• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.267,35 -1,51/-0,12%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.267,35   -1,51/-0,12%  |   HNX-INDEX   227,99   -0,19/-0,08%  |   UPCOM-INDEX   92,68   -0,06/-0,07%  |   VN30   1.335,55   -0,93/-0,07%  |   HNX30   484,74   -0,74/-0,15%
12 Tháng Mười Hai 2024 3:32:54 CH - Mở cửa
Chuỗi giá trị cao của Mỹ đang chờ doanh nghiệp Việt đặt ‘nền móng’ sâu hơn
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 09/12/2024 9:26:45 SA

Trước dư địa lớn trong hợp tác đầu tư, thương mại Việt - Mỹ, để trở thành đối tác và nhà cung cấp đáng tin cậy cho chuỗi giá trị chất lượng cao của Mỹ đang cần các doanh nghiệp Việt đặt “nền móng” sâu hơn. Điều này đến từ việc cần nhân rộng mô hình “liên minh chiến lược”, nâng cấp công nghệ, tối ưu nhân lực chất lượng cao, đầu tư Nghiên cứu và Phát triển (R&D), xây dựng lòng tin với đối tác.

Quyết định sự hiện diện, đầu tư tại Việt Nam trong thượng tuần tháng 12/2024 từ hai tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ là Nvidia (sẽ mở Trung tâm R&D và Trung tâm Dữ liệu Trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thúc đẩy ứng dụng AI, rồi mua lại VinBrain - công ty chuyên về AI của Vingroup) và Google (mở công ty Google Việt Nam, sẽ hoạt động từ tháng 4/2025) được dư luận đánh giá là tín hiệu rất tích cực cho hoạt động thu hút đầu tư. Điều này cũng sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp (DN) công nghệ của Việt Nam nếu nắm bắt thời cơ để tham gia vào chuỗi giá trị của họ.

Nên nhân rộng mô hình “liên minh chiến lược”

Ts. Lê Cao Thanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Trường Đại học Công Thương Tp.HCM), nhận định khi Mỹ chuyển dịch sự quan tâm sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và chiến lược cân bằng với Trung Quốc có thể mở ra “làn sóng” đầu tư vào Việt Nam tăng cao. Đây là điều kiện rất tốt để các DN Việt Nam xuất khẩu tại chỗ và tham gia chuỗi cung ứng với các ngành thuộc hoạt động chính và hỗ trợ tại chỗ.

Để đặt “nền móng” sâu vào chuỗi giá trị cao của Mỹ đang cần các DN Việt đầu tư vào công nghệ mới và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Và như lưu ý của ông Thanh, trong tình huống Mỹ gặp quá nhiều vấn đề với các đối tác thương mại lớn như Trung quốc, Nhật, EU, Ấn Độ, một nền kinh tế tiềm năng và có sự ổn định như Việt Nam là một lựa chọn ưu tiên của Mỹ. Tình huống đó rất dễ xảy ra trong giai đoạn 2025-2030.

Chính vì vậy, vị chuyên gia này kiến nghị cần nhân rộng mô hình “liên minh chiến lược” giữa DN Việt Nam và DN Hoa Kỳ (tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ). Cụ thể là đẩy mạnh mô hình liên doanh, hợp tác đầu tư, triển khai các dự án bổ trợ cho chuỗi giá trị (chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ quản lý, kiểm soát chất lượng đồng bộ theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ…).

Còn theo Ts. Scott McDonald, chuyên gia ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics (Đại học RMIT), việc xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với các DN Hoa Kỳ ngày càng trở nên quan trọng. Nhiều công ty Việt Nam không còn chỉ dừng lại ở vai trò nhà cung cấp mà đã thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược với DN Hoa Kỳ, bao gồm phát triển sản phẩm chung, hợp tác nghiên cứu thị trường và các hợp đồng cung ứng dài hạn để ứng phó với những biến động thị trường.

Theo ông Scott McDonald, xu hướng chuyển đổi từ mối quan hệ nhà cung cấp đơn thuần sang mối quan hệ đối tác toàn diện đang ngày càng rõ nét. Nhiều công ty Việt Nam đã mở văn phòng tại Hoa Kỳ, xây dựng mạng lưới phân phối và phát triển quan hệ trực tiếp với khách hàng cuối cùng. Việc hiện diện ngay tại thị trường này giúp họ duy trì tính cạnh tranh bất chấp sự gia tăng của các rào cản thuế quan.

Như chia sẻ của vị chuyên gia RMIT, thay vì chỉ cạnh tranh về giá, các nhà sản xuất Việt Nam đang hướng tới phát triển các sản phẩm độc đáo và khả năng chuyên biệt, khiến họ trở thành đối tác giá trị của các DN Hoa Kỳ. Điều này bao gồm đầu tư vào R&D, thiết kế sản phẩm tùy chỉnh và nâng cao hệ thống kiểm soát chất lượng. 

Có thể thấy việc “đặt nền móng” cho DN Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của Mỹ là rất quan trọng trong lúc này. Đây cũng là cách để Việt Nam củng cố hệ sinh thái kinh doanh nhằm trở nên bền vững hơn và hấp dẫn hơn đối với dòng vốn FDI chất lượng cao từ Mỹ. 

Xây dựng lòng tin với đối tác

Trong đó, một trong những “nền móng” cấp bách đối với các DN Việt là cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để cao để đáp ứng yêu cầu mới. Chẳng hạn như việc thành lập trung tâm R&D tại Việt Nam của Nvidia, một trong những thách thức phải đối mặt là làm sao có được đội ngũ am hiểu sâu về Trí tuệ nhân tạo (AI) và những lĩnh vực mới trong công nghệ thông tin (IT) với đẳng cấp của Mỹ.

Nên biết thêm, trong báo thị trường IT Việt Nam 2024 - 2025 của TopDev có cho biết cần bổ sung ít nhất 500.000 lao động công nghệ từ nay đến năm 2025 để đáp ứng nhu cầu. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với DN trong việc triển khai các chương trình đào tạo upskilling (giúp nhân lực nâng cao những kỹ năng tiên tiến mới) và reskilling (đào tạo lại kỹ năng) cho nhân viên.

Như lưu ý của TopDev, một trong những thách thức lớn đối với thị trường lao động IT là sự gia tăng yêu cầu tuyển dụng các vị trí có kinh nghiệm, đặc biệt trong các lĩnh vực phức tạp như trí tuệ nhân tạo. Nhu cầu về những chuyên gia giàu kinh nghiệm vượt xa nguồn cung, tạo áp lực lớn lên các DN.

Trong khi đó, Báo cáo Cơ hội AI cho Việt Nam - Một số khuyến nghị (AI Opportunity Agenda for Vietnam) của Google cho thấy Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt chuyên gia AI, với ước tính chỉ có khoảng 300 chuyên gia AI trong nguồn nhân lực.

Cho nên, điều cần thiết là giải quyết tình trạng thiếu nhân tài AI nhằm nâng cao sức cạnh tranh của ngành AI Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghệ AI của Mỹ. 

Do vậy, để tham gia sâu vào chuỗi giá trị của Mỹ, Ts. Lê Cao Thanh cho rằng một trong những vấn đề mà các DN Việt cần làm là tập trung vào việc đào tạo kỹ năng tay nghề người lao động đáp ứng yêu cầu công nghệ. Đào tạo đội ngũ chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ cao.      

Mặt khác, Ts. Thanh có lời khuyên cho các DN trong nước đầu tư công nghệ theo yêu cầu của thị trường Hoa Kỳ, nếu đủ năng lực thì đầu tư công nghệ của Hoa Kỳ. Tại các tập đoàn lớn và các hiệp hội ngành hàng của Việt Nam cũng cần phát triển mô hình Trung tâm nghiên cứu R&D. Hơn nữa, các DN cần áp dụng tiêu chuẩn Hoa Kỳ trong sản xuất và quản lý, trong cung ứng nguyên liệu. Họ nên đăng ký kiểm định để đạt chuẩn Hoa Kỳ và kiểm định quốc tế, như ISO, HACCP.

Ngoài ra, điều không thể thiếu để “đặt nền móng” với chuỗi giá trị Mỹ là các cần tăng cường năng lực tuân thủ thương mại. Ts. Scott McDonald cho việc việc đầu tư vào chuyên môn và hệ thống nhằm đảm bảo quá trình thông quan trôi chảy không chỉ giúp duy trì vị thế là đối tác tin cậy của các cơ quan Hoa Kỳ mà còn xây dựng lòng tin với đối tác và giảm thiểu các rào cản trong giao dịch.

Song song đó, với các DN Việt khi tham gia vào một chuỗi giá trị của Mỹ đòi hỏi họ cần ưu tiên cho các lĩnh vực, các ngành mà phía Hoa Kỳ quan tâm. Nhất là nắm rõ hành lang pháp lý, các thủ tục và các cam kết. Khi lựa chọn chuỗi giá trị có thể tham gia cùng đối tác Mỹ, họ nên xác định rõ vai trò của mình, xác định rõ quy mô và tỷ lệ giá trị của hoạt động mà mình tham gia trong tổng giá trị của chuỗi.

Thế Vinh-Link gốc