phí này còn có thể giảm thêm nhờ vào những chính sách ưu đãi từ phía nhà sản xuất.
Cuộc “cách mạng” mới trong giao thông
Thực tế, sự xuất hiện của VinFast VF3 đã gây ra một cơn sốt thực sự trên thị trường ô tô tại Việt Nam khi chỉ trong vòng 66 giờ sau khi ra mắt (đầu tháng 5/2024), VinFast đã nhận tới 27.649 đơn đặt hàng không hoàn lại, một con số kỷ lục chưa từng có đối với bất kỳ mẫu xe mới nào tại thị trường Việt Nam, thể hiện sự quan tâm và kỳ vọng to lớn từ phía người tiêu dùng.
Mới đây, theo thông tin Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam vừa đăng tải ngày 30/9, xuất hiện một mẫu xe ô tô hoàn toàn mới được Công ty Cổ phần sản xuất và kinh doanh VinFast đăng ký bản quyền kiểu dáng công nghiệp. Theo những hình ảnh được công bố, đây tiếp tục là một mẫu xe thuộc phân khúc mini 2 cánh cửa giống VinFast VF3. Tuy nhiên, kích thước của chiếc xe mới này bé hơn hẳn VF3, khả năng chỉ có 2 chỗ ngồi.
Với tốc độ phát triển hiện tại, ô tô điện mini có thể trở thành một phần thiết yếu trong hệ thống giao thông đô thị Việt Nam.
Trước đó, giữa năm 2023, Công ty Cổ phần Ô tô TMT (TMT Motors) đã cho ra mắt mẫu xe điện cỡ nhỏ Wuling HongGuang MiniEV lắp ráp trong nước (với giá thành chỉ từ 197 - 231 triệu đồng). Đây là mẫu xe mini có kích thước nhỏ gọn với chiều dài 2.920 mm, rộng 1.493mm, cao 1.621mm, có 2 cửa bên hông, 1 cửa cốp sau và không gian dành cho 4 người ngồi. Xe có thể sạc điện dễ dàng ở bất cứ đâu có ổ cắm điện 220V, đi tối đa từ 120 – 170km, tùy từng phiên bản khi sạc đầy pin.
Ngoài ra, TMT Motors đang chuẩn bị ra mắt thêm mẫu Wuling Mini EV mới trên thị trường trong thời gian tới, với mức giá dự kiến chỉ khoảng 140 triệu đồng. Chiếc xe này có khả năng đạt vận tốc 100 km/giờ và di chuyển được quãng đường lên đến 215 km, cùng với khả năng sạc từ 30% lên 80% chỉ trong khoảng 35 phút. Hãng cũng đã tiết lộ kế hoạch đưa chiếc xe điện hai chỗ Baojun E100, có tốc độ tối đa 100 km/giờ và mức giá chỉ hơn 100 triệu đồng, về Việt Nam trong thời gian tới, mở ra thêm lựa chọn hấp dẫn cho người tiêu dùng.
Có thể thấy, yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ô tô điện mini chính là sự giảm giá thành. Các nhà sản xuất trong nước đã nỗ lực giảm chi phí sản xuất và cải thiện công nghệ, giúp giá bán lẻ giảm xuống mức hợp lý hơn, phù hợp với nhiều phân khúc người tiêu dùng, thậm chí người có thu nhập thấp cũng có thể sở hữu ô tô. Cùng với đó, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi, bao gồm việc giảm 100% lệ phí trước bạ cho xe điện.
CEO Phạm Nhật Vượng (Tập đoàn Vingroup) cho biết: "Chúng tôi đang và sẽ ra mắt nhiều mẫu xe siêu nhỏ, giá thành rẻ nhưng rất đẹp. Hướng tới hãng xe hàng đầu thế giới thì không bỏ qua sản phẩm nào mà thị trường có nhu cầu. Tôi cho rằng xe điện là xu thế. Chúng tôi sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ để xây trạm sạc tại Việt Nam phục vụ khách hàng của Vin".
Ngoài giá thành phải chăng, ô tô điện mini còn mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. Với kích thước nhỏ gọn, xe dễ dàng di chuyển trong các khu vực nội đô đông đúc và hẹp. Hơn nữa, ô tô điện mini còn an toàn hơn xe máy, giảm thiểu nguy cơ tai nạn. Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong năm 2023, tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 70% tổng số vụ tai nạn. Điều này đã thúc đẩy nhiều người tiêu dùng cân nhắc đến việc chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện mini.
Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc (Bộ môn Ô tô và Xe chuyên dùng, Đại học Bách khoa Hà Nội) nhìn nhận: "Sự xuất hiện của VinFast VF3, cùng với một số yếu tố khách quan khác, đã khiến xe Mini EV tạm thời trở nên "thất sủng" trên thị trường ô tô Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các hãng xe khác sẽ không ngồi yên, dự báo rằng nhiều hãng sẽ nhanh chóng cho ra mắt các dòng xe mới để tăng tính cạnh tranh tạo nên những "làn sóng" mới trên thị trường xe hơi tại Việt Nam, mang lại cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn và thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô điện, đồng thời nâng cao ý thức về giải pháp giao thông bền vững trong cộng đồng".
Thời điểm đã “chín muồi” để chuyển đổi phương tiện?
Rõ ràng, khi nhìn vào bức tranh tổng thể của giao thông Việt Nam, có thể thấy rằng thói quen sử dụng xe máy đã "ăn sâu" vào đời sống hàng ngày. Tính đến năm 2024, cả nước có khoảng 56 triệu chiếc xe máy đang lưu hành, cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của loại phương tiện này. Người dân vẫn thường coi xe máy là lựa chọn linh hoạt nhất, dễ dàng tìm chỗ đỗ và di chuyển nhanh chóng trong các tình huống ùn tắc.
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của ô tô điện mini, thời điểm để chuyển đổi phương tiện đã thực sự "chín muồi"? Nhiều người tiêu dùng trẻ tuổi, đặc biệt là các gia đình mới lập nghiệp, đang tìm kiếm các giải pháp giao thông tiện lợi và an toàn hơn. Một khảo sát gần đây của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho thấy, khoảng 50% người tiêu dùng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng chuyển sang ô tô điện mini trong tương lai gần.
"Là một nhân viên văn phòng nên thu nhập không cao, tôi đã quyết định mua xe điện mini vì muốn có phương tiện "che mưa nắng" cho gia đình. Xe nhỏ gọn không chỉ dễ dàng di chuyển trong những con phố đông đúc mà còn giúp tôi tiết kiệm thời gian tìm chỗ đậu. Thêm vào đó, chi phí vận hành thấp và khả năng bảo vệ môi trường khiến tôi cảm thấy quyết định này là hoàn toàn đúng đắn", anh Chu Quốc Dương (27 tuổi - Yên Bái) chia sẻ với VnBusiness.
Hiện nay, Chính phủ đã đưa ra lộ trình, đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, toàn bộ phương tiện sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Cùng với đó, các thành phố lớn có kế hoạch cấm xe máy vào nội đô từ năm 2030. Như vậy, sẽ thúc đẩy xu hướng chuyển sang sử dụng ô tô điện mini.
Dẫu vậy, ô tô điện mini vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc "soán ngôi" xe máy. Rào cản đầu tiên là chi phí đầu tư ban đầu. Dù giá bán đã giảm, nhưng việc bỏ ra một khoản tiền lớn ngay từ đầu vẫn khiến nhiều người e ngại. Bên cạnh đó, hạ tầng trạm sạc điện cũng chưa phát triển đồng bộ. Ngoài VinFast, số lượng trạm sạc xe điện của bên thứ ba tại Việt Nam không nhiều, chỉ rải rác ở các thành phố lớn, và ít nơi có sạc nhanh.
Giới chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện: như giảm thuế, hỗ trợ đầu tư hạ tầng sạc điện, được để trên vỉa hè miễn phí, được giảm giá khi gửi tại các bãi đỗ xe,... và tăng cường thông tin về xe điện sẽ góp phần thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang sử dụng ô tô điện mini. Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc chuyển đổi phương tiện giao thông nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ.
"Mặc dù xe máy vẫn đang giữ một vị trí quan trọng và quen thuộc trong đời sống hàng ngày, nhưng với những lợi ích vượt trội và sự hỗ trợ từ chính phủ, ô tô điện mini có khả năng "soán ngôi" xe máy trong tương lai không xa", PGS.TS Đàm Hoàng Phúc dự báo.
Sự xuất hiện của những chiếc ô tô điện mini, với giá bán dễ tiếp cận, đã tiến gần hơn một bước tới sứ mệnh giúp người dân Việt Nam có cuộc sống tốt đẹp hơn. Các doanh nghiệp nhận định, với tốc độ phát triển hiện tại, ô tô điện mini hoàn toàn có thể trở thành một phần thiết yếu trong hệ thống giao thông đô thị Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển bền vững và an toàn hơn.
Lê Hồng-Link gốc