Nhu cầu thị trường nhập khẩu lớn cộng với lộ trình cắt giảm thuế quan trong hiệp định EVFTA tạo lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vào thị trường châu Âu.
Từ những số liệu tổng hợp về tình hình xuất khẩu nông sản, cụ thể là thực phẩm, thuỷ sản, trái cây, thức ăn chăn nuôi của Việt Nam và một số quốc gia xuất khẩu lớn vào châu Âu, ông Nima Brahim - Chuyên gia phát triển công nghiệp Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đánh giá, trong 10 năm qua, Việt Nam cải thiện khá tốt giá trị đơn hàng xuất khẩu vào châu Âu, nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật và đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu về an toàn thực phẩm, phát triển bền vững. So với các nhà xuất khẩu trong khu vực, hàng hoá, sản phẩm của Việt Nam không bị từ chối nhiều, nhất là liên quan đến giá trị đơn hàng nên vẫn giữ được tính ổn định.
Thị trường châu Âu kiểm soát chặt chẽ và khắt khe về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm với hàng hoá nông sản, thực phẩm nhập khẩu
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tiềm năng xuất khẩu nông sản Việt Nam vào châu Âu rất lớn. Mỗi năm các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng 4% từ Việt Nam.
Ngoài thế mạnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi bật, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn có lợi thế lớn là thuế suất nhập khẩu theo hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan, nông sản cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng hàng hoá, thận trọng trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất bảo quản thuộc danh mục cấm của EU. Thị trường này rất quan tâm và kiểm soát rất chặt chẽ vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm…
Ngay từ đầu năm EU đã cập nhập ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phê chuẩn kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản Việt Nam tập trung vào hàng thuỷ sản, mật ong, đang xem xét với trứng, sữa.
Theo cảnh báo của Bộ Công Thương, khi hàng hóa bị kiểm tra phát hiện sử dụng các chất cấm hoặc vượt ngưỡng theo quy định của EU thì sẽ bị trả về. Phía EU lập tức cảnh báo trên hệ thống của toàn EU và rút các sản phẩm đó khỏi kệ hàng, trả lại.
Từ những số liệu tổng hợp một số hàng hoá từ các nhà xuất khẩu trong khu vực bị EU trả về, ông Nima Brahim đánh giá, từ năm 2010-2020, với mặt hàng thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Việt Nam (mã HS 01, HS 23) đã giảm dần theo các năm và đang có tỷ lệ thấp. Trong khi các nước khác dù đã có cải thiện nhưng do có một số vụ việc nghiêm trọng xảy ra gần đây nên tỷ lệ bị trả lại vẫn còn cao.
Về lý do bị từ chối, mỗi quốc gia có vấn đề nổi cộm khác nhau, chẳng hạn như Ấn Độ, vấn đề lớn nhất là tỷ lệ nhiễm kim loại nặng. Vấn đề lớn nhất trong sản phẩm thực phẩm của Việt Nam nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn chéo (chiếm 21%), tiếp đến là dư lượng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật (chiếm 16%).
Hàng hoá thực phẩm nông sản Việt Nam cần tuân thủ nghiêm ngặt hơn với quy định về chất lượng an toàn thực phẩm (ảnh minh hoạ)
Với mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu (mã HS 03), vẫn còn có một số vấn đề tồn tại khiến cho một tỷ lệ nhất định hàng hoá bị trả lại liên quan chính đến kim loại nặng, dư lượng thuốc thú y… Với mặt hàng trái cây (mã HS 08), vấn đề lớn nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khiến trái cây Việt Nam vẫn đối mặt với nút thắt, chưa đi được vào thị trường châu Âu một cách thoải mái.
Tuy chưa ở mức báo động nhưng ông Nima Brahim cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề trên một cách trực diện để có giải pháp tuân thủ nghiêm ngặt hơn. “Đừng để sự việc như vậy xảy ra để ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam. Tôi cũng rất vui mừng khi nhận thấy, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã có những động thái mạnh mẽ để cải thiện điểm nghẽn này” - ông Nima Brahim nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp cần quan tâm cập nhật thông tin mới về dư lượng cho phép, kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm; nhất là luôn giữ ổn định chất lượng sản phẩm, chất lượng các lô hàng, tránh tình trạng những lô đầu tốt, những lô sau bị kém chất lượng sẽ bị trả về và khó khăn đưa hàng trở lại thị trường.
Hạnh Lê