Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra nhận định, các nước đang phát triển tại châu Á có thể tăng trưởng chậm hơn so với dự đoán trước đó trong 2 năm 2024 và 2025.
Trụ sở Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ảnh: Reuters
ADB đưa ra nhận định này trong dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương công bố ngày 11/12. Theo dự báo của ADB, khu vực châu Á-Thái Bình Dương không kể Nhật Bản, Australia và New Zealand sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2024 và 4,8% trong năm 2025. Con số này giảm nhẹ so với dự báo lần lượt 5,0% và 4,9% của ADB vào tháng 9/2024.
ADB chỉ ra nguyên nhân khiến tăng trưởng giảm là do hiệu suất kinh tế kém ở một số nền kinh tế trong quý III/2024 và triển vọng tiêu dùng yếu kém. Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vẫn giữ nguyên ở mức 4,8% cho năm 2024 và 4,5% cho năm 2025. Tuy nhiên, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ xuống còn 6,5% cho năm 2024, giảm từ 7,0% trước đó, và xuống 7,0% cho năm 2025, từ 7,2%.
ADB cảnh báo rằng những thay đổi trong chính sách thương mại, tài khóa và di cư của Mỹ có thể làm giảm tăng trưởng và gia tăng lạm phát tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á. Ngân hàng cũng nhấn mạnh rằng hầu hết các tác động này có thể chỉ rõ ràng trong khung dự báo từ năm 2024 đến 2025.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, dự kiến nhậm chức ngày 20/1/2025, cảnh báo về việc áp dụng các mức thuế quan có thể lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời thắt chặt quản lý di cư bất hợp pháp và kéo dài chính sách cắt giảm thuế.
ADB cũng chỉ ra rằng các rủi ro tiềm ẩn vẫn tồn tại, bao gồm khả năng Mỹ thay đổi chính sách với tốc độ nhanh hơn với quy mô lớn hơn dự kiến, cùng với căng thẳng địa chính trị leo thang và và tình hình thị trường bất động sản ở Trung Quốc xấu hơn.
Cuối cùng, ADB đã hạ dự báo lạm phát cho các năm 2024 và 2025 xuống còn 2,7% và 2,6%, giảm từ 2,8% và 2,9% trước đó, nhờ giá cả hàng hóa toàn cầu hạ nhiệt.