Trong phiên hôm nay, các cổ phiếu được công ty chứng khoán khuyến nghị nên quan tâm gồm: HAH, HAX, HSG, GMD.
Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ HAH vì nhịp tăng có thể còn tiếp diễn lên cản 49.000-50.000 đồng/cổ phiếu; cắt lỗ HAX vì cổ phiếu chạm cắt lỗ.
HAH, HAX, HSG, GMD là những cổ phiếu được khuyến nghị nên quan tâm trong phiên giao dịch hôm nay. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN
Công ty cổ phần Chứng khoán DSC (DSC) khuyến nghị theo dõi cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG), giá mục tiêu 23.000 đồng/cổ phiếu dựa trên luận điểm đầu tư:
Ảnh hưởng 2 chiều từ chính sách thuế quan mới: Đối với biện pháp chống bán phá giá tôn mạ, Bộ Công Thương đã có quyết định gia hạn thuế nhập khẩu với sản phẩm tôn mạ từ Hàn Quốc và Trung Quốc (mã vụ AD19), từ mức 2,56% lên 34,27% (hạn đến tháng 10/2029). Điều này giảm sức cạnh tranh đối với hàng hóa nhập khẩu, hỗ trợ HSG mở rộng thị phần nhờ hệ thống phân phối với hơn 400 cửa hàng trên khắp cả nước. Trong năm 2025, tỷ trọng hàng hóa tiêu thụ nội địa của HSG dự kiến có mức tăng trưởng mạnh hơn xuất khẩu, với dư địa mở rộng thêm 20-30%.
Đối với biện pháp chống bán phá giá thép cán nóng, Bộ Công Thương có thể sớm áp dụng biện pháp thuế tạm thời ngay trong tháng 11. Điều này khiến cho giá HRC đầu vào dần tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp làm giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất tôn mạ như Hoa Sen, Nam Kim (mã chứng khoán: NKG)… Lũy kế 9T2024, Việt Nam đã nhập khẩu 8,8 triệu tấn thép HRC vượt qua công suất sản xuất trong nước với 5,1 triệu tấn.
Nhu cầu nội địa phục hồi: Ngành bất động sản dân dụng (chung cư, nhà phố) đều có tín hiệu mở rộng nguồn cung tích cực trong năm nay và chu kỳ 2025-2026 sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) áp dụng, theo báo cáo CBRE. Xét riêng trong quý III, sản lượng bán hàng nội địa đạt 262.434 tấn (tăng 24% so với cùng kỳ), chiếm tỷ trọng 53% tổng lượng hàng tiêu thụ.
Đối với năm 2025, DSC đưa ra mức tăng trưởng doanh thu 5% và lợi nhuận sau thuế là 29% so với năm 2024, với kỳ vọng diễn biến giá thép bật tăng trở lại, sức cầu nội địa duy trì ổn định.
Bên cạnh đó, DSC cũng khuyến nghị theo dõi cổ phiếu Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán: GMD), giá mục tiêu 72.400 đồng/cổ phiếu dựa trên luận điểm đầu tư:
Xuất nhập khẩu tích cực thúc đẩy sản lượng hàng hóa qua cảng: Lũy kế 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 579,47 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình xuất nhập khẩu tích cực này đã thúc đẩy sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển Việt Nam tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 640 triệu tấn; trong đó, các khu vực nơi có các cảng lớn của GMD như Hải Phòng, Cái Mép Thị Vải cũng đều ghi nhận mức tăng ấn tượng, lần lượt là 10% và 36% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, khu vực Cái Mép Thị Vải tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ nhờ xu hướng tích cực từ hoạt động xuất nhập khẩu mà còn do được hưởng lợi từ tình trạng tắc nghẽn khu vực cảng Singapore.
DSC cho rằng hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong 3 tháng cuối năm 2024 và năm 2025 nhờ thương mại toàn cầu hồi phục, nhu cầu tiêu dùng được kích thích khi 1 loạt Ngân hàng Trung ương lớn thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế.
Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 đi vào xây dựng: Cảng Nam Đình Vũ, 1 trong 2 cảng chủ chốt của GMD vừa qua đã hoàn tất thủ tục xin giấy phép xây dựng giai đoạn 3 và sẽ bắt đầu khởi công trong quý cuối năm 2024.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thiện và đưa vào khai thác trong tháng 12/2025. Khi đi vào hoạt động, tổng công suất của cụm cảng Nam Đình Vũ sẽ gia tăng mạnh mẽ lên mức 2 triệu TEU, qua đó, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của các hãng tàu đối tác, tạo động lực cho GMD.
Văn Giáp-Link gốc