Các HTX hiện có nguồn nông sản, hàng hoá rất dồi dào vì đang thúc đẩy sản xuất trên quy mô lớn, liên kết chuỗi. Do đó, nếu giải quyết được bài toán logistics và khâu bảo quản sẽ giúp HTX nâng cao sức cạnh tranh.
Bà Trần Thị Việt Anh, Giám đốc HTX trái cây sạch Khánh Hưng (Cà Mau) cho biết mở rộng tiêu thụ nông sản ở các tỉnh, thành giúp đầu ra của mặt hàng trái cây thuận lợi hơn nhưng đi liền với đó chính là nỗi lo chi phí vận chuyển. Nếu vận chuyển một container từ Cà Mau đi tiêu thụ hay làm kiểm dịch thực vật ở TP.HCM sẽ tốn chi phí khoảng trên 18 triệu đồng.
Đội chi phí, giảm lợi nhuận
Còn theo TS Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình, mỗi container bưởi xuất khẩu từ Hòa Bình sang Hàn Quốc tăng thêm 30 triệu đồng vì phải vận chuyển vào miền Nam để làm các bước xử lý dịch hại bằng hơi nước nóng theo đúng quy định ký kết giữa hai nước.
Rõ ràng, bất cập về logistics đang làm đội chi phí của các HTX, doanh nghiệp. Chi phí logistics chiếm một khoản không nhỏ trong tổng chi phí của HTX được giới chuyên gia lý giải là do địa hình Việt Nam theo chiều dọc và giá nhiên liệu cao.
Nhiều người đặt vấn đề: vì sao có những nông sản, hàng hóa của Trung Quốc khi về Việt Nam có thời gian vận chuyển thậm chí còn nhanh hơn mua hàng trong nước, nhất là qua thương mại điện tử?
Theo các chuyên gia, điều này là do Trung Quốc phát triển rất mạnh hệ thống đường cao tốc, tàu điện rộng khắp, kết nối hầu hết các vùng nông thôn với thành thị. Hệ thống cao tốc kết nối trực tiếp từ các vùng sản xuất hàng hoá đến các cửa khẩu các nước biên giới hay cảng biển, cảng hàng không là một yếu tố tiên quyết cho việc giảm chi phí vận chuyển.
Chi phí vận chuyển là một bài toán đau đầu đối với HTX, doanh nghiệp.
Một HTX ở Phú Yên cho hay nếu vận chuyển mặt hàng củ sắn, bột sắn dây ra Lạng Sơn theo hình thức đường bộ chi phí hết khoảng 1 triệu đồng/tấn, từ đó kéo giảm lợi nhuận của HTX. Đó là chưa kể khi lên đến cửa khẩu mà hàng hóa bị ùn ứ phải chờ đợi nhiều ngày, làm tăng chi phí lưu hàng, bốc xếp.
Việc tăng chi phí vận chuyển khiến năng lực cạnh tranh của các HTX cũng yếu đi bởi hiện nay, xuất khẩu nông sản tươi chiếm 70%, thời gian vận chuyển càng ngắn, đường càng thuận lợi sẽ càng đỡ hao hụt và hư hỏng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực logistics cho biết giá logistics của Trung Quốc thấp hơn, kéo theo giá hàng hóa, nông sản thấp hơn, thời gian đến tay người tiêu dùng nhanh hơn. Điều này một phần là do giá bán lẻ xăng dầu tại Trung Quốc chỉ bằng 70-80% tại Việt Nam.
Đi liền với đó, giá các loại container, xe ô tô phục vụ vận chuyển hàng hóa, nông sản tại Trung Quốc chỉ bằng 50% so với giá tại Việt Nam, dù cùng một loại xe. Điều này một phần là do Trung Quốc chủ động trong khâu sản xuất ô tô, một phần là vì khi xe ô tô về Việt Nam phải trả rất nhiều loại thuế khiến người dân, HTX, doanh nghiệp phải mua xe vận chuyển hàng hóa với giá đắt hơn.
Theo tính toán, chi phí để vận chuyển 1kg rau củ quả từ Đà Lạt (Lâm Đồng) ra Hà Nội vào khoảng 3.000-4.000 đồng. Nhưng nếu cùng khoảng cách đó, 1kg nông sản ở Trung Quốc chỉ tốn khoảng 1.000 đồng.
“Đấy là chưa tính đến việc Trung Quốc rất quan tâm đầu tư hệ thống nhà xưởng sơ chế, đóng gói và hệ thống kho lạnh tập kết, bảo quản hàng hoá. Điều này cũng thúc đẩy giảm chi phí vận chuyển, giảm tỷ lệ hao hụt. Trong khi ở Việt Nam vừa thiếu kho lạnh bảo quản, nhà xưởng sơ chế và các khâu sau thu hoạch hầu như vẫn làm thủ công”, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty CP Bagico phân tích.
Nâng hiệu suất, giảm chi phí
Ths Nguyễn Thanh Tùng, Hiệp Hội rau quả Việt Nam, cho biết Hiệp hội có khoảng 300 hội viên và cộng tác viên, 125 hội viên chính thức thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề sản xuất nông nghiệp, chế biến, logistics, dịch vụ, thương mại xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, chỉ có 2 doanh nghiệp trong số 300 hội viên là doanh nghiệp đầu tư theo hình thức FDI, chiếm 0,67%. Điều này cũng cho thấy những điểm yếu nhất định trong khâu đầu tư trong vận chuyển hàng hóa cũng như các khâu sau thu hoạch.
Đó là chưa kể Việt Nam đang thiếu các kho lạnh và hệ thống bảo quản đạt chuẩn. Điều này làm gia tăng khả năng thất thoát và hư hỏng nông sản sau thu hoạch. Nhiều cơ sở sản xuất, HTX chưa đủ khả năng tiếp cận các thiết bị bảo quản nông sản tiên tiến như máy lạnh, máy sấy. Cũng vì hạn chế về kho lạnh nên khả năng bảo quản nông sản của Việt Nam ở mức ngắn hạn, không đáp ứng lâu dài để phục vụ xuất khẩu.
Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng nhiều khi người mua hàng hóa từ nước ngoài về còn nhanh hơn việc đặt hàng trong nước, cho thấy các nước gần Việt Nam phát triển rất mạnh về logistics, còn Việt Nam thì chưa làm được điều đó.
Do đó, việc cần làm hiện nay đó chính là hoàn thiện hệ thống giao thông để kết nối nông thôn với thành thị, thành thị với các cửa khẩu, cảng biển, sân bay... Hiện, chi phí logistics ở Việt Nam tăng cao ngoài do hạ tầng giao thông chưa phát triển còn do có quá nhiều trạm thu phí. Đây là chi phí ẩn kéo giảm lợi nhuận của HTX, doanh nghiệp và không phù hợp trong điều kiện thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ. Khi thương mại điện tử phát triển, việc cạnh tranh để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng sớm hơn càng cần phải quan tâm.
Hiện, việc tính toán đến tiêu thụ hàng hóa ở các quốc gia Hồi giáo như khu vực Trung Đông, Malaysia, Indonesia được khuyến khích vì vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá. Nếu tận dụng tốt sẽ giúp các đơn vị xuất khẩu giảm được chi phí logistics vì phí vận chuyển, thủ tục ở những thị trường này nhìn chung vẫn thấp hơn so với thị trường như Mỹ, EU.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một giải pháp nhất định vì nhu cầu mở rộng thị trường là đòi hỏi không thể thiếu đối với mỗi HTX, doanh nghiệp. Còn để giảm chi phí vận chuyển, điều đầu tiên là hệ thống hạ tầng trong nước cần hoàn thiện. Bởi theo nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy chế biến ở các tỉnh như Đồng Dao, Doveco..., việc vào tận các vùng trồng để thu mua nông sản còn gặp nhiều khó khăn vì vùng sâu vùng xa, giao thông chưa được đầu tư.
Trong điều kiện hiện nay, các chuyên gia của World Bank tại Việt Nam cho rằng để vận chuyển nông sản xuất khẩu tốt, ngành logistics ở Việt Nam cần hướng đến mục tiêu hoạt động hiệu suất cao hơn và giảm chi phí hơn. Đơn cử như, hiện có khoảng 70% xe tải chở hàng đi nhưng chiều về hầu như chạy rỗng.
Huyền Trang-Link gốc