Nhìn từ triển vọng tích cực của cà phê, rau quả, hồ tiêu hay thách thức ở ngành thủy sản sẽ thấy, để xuất khẩu nông sản trong năm 2024 đạt giá trị cao hơn, thiết lập những kỷ lục mới về kim ngạch thì điều kỳ vọng là cần có sức bật mới trong chế biến sâu. Để từ đó giúp ngành hàng nông sản Việt vừa tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn vừa có được những sản phẩm nổi trội, thu về giá trị cao hơn.
Ngay trong tháng đầu của năm 2024, xuất khẩu (XK) cà phê đã gây ấn tượng mạnh với kim ngạch đạt 621 triệu USD, tăng đến 99,6% so với cùng kỳ năm 2023. Giá cà phê XK hiện đạt 2.955 USD/tấn, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm rồi cũng là điều đáng mừng. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp (DN) XK cà phê Việt Nam được cho là đã kín các đơn hàng trong quý 1/2024.
Nhanh chóng bắt nhịp “khẩu vị”
Sau khi kim ngạch XK cà phê hồi năm 2023 tăng 4,6% lên mức cao kỷ lục đạt 4,24 tỷ USD, giới quan sát dự báo XK cà phê của Việt Nam sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới trong năm 2024, có thể đạt 4,6 - 5 tỷ USD khi còn nhiều dư địa để duy trì mức giá cao.
Các DN xuất khẩu cà phê cần bắt nhịp nhanh với “khẩu vị” của những nhà thu mua quốc tế để từ đó đẩy mạnh chế biến sâu, tạo ra sản phẩm nổi trội, thu về giá trị cao hơn.
Để có thể thiết lập kỷ lục mới này thì một trong những giải pháp mà ngành cà phê Việt cần làm là phải tăng được giá trị hơn nữa cho cà phê, chú trọng nhiều hơn đến chế biến sâu, định vị lại dòng sản phẩm và nắm bắt xu thế của thị trường. Bởi lẽ, ngành cà phê Việt vẫn được ví von như “con hổ không có tiếng gầm” bởi thiếu đầu tư công nghệ, thiếu chế biến sâu.
Trong lưu ý gần đây của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến là ngành hàng cà phê cần gia tăng tỷ lệ chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê Việt nếu muốn đạt mục tiêu kim ngạch XK lên mức 6 tỷ USD trong các năm tới.
Nhất là khi hiện nay “khẩu vị” nhập khẩu cà phê của hai thị trường lớn là Mỹ và EU (chiếm đến 50% tổng nhập khẩu cà phê của toàn cầu) đang có sự chuyển dịch từ nhập khẩu cà phê Robusta dạng hạt sang cà phê đã qua chế biến. Điều này càng đòi hỏi các DN XK cà phê cần nhanh chóng bắt nhịp trong chế biến, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu, liên tục cập nhật các công nghệ chế biến chuẩn quốc tế.
Hoặc như với XK hồ tiêu. Theo nhận định mới đây từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2024 ước đạt 170 ngàn tấn, giảm 10,5% so với năm 2023. Dự báo XK hồ tiêu năm nay sẽ thuận lợi, giá sẽ tăng do sản lượng giảm, tồn kho hiện ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tuy vậy, cũng nên nhắc lại hồi năm 2023 XK hồ tiêu của Việt Nam đạt 264.094 tấn, trị giá đạt 905 triệu USD, tăng 13,5% về khối lượng, nhưng giảm 8% về giá trị. Điều này cho thấy ngoài vấn đề về giá cả thì việc gia tăng chế biến sâu để tăng giá trị kim ngạch XK là điều mà ngành hàng này cần làm. Nhất là cần tăng cao hơn tỷ lệ hàng XK hồ tiêu qua chế biến hơn nữa so với tỷ lệ hàng chế biến chỉ đạt 30% như hiện nay.
Hơn nữa, dù giá tiêu được dự báo là sẽ tăng lên, nhưng cây tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ một số cây trồng khác, nhất là cây sầu riêng.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA, việc nông dân chuyển từ hồ tiêu sang sầu riêng là khó tránh khỏi, khi lợi nhuận từ sầu riêng hiện đang cao hơn rất nhiều so với hồ tiêu. Trong thời gian qua, nhiều vườn tiêu đã bị nông dân chặt bỏ để thay thế bằng loại cây ăn trái này.
Trước vấn đề như vậy càng thôi thúc ngành hồ tiêu đẩy mạnh chế biến sâu để vừa tăng giá trị XK và giúp cho nông dân trồng hồ tiêu yên tâm với cây trồng của mình, không còn lo lắng được mùa mất giá hay đầu ra khó khăn.
Tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn
Đứng ở góc độ của một DN hàng đầu về XK cà phê và hồ tiêu vào những thị trường lớn, khó tính, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT của CTCP Phúc Sinh, cho rằng để ngành cà phê và hồ tiêu của Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới thì rất cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào khâu chế biến sâu.
“Chúng ta cần nhìn nhận thẳng là không thể mãi kinh doanh theo kiểu thương mại thuần túy mà phải xây nhà máy, đầu tư chế biến sâu và năm nào cũng phải quan tâm đến công nghệ, đến khả năng chế biến sâu hơn nữa. Bởi vì đó là điểm mấu chốt, lợi thế và chúng ta có thể XK nông sản với giá trị cao”, ông Sinh chia sẻ.
Việc hướng đến chế biến sâu để tăng sức cạnh tranh cũng đang được nhìn nhận rõ ở lĩnh vực XK thủy sản. Chẳng hạn với XK tôm, như lưu ý của bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm thuộc Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (Vasep), trên chặng đường vượt khó trong năm 2024 ngành tôm Việt cần phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Và một trong những giải pháp được xác định đó là đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng.
Theo bà Thu, sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng hiện chiếm 40-45% tổng giá trị XK tôm hàng năm. Trình độ chế biến chung của các DN tôm Việt thuộc mức cao trên thế giới và đây là một lợi thế cạnh tranh lớn. Với công nghệ chế biến ngày càng phát triển, nhu cầu từ các thị trường gia tăng, việc phát triển các sản phẩm tôm giá trị gia tăng sẽ ngày càng được thúc đẩy theo chủ trương của Chính phủ và Bộ NN&PTNT.
Vị chuyên gia thị trường tôm cho rằng, ngành chế biến phải không ngừng tiếp cận xu thế người tiêu dùng, thị trường để có sản phẩm mới đáp ứng kịp thời nhất. Người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian, nên các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến ngày càng được chú ý.
Còn đối với ngành hàng rau quả, qua trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhấn mạnh để đạt trình độ cường quốc XK rau quả của khu vực Đông Nam Á và của thế giới thì cần cải tiến nhiều vấn đề, trong đó có khâu chế biến sâu. Bởi vì năng lực chế biến rau quả hiện nay của Việt Nam mới chỉ đạt 25% trong tổng kim ngạch XK rau quả, trong khi ở nhiều quốc gia khác có thế mạnh về XK rau quả thì tỷ lệ chế biến chiếm đến 50%.
Như băn khoăn của ông Nguyên, số DN tham gia chế biến có thể lên đến hàng ngàn DN, nhưng chỉ là ở quy mô nhỏ lẻ. Còn nếu tính số DN có đầu tư lớn cho khâu chế biến rau quả một cách bài bản thì hiện chỉ vào khoảng 150 DN, nằm ở mức trung bình khá trên thế giới.
Tựu trung lại, để XK nông sản trong năm 2024 đạt giá trị cao hơn, thiết lập những kỷ lục mới về kim ngạch ở một số mặt hàng chủ lực thì điều kỳ vọng là ngành hàng nông sản Việt tiếp tục có sự kiên trì, có sức bật mới trong chế biến sâu để vừa nâng cao sức cạnh tranh, vừa xây dựng được chuỗi ngành hàng chuyên nghiệp, tạo ra những sản phẩm nổi trội, thu về giá trị cao hơn.
Thế Vinh