Nhiều cổ phiếu vận tải và cảng biển tăng giá mạnh từ giữa tháng 11 đến nay. Triển vọng ngành vận tải và cảng biển sáng nhờ xu hướng tăng sản lượng thông qua và thay đổi liên minh giữa các hãng tàu.
Phiên ngày 20/12, thị trường chứng khoán giao dịch khởi sắc trở lại khi VN-Index tăng nhẹ 2,83 điểm lên 1.257,5 tỷ đồng, UPCoM-Index tăng 0,67 điểm lên 93,39 điểm và HNX-Index giảm 0,47 điểm.
Thanh khoản tại HoSE lại trở về mức thấp 13.495 tỷ đồng, giảm 24% so với phiên liền trước, UPCoM cũng giảm từ 1.702 tỷ xuống 1.310 tỷ đồng và HNX giảm từ 1.182 tỷ xuống 833 tỷ đồng.
Bên cạnh sự nổi bật của cổ phiếu lớn như
HVN tăng trần, VNM tăng gần 2% thì nhóm vận tải và cảng biển cũng nổi sóng trong phiên 20/12. Cụ thể,
VOS,
MVN cùng tăng kịch trần;
VNA,
SGP,
PHP,
VIP tăng từ 5 – 6%.
Nhìn lại,
MVN tăng giá mạnh từ vùng 31.200 đồng/cp đầu tháng 11 đến lên 55.000 đồng/cp, tức tăng 76% trong gần 2 tháng. Tương tự,
VOS tăng từ 13.500 đồng/cp lên 16.850 đồng/cp,
VIP tăng từ 12.600 đồng/cp lên 14.750 đồng/cp. Đặc biệt, cổ phiếu
PHP tăng từ vùng 27.000 đồng/cp giữa tháng 10 lên 41.200 đồng/cp. Tuy nhiên, cổ phiếu các doanh nghiệp đầu ngành khác như
GMD,
VSC chưa phục hồi đáng kể.
Doanh nghiệp vận tải và cảng biển thi nhau đầu tư lớn
Ngành vận tải và cảng biển đang đứng trước nhiều cơ hội trong năm 2025. Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu, CTCP Chứng khoán VPBank đánh giá có 4 xu hướng cần chú ý đối với ngành này trong năm sau.
Thứ nhất, giá cước cho thuê tàu định hạn và tàu container 40 Feet đã điều chỉnh nhưng vẫn cao hơn nhiều so với trước dịch bệnh Covid-19. Những sự kiện tác động như căng thẳng biển Đỏ, tắc cảng Hông Kông, Singapore đều đã phản ánh và các chủ tàu cũng thích nghi với việc kéo dài tuyến ra.
Thứ hai, lượng container thông cảng toàn cầu 8 tháng tăng 20% so với cùng kỳ. Đồng thời ông Trump tái đắc cử có thể làm tăng sản lượng hàng hóa thông quan hơn. Bởi, nhìn lại 2019 khi ông Trump chuẩn áp thuế cho hàng loạt hàng hóa từ nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc thì nhu cầu hàng hóa toàn cầu tăng lên mạnh trong 3 tháng do các nhà bán lẻ tăng cường tích trữ hàng hóa giá rẻ.
Thứ ba, các hãng tàu cung cấp dịch vụ hàng hải và container có xu hướng tăng đặt tàu mới, cung container toàn cầu có thể tăng 5,5% trong năm 2025. Thương mại hóa toàn cầu trong năm sau được dự báo tăng khoảng 3,1% và chưa tính đến yếu tố ông Trump tái đắc cử. Lượng container tăng cao hơn nhu cầu, có thể tác động đến giá container và tàu container điều chỉnh.
Thứ tư, xu hướng thay đổi liên minh các hãng tàu từ tháng 2/2025 làm thay đổi chuyến tàu, lịch trình làm thay đổi thị trường cảng biển. Trong đấy, một số hãng tàu như MSC có cổ phần ở một số cảng Việt Nam thì họ ưu tiên cập cảng đó. Xu hướng này làm tăng nhu cầu sử dụng cảng nước sâu trong năm 2025 – 2026.
Ông Dương cho rằng xu hướng tăng sản lượng thông quan và thay đổi liên minh giữa các hãng tàu đang rất có lợi cho cảng biển Việt Nam, một số cảng nước sâu hưởng lợi như Gemalink của Gemadept, cảng Cái Mép…. Tuy nhiên, nhìn sâu vào nội tại thì cạnh tranh cũng lớn. Cụm cảng Hải Phòng chịu sức ép cạnh tranh gay gắt hơn cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Đây là điều cần chú ý vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp cảng biển.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cảng và vận tải biển ra sức đầu tư. Gemadept (mã:
GMD) vừa thu về hơn 3.000 tỷ đồng trong đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng gần đây. Doanh nghiệp sẽ dùng nguồn tiền thu được để mua tàu biển và trả nợ ngân hàng. Cảng Hải Phòng (mã: HPH) đang triển khai dự án cảng nước sâu Lạch Huyện 3-4 có vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động trong quý I/2025.
Vosco (mã:
VOS) lên kế hoạch đầu tư 10 tàu, bao gồm 2 tàu hàng rời cỡ Supramax, đóng 4 tàu cỡ Ultramax, 4 tàu dầu sản phẩm cỡ MR. PV Trans (mã:
PVT) dự kiến sẽ đầu tư 35 – 40 tàu trong giai đoạn 2024 – 2025 với mục tiêu nâng đội tàu lên 85 chiếc vào cuối năm 2025. Riêng năm 2024, doanh nghiệp muốn đầu tư 21 tàu mới gồm 13 tàu chở dầu, hóa chất, 4 tàu chở dầu khí hóa lỏng (LPG) và 4 tàu chở hàng rời tổng mức đầu tư dự kiến 492 triệu USD.