Bốn ngân hàng yếu kém có sự chuyển biến tích cực về sức khỏe tài chính sau khi được chuyển giao bắt buộc cho bốn “ông lớn”, trong đó lãnh đạo VPBank và MB đều tự tin khẳng định sẽ đưa GPBank và MBV có lãi trở lại trong năm nay.
Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) mới đây, ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch HĐQT VPBank thông tin ngày 28/4 vừa qua VPBank đã công bố danh sách nhân sự được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt cho GPBank. Đây là một trong những bước quan trọng trong đề án tái cơ cấu. Cùng với đó, việc xây dựng chiến lược cho GPBank cũng sắp hoàn tất với sự hỗ trợ tư vấn từ McKinsey.
Theo chủ tịch VPBank, trước khi nhận chuyển giao, GPBank lỗ hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm và kéo dài trong vòng 20 năm. "Dù năm nay còn 8 tháng, chúng tôi vẫn đặt mục tiêu ngân hàng này có lãi 500 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi lỗ kéo dài", ông Dũng khẳng định. GPBank đã không công bố báo cáo tài chính kể từ năm 2011.
Trong khi đó, lãnh đạo MB cũng tiết lộ mục tiêu MBV có lãi trong năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo MB cho biết sẽ giữ nguyên phương án kinh doanh đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong đề án 3 năm cho MBV. MB sẽ hỗ trợ MBV rất mạnh mẽ về chuyển giao giải pháp và công nghệ. Chỉ qua công nghệ số thì MBV mới có thể có được doanh số như đề án mong đợi. Với quy mô nhỏ và mới, MBV sẽ tập trung vào việc chăm sóc khách hàng hiện hữu tốt hơn.

Lãnh đạo MB kỳ vọng MBV có lãi ngay trong năm nay
Trong khi đó, với hai ngân hàng yếu kém còn lại, lãnh đạo các nhà băng cũng kỳ vọng sự khởi sắc trong năm nay.
Tại ĐHĐCĐ vừa qua, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết: "VCBNeo đang được định hướng phát triển dựa trên công nghệ hiện đại, qua đó tối ưu chi phí. Mục tiêu là xây dựng mô hình ngân hàng số có tính tự chủ cao, phục hồi hiệu quả và bền vững. Vietcombank đang tiếp tục hoàn thiện chiến lược toàn diện để tái cấu trúc ngân hàng, chúng tôi chắc chắn lộ trình sẽ thành công và sẽ thông tin thêm khi có kết quả cụ thể".
Với Vikki Bank, ông Phạm Quốc Thanh, Quyền Tổng Giám đốc HDBank, thông tin ngân hàng này sẽ tập trung phát triển trên nền tảng số, hướng đến khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ, phù hợp với định hướng tích hợp hệ sinh thái tài chính của HDBank. Với nguồn lực nội tại và sự hỗ trợ từ NHNN, quá trình tái cấu trúc Vikki kỳ vọng đạt được hiệu quả toàn diện như mục tiêu đề ra.
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, NHNN đã cập nhật công tác tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đến nay. Theo đó, NHNN đã ban hành 4 quyết định chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á, một dấu mốc quan trọng trong lộ trình xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng.
Sau chuyển giao bắt buộc, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm.
Riêng với SCB, NHNN cho hay, trên cơ sở phương án cơ cấu lại SCB của nhà đầu tư, NHNN đã có Tờ trình báo cáo Chính phủ về Phương án cơ cấu lại SCB. Ngày 18/4/2025, NHNN đã có Tờ trình số 40/TTr-NHNN trình Thủ tướng Chính phủ về việc giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ.
“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 29/4/2025, NHNN đang tiếp tục hoàn thiện phương án cơ cấu lại SCB và sẽ có Tờ trình Báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định”, Thống đốc cho biết.
NHNN khuyến khích các TCTD nước ngoài tham gia hỗ trợ xử lý các vấn đề khó khăn, yếu kém của các TCTD trong nước; khuyến khích các TCTD nước ngoài đi đầu trong việc phát triển và áp dụng các công nghệ hiện đại, đưa các sản phẩm, dịch vụ mới tới thị trường Việt Nam.
Đồng thời, khuyến khích TCTD nước ngoài hỗ trợ TCTD trong nước tiếp cận với các quy trình, sản phẩm, công nghệ mới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về sản phẩm và dịch vụ.
Đối với TCTD nước ngoài hoạt động kém hiệu quả, rủi ro cao hoặc chưa đáp ứng chuẩn mực an toàn được cảnh báo kịp thời và yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như tăng vốn điều lệ, xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, hiện nay, các TCTD nước ngoài đang tích cực triển khai phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện có 9 ngân hàng 100% vốn ngoại và 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Suốt 8 năm qua, không có thêm ngân hàng 100% vốn nước ngoài nào được thành lập tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các ngân hàng số thế hệ mới - tái định vị thương hiệu từ các ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc, gồm MBV, Vikki Bank, VCBNeo - đang góp phần hình thành hành lang pháp lý mới cho khối ngoại gia nhập lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.
Theo Luật Các TCTD 2024, room vốn ngoại tại một ngân hàng nội địa là 30%. Tuy nhiên, các ngân hàng số thế hệ mới thì không bị giới hạn sở hữu vốn ngoại, vì được thành lập dưới hình thức công ty TNHH một thành viên. Điều này cho phép nhà đầu tư ngoại có thể mua 100% vốn các ngân hàng số thế hệ mới nói trên mà không cần sửa Luật.
Nói cách khác, việc chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém thời gian qua cùng với việc thay đổi hình thức hoạt động của các ngân hàng này sang ngân hàng số mở ra cơ hội hiếm hoi cho nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực ngân hàng.
Thanh Hoa-Link gốc