Được coi là “tấm đệm” ổn định tỷ giá, dự trữ ngoại hối luôn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cường tích trữ. Biến động tỷ giá thời gian qua, NHNN đã bán ra khoảng 9,4 tỷ USD trong năm 2024 để ổn định tỷ giá, dự trữ ngoại hối còn khoảng 80 tỷ USD.
Trong báo cáo vĩ mô nhìn lại diễn biến thị trường tiền tệ năm 2024, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết tỷ giá USD/VND đã có một năm biến động tương đối mạnh với áp lực mất giá tiền đồng đặc biệt tăng cao trong quý II và quý IV.
Theo VDSC, diễn biến tỷ giá USD/VND năm nay sẽ phụ thuộc vào xu hướng lên xuống của đồng USD, hệ số tương quan của chỉ số US Dollar Index (DXY) và tỷ giá USD/VND trong năm 2024 là 0,67, tăng nhẹ so với mức 0,63 trong năm 2023.
So với đầu năm, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm 1,9% lên mức 24.320 đồng/USD. Tỷ giá trên thị trường chính thức tăng khoảng 4,8% lên 25.430 đồng/USD, đồng thời tỷ giá trên thị trường tự do tăng 4,3% lên 25.840 đồng/USD.
Biến động tỷ giá thời gian qua, NHNN đã bán ra khoảng 9,4 tỷ USD trong năm 2024 để ổn định tỷ giá, dự trữ ngoại hối còn khoảng 80 tỷ USD.
“Như vậy, biến động tỷ giá năm nay vẫn nằm trong biên độ cho phép của NHNN”, VDSC đánh giá.
VDSC cho biết, để kiểm soát áp lực mất giá của tiền đồng, NHNN đã can thiệp bán ngoại tệ vào những giai đoạn tỷ giá trên thị trường chạm trần biên độ. Các đợt bán ngoại tệ của NHNN có thể chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 4-7/2024 với quy mô khoảng 6,5 tỷ USD; Giai đoạn 2 diễn ra ít dồn dập hơn từ tháng 9-12/2024 với quy mô khoảng 2,8 tỷ USD. Tính chung cả năm 2024, NHNN bán ra khoảng 9,4 tỷ USD.
VDSC ước tính dự trữ ngoại hối cuối năm 2024 khoảng 80 tỷ USD, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu, thấp hơn mức được ghi nhận là 3,3 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2023.
Ngoài việc bán ngoại tệ để kiểm soát đà mất giá của tiền đồng, NHNN cũng tiến hành can thiệp trên thị trường mở thông qua việc kiểm soát hành lang lãi suất. Hoạt động hút ròng thường gia tăng trong những giai đoạn tỷ giá tăng cao như giai đoạn tháng 5-6/2024 hay tháng 10 và tháng 12/2024. Tính chung cả năm 2024, quy mô điều tiết thanh khoản trên thị trường mở của NHNN tương đối nhỏ, hút ròng khoảng 28 nghìn tỷ đồng, so với quy mô bơm ròng khoảng 66 nghìn tỷ đồng trong năm 2023.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng ước tính dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến hết tháng 6/2024 là khoảng 84,1 tỷ USD, chiếm 19% so với GDP. Doanh số bán ròng ngoại hối của Việt Nam từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024 là 1,5% GDP, tương đương khoảng 6 tỷ USD.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo cập nhật về tình hình dự trữ ngoại hối quốc tế tính đến cuối quý III/2024. Theo đó, top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự trữ ngoại hối quốc tế lớn nhất thế giới bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Sỹ, Ấn Độ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Ả rập Xê út, Hồng Kông, Hàn Quốc, Brazil.
Dự trữ ngoại hối bao gồm ngoại tệ, vàng, tiền gửi ngoại tệ, trái phiếu kho bạc và chứng khoán khác của chính phủ…
Thanh Hoa-Link gốc