Ông Elon Musk và ông Vivek Ramaswamy, hai nhân vật nổi tiếng ủng hộ đồng tiền điện tử Dogecoin, sẽ có buổi gặp mặt với các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ.
Mục đích của cuộc gặp là thảo luận về dự án do Tổng thống đắc cử Donald Trump giao phó: tìm cách giúp Chính phủ Mỹ hoạt động hiệu quả hơn bằng cách cắt giảm chi tiêu. Đây là một bài toán khó mà nhiều người đã từng thử sức nhưng chưa thành công.
Ông Musk đặt mục tiêu cắt giảm 2.000 tỷ USD chi tiêu chính phủ, một con số khổng lồ so với tổng chi tiêu hàng năm của chính phủ là khoảng 6.700 tỷ USD. Phần lớn ngân sách này được dành cho các chương trình như An sinh Xã hội, Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (Medicare) và quốc phòng, vốn được xem là gần như “bất khả xâm phạm”.
Một trở ngại là việc cắt giảm ngân sách lớn như vậy đòi hỏi Quốc hội phải đưa ra những quyết định khó khăn, có thể ảnh hưởng đến các chương trình được người dân ủng hộ. Hiến pháp Mỹ trao quyền kiểm soát ngân sách cho Quốc hội. Tuy nhiên, ông Trump từng đề xuất rằng tổng thống cần có quyền không chi tiêu hết số tiền được Quốc hội phê duyệt, một hành động gọi là "tạm giữ ngân sách".
Vấn đề "tạm giữ ngân sách" không phải là mới. Từ lâu, Nhà Trắng, Quốc hội và tòa án đã tranh luận về quyền hạn của tổng thống trong việc giữ lại ngân sách. Năm 1974, sau bất đồng với Tổng thống lúc đó là ông Richard Nixon, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Kiểm soát Tạm giữ Ngân sách, hạn chế quyền này của tổng thống. Nghị sĩ Susan Collins, người có thể sẽ lãnh đạo Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện, khẳng định đây là cơ chế quan trọng để kiểm soát quyền lực của tổng thống.
Nhưng ông Trump đã tuyên bố sẽ kiện ra tòa hoặc vận động Quốc hội bãi bỏ đạo luật này. Tuy nhiên, việc bãi bỏ đạo luật khó có thể xảy ra do Đảng Cộng hòa chỉ nắm giữ đa số sít sao ở cả hai viện. Vì vậy, nhiều khả năng ông Trump sẽ đệ đơn kiện hoặc tự ý giữ lại ngân sách, bất chấp luật pháp và có thể sẽ bị kiện ngược lại.
Dù bằng cách nào, cuộc chiến về chi tiêu ngân sách này nhiều khả năng sẽ được đưa ra tòa án.
Khánh Ly-Link gốc