• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.268,86 -3,21/-0,25%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.268,86   -3,21/-0,25%  |   HNX-INDEX   228,18   -1,06/-0,46%  |   UPCOM-INDEX   92,74   +0,00/+0,00%  |   VN30   1.336,48   +0,63/+0,05%  |   HNX30   485,48   -3,95/-0,81%
12 Tháng Mười Hai 2024 6:39:38 SA - Mở cửa
Bơm hàng trăm nghìn tỷ vào nền kinh tế, tiền đi về đâu?
Nguồn tin: VietNam Finance | 10/12/2024 4:25:37 CH

 Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% hoàn toàn khả thi và thậm chí có thể cao hơn con số này nếu không có cơn bão số 3.

Hàng trăm nghìn tỷ đợi được bơm ra nền kinh tế

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 7/12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 15,3 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2023.

Lý giải về mức tăng trưởng tín dụng của năm nay, Phó Thống đốc cho biết nền kinh tế đã có nhiều khởi sắc, xuất khẩu tăng trưởng cao, môi trường đầu tư, kinh doanh cũng có nhiều thuận lợi hơn. Cùng với đó, nền lãi suất cho vay được các ngân hàng duy trì ở mức thấp, tạo động lực cho các doanh nghiệp mạnh tay vay vốn.

Trên nền tăng trưởng tích cực đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% hoàn toàn khả thi và thậm chí có thể cao hơn con số này nếu không có cơn bão số 3.

Nếu diễn ra theo đúng kế hoạch, sẽ có hơn 300 nghìn tỷ đồng tín dụng sẽ được bơm vào nền kinh tế trong 3 tuần cuối cùng của năm 2024.

Cuối năm thường là giai đoạn phát sinh nhu cầu tín dụng rất lớn khi các doanh nghiệp tăng tốc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các thị trường tài sản như bất động sản đang dần sôi động trở lại cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy nhu cầu vay vốn tăng mạnh hơn.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú.

Cùng với đó, các chuyên gia phân tích của VPBankS cho rằng, nhu cầu xây dựng lại cuộc sống sau bão Yagi, những đơn hàng xuất khẩu cho năm mới, luồng vốn FDI mới từ các đối tác chiến lược toàn diện sau chuyến công tác của các lãnh đạo Chính phủ cấp cao cũng sẽ là những động lực cho tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn cuối cùng của năm 2024.

Để tạo điều kiện cho các ngân hàng có thêm dư địa cho vay, NHNN mới đây đã tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng. Đây là lần thứ 2 NHNN nới room tín dụng cho các ngân hàng.

Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, hạn mức tín dụng được còn nhiều, không ít nhà băng đẩy mạnh triển khai các gói cho vay ưu đãi nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tăng cường sản xuất, kinh doanh.

Đơn cử như Agribank đã tung ra gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng dành cho DN hoạt động trong lĩnh vực nông thủy sản, chế biến và nhập khẩu nguyên phụ liệu, có lãi suất từ 2,6%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng. Hay như ACB triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp trong dịp cuối năm 2024.

Vốn tín dụng có thực sự đi vào nền kinh tế?

Dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% được đánh giá là đầy triển vọng, nhưng làm thế nào để dòng vốn này thực sự chảy vào các động mạch kinh tế, thúc đẩy sản xuất và kinh doanh mới là bài toán đầy thách thức.

Phát biểu tại sự kiện mới đây của VietnamFinance, TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương đặt vấn đề liệu rằng chỉ một phần dòng vốn tín dụng thực sự chảy vào các hoạt động kinh tế, còn phần lớn vẫn "nằm đâu đó" hay không.

“Thực tế cho thấy tín dụng trên đầu người đang cao hơn rất nhiều so với GDP bình quân đầu người. Đây là dấu hiệu cho thấy sự thiếu liên kết giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP. Với mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng như vậy, lẽ ra GDP cũng phải tăng trưởng mạnh mẽ tương xứng. Liệu rằng lượng vốn tín dụng thực sự đi vào nền kinh tế có cao như những con số thống kê không?”

Bên cạnh đó, dù hàng chục triệu tỷ đồng đã được bơm ra nền kinh tế song nhiều đối tượng vẫn chưa thể tiếp cận được vốn tín dụng, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.


Tăng trưởng tín dụng có "đẹp" như số liệu?

Trong trao đổi với VietnamFinance, TS Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên Đại học RMIT nhận định, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng dù các doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.

“Đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, quá trình phê duyệt thường đòi hỏi nhiều tài liệu, bao gồm cả bằng chứng thu nhập và kế hoạch trả nợ. Trong khi đó, đặc thù của nhóm doanh nghiệp này là không có hồ sơ tài chính ổn định hoặc hoạt động phi chính thức.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ thường không thể cung cấp lịch sử tài chính vững chắc như doanh thu và chi phí hàng năm. Doanh thu của họ cũng thường biến động mạnh do cạnh tranh gay gắt, khiến họ không thể chứng minh được khả năng trả nợ. Do đó, các ngân hàng thường thận trọng khi cho vay do lo ngại rủi ro vỡ nợ cao. Thêm vào đó, tỷ lệ nợ xấu gia tăng khiến các ngân hàng ngày càng thận trọng hơn khi cấp tín dụng cho những doanh nghiệp nhỏ thiếu tài sản đảm bảo hoặc hồ sơ tài chính đáng tin cậy”, ông lý giải.

Không chỉ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khó tiếp cận vốn, ngay cả những doanh nghiệp “vừa” cũng gặp không ít thách thức. TS Nguyễn Tú Anh cho biết, nhiều thống kê chỉ ra ngay cả những doanh nghiệp vừa, trung bình cũng không dễ tiếp cận vốn tín dụng.

Đây là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp vừa ở Việt Nam khó có thể lớn. Khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng đẩy các doanh nghiệp này vào cảnh muốn lớn cũng không thể lớn được, ông nói.

Tăng trưởng tín dụng đang bước vào giai đoạn quyết định khi chỉ còn vài tuần nữa là kết thúc năm. Tuy nhiên, điều cốt lõi của tăng trưởng tín dụng không nằm ở việc có đạt được mục tiêu 15% hay không, mà ở chỗ dòng vốn này có thực sự đi vào sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hay không.

Để đạt được điều này, theo một chuyên gia kinh tế, NHNN cần định hướng rõ hơn về chất lượng tín dụng, khuyến khích các ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu và ưu tiên phát triển bền vững. Đồng thời, việc đa dạng hóa phân bổ vốn cũng là yếu tố sống còn để tránh rủi ro tập trung tín dụng vào một số ít doanh nghiệp, vốn dễ dẫn đến bất ổn hệ thống. Đây không chỉ là bài toán trước mắt mà còn là chiến lược dài hạn để tín dụng thực sự trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững.

Link gốc