Sau tuần giảm mạnh vừa qua, giá lúa gạo được kỳ vọng sẽ nóng trở lại khi các thị trường nhập khẩu và xuất khẩu có diễn biến mới.
Trong tuần qua, khảo sát thị trường cho thấy giá lúa giảm mạnh từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Nguyên nhân sụt giảm là do tâm lý khi vào vụ nguồn cung dồi dào nên nhà mua chưa vội thu mua vào mà chờ giá tốt hơn. Đây là điều bình thường trong những năm qua. Giá gạo trong nước cũng biến động mạnh, giảm 1.200 - 1.500 đồng/kg.
Dự báo đà giảm không kéo dài
Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo xuất khẩu ngày 26/12 đi ngang sau phiên giảm mạnh. Cụ thể, giá gạo 25% tấm xuất khẩu ở mức 584 USD/tấn. Giá gạo 5% tấm ở mức 609 USD/tấn. Với mức giá trên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống mức thấp hơn giá gạo của Thái Lan, Pakistan và mất vị trí cao nhất thế giới.
Giá lúa gạo được dự báo sẽ quay trở lại đà tăng trong năm 2024.
Mặc dù vậy, bước sang tuần mới, thị trường bắt đầu có những tín hiệu lạc quan hơn. cụ thể ngày 27/2, giá lúa gạo ở Đồng bằng Sông Cửu Long bắt đầu tăng nhẹ, thị trường sôi động hơn.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định giá lúa trong nước và giá gạo xuất khẩu biến động trong suốt tuần vừa qua do các nguyên nhân như về thị trường, vị trí nhà nhập khẩu lớn thứ 2 đã có sự thay đổi. Nếu như năm 2022 và 2023, Trung Quốc và Indonesia lần lượt chiếm giữ vị trí này thì bước sang tháng đầu năm 2024, Pháp vươn lên vị trí thứ 2 với sản lượng nhập khẩu tăng đột biến.
Cụ thể, sản lượng xuất khẩu gạo sang Pháp trong tháng 1 đạt 17.919 tấn, tương đương 18,64 triệu USD, tăng mạnh 16.339% về lượng và tăng 18.356% về kim ngạch so với tháng 12/2023. Giá bình quân đạt 1.040,2 USD/tấn, cao nhất trong tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong khi tháng 1/2023 không xuất khẩu gạo sang thị trường này.
“Với sự biến động này, bản thân doanh nghiệp cũng phải chờ đợi xem cơ cấu nhập khẩu gạo của các nước như thế nào? Hiện nay, gần như các nhà cung cầu (bao gồm cả nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, nhà thu mua, nhà xay xát) đều có tâm lý nghe ngóng thị trường”, ông Thủy phân tích.
Bên cạnh đó, hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long, giống lúa chống hạn chỉ còn 2 tuần nữa là thu hoạch hết. Nhưng nguồn cung giống lúa không chống hạn còn có thể kéo dài và thu hoạch sang cuối tháng 3/2024. Lúa vụ mùa Đông Xuân bao giờ cũng đi kèm với chất lượng tốt và sản lượng lớn. Bản thân các doanh nghiệp đều muốn mua gạo này để chuẩn bị cho các hợp đồng ký vào đầu năm. Đồng thời, có thể đặt ra khung giá được đánh giá như “bàn đạp” để có thể xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm. Do đó, doanh nghiệp mua bán gạo cầm chừng do vừa tác động của yếu tố thị trường, vừa để xây dựng nền tảng dài hơi trong năm nay.
Động thái mới từ thị trường Indonesia
Về nhận định giá gạo xuất khẩu như thế nào? Các chuyên gia cũng đã đưa ra nhận định, giá gạo xuất khẩu sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt bởi các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Tác động của El Nino đối với các khu vực trồng lúa chính đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung.
Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy bày tỏ ông cũng cùng chung quan điểm này. “Về ngắn hạn, tôi cho rằng, giá gạo xuất khẩu sẽ tăng nhẹ trở lại trong thời gian tới. Nếu dự báo này là đúng thì những doanh nghiệp thu mua lúa thời điểm này sẽ có lợi”, ông Thủy nói.
Thực tế, các nhà phân tích thị trường cũng nhận định, do nguồn cung bị thắt chặt, nên xu thế giảm của giá gạo sẽ không thể kéo dài. Ngược lại giá gạo xuất khẩu sẽ còn biến động theo chiều hướng tăng trong năm 2024.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, ngày 26/2/2024, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Zulkifli Hasan cho biết, Chính phủ Indonesia vừa mới quyết định tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn do sản xuất gạo trong nước bị thiếu hụt xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước canh tác, ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023.
Với lượng gạo nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn, tổng lượng lượng gạo hạn ngạch Chính phủ quyết định nhập khẩu trong năm 2024 sẽ là 3,6 triệu tấn. Cho đến nay, Bộ Thương mại Indonesia đã cấp giấy phép nhập khẩu gạo cho 2 triệu tấn. Giấy phép nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn sẽ sớm được ban hành sau khi hoàn tất một số thủ tục hành chính liên quan.
Trong vài ngày gần đây, giá gạo tại thị trường Indonesia đang gia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng, tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu. Hiện tượng gạo khan hiếm tại các siêu thị đã xuất hiện.
Với tình hình gạo đang thiếu hụt nghiêm trọng, trong bối cảnh mùa vụ thu hoạch chính vụ chưa bắt đầu và tháng Lễ Ramadan của người Hồi giáo sẽ bắt đầu trung tuần tháng 3/2024 và kéo dài trong 01 tháng khiến nhu cầu lương thực, thực phẩm sẽ tiếp tục gia tăng mạnh. Dự báo Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1/2024 vừa qua (trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn).
Do vậy, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia này.
Trong một diễn biến khác, nhà xuất khẩu gạo chiếm tỷ trọng hàng đầu thế giới là Ấn Độ gần đây liên tiếp đưa ra hai thông tin quan trọng là gia hạn thuế xuất khẩu 20% vô thời hạn với gạo đồ và mời thầu 35.000 tấn gạo trắng 25% tấm (non-basmati). Theo các số liệu về xuất khẩu gạo của Ấn Độ, mỗi năm nước này xuất khẩu từ 7 - 8 triệu tấn gạo đồ, việc gia hạn thuế nhằm đảm bảo an ninh lương thực và chống lạm phát trước kỳ bầu cử sắp tới.
Thực tế, ngay sau Tết Giáp Thìn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đã nhận được đơn hàng tới quý II/2024. Đơn cử, nhà máy chế biến gạo của Công ty CP giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) hoạt động hết công suất. Trung bình 1 tháng nhà máy này xuất từ 400 - 500 tấn gạo, sản lượng gạo tăng gấp đôi so với cùng kỳ nhờ tín hiệu tốt từ các thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Anh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam (Vinaseed Group), cho biết 3 nhà máy hiện nay chạy hết công suất để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Giá xuất khẩu với gạo thương hiệu khá cao, một số loạt đạt trên 1.000 USD/tấn, cấp trung 850 USD/tấn. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu chính như Nga, Ukraine, EU, Anh, Úc, DN này cũng đang tính đến mở rộng thị trường sang các nước Bắc Âu.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), xuất khẩu gạo nửa đầu tháng 2 (từ ngày 1/2 - 15/2) đạt 150.944 tấn, trị giá 104,33 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2, xuất khẩu gạo đạt 663.209 tấn, trị giá 466,6 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 703,5 USD/tấn.
So với cùng kỳ năm 2023, lượng gạo xuất khẩu đã tăng 14,4% (tăng hơn 83.000 tấn); trong khi đó, trị giá xuất khẩu tăng tới 53% (tăng gần 161 triệu USD). Mức giá xuất khẩu gạo bình quân 703,5 USD/tấn, tăng tới 33,65% so với cùng kỳ năm 2023 (chỉ đạt khoảng 526 USD/tấn).
Nhật Linh